Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Giám sát hành trình chỉ là để… giám sát hành trình

Không phải chỉ có những người lái xe mà cả những người đi xe trên xe ôtô cá nhân ở Việt Nam đang có nhiều lo ngại về chuyện giám sát hành trình.

Ở Dự thảo mới nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công an – cơ quan soạn thảo, đã bổ sung thêm một điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được tham gia giao thông đường bộ là phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Trong khi đó, quy định hiện nay chỉ bắt buộc tất cả ôtô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cụ thể, chỉ có xe chở hành khách hoặc xe chở hàng hóa hạng nặng (xe đầu kéo, xe công-ten-nơ) mới bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát.

Đa dạng camera giám sát hành trình. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Dự luật cũng quy định, cơ sở dữ liệu về hành trình phương tiện, quản lý người lái, được thu thập từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái trên phương tiện được truyền về trung tâm chỉ huy giao thông do cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, khai thác. Dữ liệu được sử dụng để điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm, phòng chống tội phạm. Trung tâm chỉ huy giao thông có hệ thống kết nối, tiếp nhận, chia sẻ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình từ các ôtô…

Các ý kiến từ các tổ chức có liên quan và người dân về quy định mới này tập trung vào 2 vấn đề: gây tốn kém cho người sở hữu ôtô và nguy cơ về thông tin và quyền riêng tư của cá nhân.

Hiện nay, số lượng ôtô đang hoạt động kinh doanh chỉ có khoảng 1 triệu chiếc và hầu như chúng đều được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tính tới giữa tháng 6-2023, cả nước có hơn 6 triệu ôtô, gần 73 triệu môtô xe máy, hơn 1,8 triệu xe máy điện đang đăng ký lưu hành. Vì thế, nếu quy định mới được thông qua, sẽ có thêm hơn 5 triệu ôtô, gần 73 triệu xe máy của cá nhân và tổ chức không kinh doanh phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kết nối truyền dữ liệu. Chỉ nội chi phí lắp đặt thiết bị không cũng đã lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Chưa kể các chi phí sau đó mà người dùng phải trả hằng tháng cho dịch vụ truyền dữ liệu.

Ngoài ra, nếu cả xe máy, xe môtô cũng phải gắn thiét bị giám sát hành trình thì quả là chuyện chưa từng có. Liệu có thật sự cần thiết và khả thi không?

Nhưng điều mà người ta lo lắng nhất là quy định mới còn yêu cầu phải thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, nghĩa là phải ghi hình cả buồng lái, nếu không muốn nói là cả bên trong xe. Điều này dễ vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Càng đáng lo hơn khi dữ liệu này được truyền về lưu trữ ở cơ quan chức năng khiến nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư càng cao hơn.

Ở các nước tiên tiến, xe ôtô có hệ thống định vị GPS để khi cần – chủ yếu phục vụ điều tra hình sự, cơ quan chức năng có thể giám sát hành trình. Và thế là quá đủ, nhất là khi kết hợp cùng hệ thống camera giao thông, camera an ninh phủ khắp.

Rõ ràng, cơ quan soạn thảo dự luật cần phải cân nhắc kỹ hơn về quy định giám sát hành trình, sao cho khả thi và không gây ra những bất lợi cho người dân.

Riêng việc gắn camera hành trình để giám sát tình hình phía trước và sau xe lại là điều cần được khuyến khích và thực tế đã được nhiều chủ xe ôtô chủ động thực hiện. Bởi nó rất có lợi khi cần phải trích xuất hình ảnh trong những sự cố giao thông. Nếu được nhiều ý kiến đồng thuận, việc gắn camera giám sát hành trình có thể được luật hóa nhằm tăng cường an toàn giao thông. Chỉ có điều, hệ thống giám sát hành trình chỉ làm chức năng giám sát hành trình chứ không phải để giám sát người lái xe và những ai ngồi trên xe – hai tính năng hoàn toàn khác nhau.

Theo Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cơ giới (phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) là xe ôtô; máy kéo; rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe môtô hai bánh; xe môtô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 19-9-2023 và báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ