Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Việt Nam và cuộc chơi IoT toàn cầu

Từ ngày được con trai tặng chiếc đồng hồ thông minh có chức năng sức khỏe, ông Lê Văn Tùng (Q.6, TP.HCM) có thói quen theo dõi sức khỏe hằng ngày, ghi các thông số vào sổ để trình bác sĩ mỗi kỳ tái khám. Ông còn có thể kiểm tra nhịp tim, nồng độ oxy trong máu mỗi khi cảm thấy người bị mệt.

Trong khi đó, bà Betty Nguyễn (ở California, Mỹ) cho biết thiết bị đeo thông minh của bà có kết nối online với bác sĩ gia đình nên nơi đó có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của bà mọi lúc, mọi nơi, cho dù bà có quên.

Đó là chỉ 2 trong số vô vàn trường hợp người dùng hưởng lợi từ những thiết bị Internet Vạn vật (IoT).

IoT đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống. (Ảnh: FPT Software.)

Trong một bài phát biểu gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: IoT là một công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Ông cũng nhấn mạnh: IoT chính là cách để chuyển thế giới vật lý thành thế giới ảo và làm cho xã hội của chúng ta sáng tạo hơn. Việt Nam đã xác định công thức của chuyển đổi số là dữ liệu + điện toán đám mây + trí tuệ nhân tạo AI. Và giờ đây, IoT đã phát triển lên một cấp độ mới phù hợp với thời đại AI là AIoT với các thiết bị IoT được tích hợp công nghệ AI.

Từ một khái niệm được nhà tiên phong công nghệ Anh Kevin Ashton đưa ra vào năm 1999 để mô tả một hệ thống các vật thể được kết nối với nhau thông qua Internet bằng cách sử dụng các cảm biến, IoT trong những năm gần đây đã phát triển đến mức mở ra một kỷ nguyên công nghệ hướng tới thế giới thông minh.

Trang Reply Storm nói rằng: “Chúng ta đang chứng kiến buổi bình minh của kỷ nguyên mới của Internet of Things (IoT). IoT sẽ tăng tính phổ biến của Internet bằng cách tích hợp mọi đối tượng để tương tác thông qua các hệ thống nhúng, điều này dẫn đến một mạng lưới các thiết bị được phân bổ cao giao tiếp với con người cũng như các thiết bị khác. IoT có trong các cảm biến giúp mọi người sống trong thành phố thông minh và nhà thông minh.”

Aya Moheddine, Tiến sĩ Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông, Đại học degli Studi di Genova (UniGe) của Ý, viết rằng: “Thế giới đang chứng kiến sự phát triển của công nghệ IoT từ những thập kỷ trước và dự kiến sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị được kết nối vào năm 2025. IoT dựa trên khái niệm kết nối mọi thứ hoặc thậm chí bất kỳ ai, mọi lúc, mọi nơi với bất kỳ mạng nào.” Ông cho biết, IoT hiện đang được thế giới ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp, theo dõi sức khỏe, thành phố thông minh, nhà thông minh, nông nghiệp thông minh, xe thông minh, thiết bị đeo thông minh,….

Vai trò của IoT trong thực tế cực kỳ sâu rộng với số lượng đã lớn hơn hẳn smartphone. Nền tảng thống kê online Statista (Đức) cho biết: Số lượng thiết bị IoT trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng gần gấp ba lần từ 9,76 tỷ vào năm 2020 lên hơn 29 tỷ thiết bị IoT vào năm 2030. Năm 2022, con số thiết bị IoT được kết nối trên thế giới là 13,14 tỷ. Trong khi đó, số lượng smartphone được thuê bao trên thế giới vào năm 2022 là khoảng 6,4 tỷ thiết bị. Binh đoàn IoT trên Trái đất hiện nay đã đông hơn dân số toàn cầu (hiện khoảng 8,1 tỷ người).

Việt Nam ở đâu trong kỷ nguyên IoT toàn cầu? Thế mạnh của Việt Nam là giới trẻ nhạy bén công nghệ và cơ sở hạ tầng Internet – nền tảng của IoT – nằm trong top đầu của thế giới, đặc biệt là về độ phủ rộng, khả năng tiếp cận và tính sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi.

Và với đặc thù của mình, Việt Nam có thể tham gia cuộc chơi IoT toàn cầu với cả 2 vai trò: sử dụng và sản xuất thiết bị IoT, giải pháp IoT.

Tại Hội nghị giao ban của Bộ TT-TT ngày 7-4-2023, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT), cho biết: quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến có thể đạt 7 tỷ USD vào năm 2025. Từ kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, một trong những quốc gia mà Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ IoT, ông Nguyễn Thiện Nghĩa đã đề xuất 8 nội dung để thúc đẩy IoT ở Việt Nam.

Về sử dụng: xác định các ứng dụng, lĩnh vực ứng dụng IoT phù hợp với nhu cầu của Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển mang tính mở của hệ sinh thái IoT Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng, nền tảng về IoT; có kế hoạch xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về IoT cho Việt Nam; xây dựng và triển khai nhiều dự án thí điểm ứng dụng công nghệ IoT, đặc biệt trong các lĩnh vực nhà thông minh, nông nghiệp thông minh, công nghiệp thông minh, y tế thông minh,….

Về sản xuất: đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối IoT. Việt Nam hoàn toàn có khả năng nghiên cứu – phát triển, thiết kế và sản xuất nhiều loại thiết bị IoT. Trong vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nghĩa lưu ý cần xác định rõ chiến lược: Không có AI thì IoT sẽ không thể hiệu quả, xem AIoT là một xu hướng tất yếu cần tập trung phát triển.

Hiện nay trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, từ các “ông lớn” công nghệ cho đến các start-up, đang có vô số dự án về IoT, như cung cấp các giải pháp, dịch vụ IoT, cũng như nghiên cứu sản xuất thiết bị IoT. Việt Nam cũng có nhiều năng lực phát triển ứng dụng AI, tạo điều kiện để tịch hợp vào IoT “Made in Vietnam”.

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có ưu thế hơn hẳn khi vừa có mạng lưới viễn thông – Internet, vừa có năng lực nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ. Trên website của mình, Viettel cho biết mình đã cung cấp ra thị trường hay đang nghiên cứu và phát triển đa dạng sản phẩm IoT, cả phần cứng lẫn giải pháp ứng dụng, phù hợp với các nhu cầu khách hàng rộng rãi. Như về căn hộ thông minh (Home Camera); đồng hồ thông minh (MyKID); ôtô thông minh (Vcar);quản lý tài sản (Smart Motor, IoT V-Trackinh: Ôtô); sức khỏe cá nhân (VHealth); văn phòng thông minh (Camera AI); định vị thông minh (vTag),….

Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã xây dựng nền tảng VNPT IoT Platform, được giới thiệu là nhà cung cấp dịch vụ IoT B2B hàng đầu Việt Nam, và nền tảng IoT đạt chuẩn quốc tế oneM2M duy nhất tại Việt Nam hiện nay. Với định hướng, một nền tảng – đa kết nối, VNPT IoT Platform được phát triển để kết nối mọi ứng dụng IoT và thiết bị IoT thông qua hệ thống lõi phần mềm dùng chung CSF tuân theo chuẩn quốc tế oneM2M.

Tập đoàn FPT vốn luôn nhạy bén với các tiến bộ công nghệ đã đầu tư nghiên cứu, phát triển IoT từ sớm. Công ty FPT Software đang giới thiệu với thị trường toàn cầu những giải pháp, ứng dụng và dịch vụ IoT của mình. Công ty này đã được Forrester Wave, nền tảng nghiên cứu và hướng dẫn tiêu dùng công nghệ toàn cầu, xếp vàp Top 8 nhà cung cấp IoT tốt nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2022. Trường Đại học FPT cũng đã mở chuyên ngành IoT, tiếp cận từ căn bản về tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về phần cứng và kết nối với các nền tảng di động, hệ thống thông tin. Sinh viên học chuyên ngành sẵn sàng cho sự nghiệp 4.0 toàn cầu này có cơ hội triển khai các dự án về nhà thông minh, thành phố thông minh, dịch vụ sức khỏe thông minh, tài chính thông minh,… Theo giới thiệu, sinh viên tốt nghiệp có khả năng vận hành, ứng dụng, thiết kế và phát triển các hệ thống từ hạ tầng, dịch vụ phần mềm, các nền tảng phần mềm, giao thức, mạng trong lĩnh vực IoT của các công ty công nghệ và các doanh nghiệp nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng: “Với chiến lược mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước, thì Việt Nam chúng ta sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt cho hạ tầng kết nối IoT.”

Việt Nam đã từng bỏ lỡ không ít cơ hội để tham gia những cuộc chơi, thậm chí những xu hướng, công nghệ toàn cầu. Cuộc chơi IoT được giới chuyên môn đánh giá là nằm trong khả năng của Việt Nam, và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để đóng góp vai trò quan trọng trong kỷ nguyên IoT toàn cầu.

Có một thực tế là ở Việt Nam hiện nay, IoT chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng cá nhân, cụ thể là theo dõi sức khỏe. Trong khi đó, công nghệ IoT chỉ thật sự phát huy tác dụng và đem lại lợi ích cho xã hội số khi các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng IoT trong các hoạt động, dịch vụ của mình.

PHẠM HỒNG PHƯỚC