Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Mời và rủ

A Phủ có những người bạn qua Mỹ định cư 30, 40 năm mà vẫn cố gắng giữ gìn nền nềp người Việt. Trong khi đó, có mấy người bạn mới qua Mỹ vài ba năm, vẫn còn là thẻ xanh (nghĩa là còn là Việt kiều), mà đã sống như dân Mỹ.

Bữa nay là Chủ nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh Phục sinh 2024 và là Rằm tháng Hai năm Giáp Thìn, A Phủ tâm hồn cố làm ra vẻ hãm mình, chay tịnh nên chẳng dám nói gì. Chỉ khen mấy bạn đó rất nhanh nhạy hội nhập xã hội mới. This và That thì hội nhập được đó cũng là một lợi thế khi sống ở một nước nào đó. Dù là ngày Lễ Lá và ngày Rằm, A Phủ vẫn không thoát khỏi ấm ức vì sự thay đổi quá nhanh của mấy bạn bè mình. Hồi còn ở Việt Nam, hễ gặp nhau là họ “mời” A Phủ đi ăn uống – mà mời có nghĩa là người mời trả tiền. Nhưng khi qua Mỹ, có về thăm Việt Nam thì họ lại “rủ” A Phủ đi ăn uống – mà rủ thì thanh toán theo kiểu Mỹ, hồn ai nấy giữ, ai ăn gì trả nấy.

Ảnh do AI Microsoft Designer DALL-E 3 tạo. Thanks.

Cô cháu gái của A Phủ từng là giáo viên dạy tiếng Việt tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM. Cô cháu kể có nhiều học viên Mỹ đã thắc mắc về cái vụ “mời” và “rủ” trong chuyện thực hành ăn uống ở Việt Nam. Cô cháu cứ phải giải thích là theo người Mỹ thì “mời” (invite) là người mời phải trả tiền cả bữa ăn uống, còn “rủ” (ask) thì chi phí chia ra, ai ăn gì trả nấy. Nhưng ở Việt Nam không có sự phân biệt như vậy, dù “rủ” hay “mời” thường thì ai chủ xướng lên tiếng trước là phải làm chủ xị, trả tiền.

Có ông thầy nào đó giải thích là người chân tu thì “độ đời”, còn kẻ không chân tu thì “đợi đồ (chờ bá tánh cúng dường). A Phủ thì trải qua 3.000 đại thiên thế giới luôn “đợi mời”, dù nói thẳng hay nói lái cũng y như nhau – đó gọi là “chất”, là “đẳng cấp”.

A.P.