Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tập đoàn Công nghệ CMC: từ chuyển đổi số đến chuyển đổi trí tuệ nhân tạo AI

Tập đoàn Công nghệ CMC đang khẳng định vị thế tiên phong hàng đầu của mình trong quá trình chuyển đổi trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư mạnh mẽ, CMC đang chuyển mình để đáp ứng xu hướng chuyển đổi AI không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên quy mô toàn cầu.

Vào tháng 6-2024, CMC đã được Tạp chí kinh doanh Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2024 (dựa trên kết quả kinh doanh năm tài chính 2023). Đây là lần đầu tiên, CMC nhận được giải thưởng có uy tín này, đánh dấu một cột mốc quan trọng, thể hiện niềm tin và sự đánh giá cao từ các nhà đầu tư. Theo chia sẻ của CMC, ngoài kết quả kinh doanh ấn tượng, một lý do quan trọng khiến Forbes Việt Nam vinh danh CMC là sự chủ động bắt kịp làn sóng chuyển đổi AI – cung cấp các dịch vụ tư vấn AI và giải pháp công nghệ tại Việt Nam, cũng như trên thế giới.

Tập đoàn CMC đã hoạt động được 31 năm (thành lập từ năm 1993) và không ngừng phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây. Sau 3 thập niên, CMC đã vững vàng với vị thế một trong những công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam, thể hiện được sự linh hoạt và nhạy bén trong kinh doanh và với các xu thế, các làn sóng công nghệ mới của thế giới.

CMC được đánh giá cao về đổi mới sáng tạo mà Tập đoàn đã áp dụng từ nhiều năm nay. Hồi tháng 5-2024, khi tiến hành buổi phỏng vấn ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị/ Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, với chủ đề chính là đổi mới sáng tạo, đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO nhận định: “Chúng tôi đánh giá rất cao năng lực công nghệ và vị thế của Tập đoàn Công nghệ CMC. Đây cũng là doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông lớn thứ hai tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi muốn thúc đẩy đầu tư, hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản.”

Ở độ tuổi 30, tiến vào thập niên thứ 4, Tập đoàn CMC từ nền tảng vững chắc trong nước làm bệ phóng tiến mạnh hơn ra thị trường quốc tế. CMC xác định “Go Global” chính là chiến lược trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới của mình với khát vọng đưa công nghệ Việt ra thị trường thế giới. Năm 2017, CMC Japan đã được thành lập tại Nhật Bản và hiện có khoảng 1.000 cán bộ – nhân viên chất lượng cao phục vụ cho thị trường Nhật Bản. Tháng 5-2024, Tập đoàn CMC đã cho ra mắt Công ty CMC Korea và khai trương văn phòng của công ty tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Trong năm 2024, CMC tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động tại Châu Âu và Mỹ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tập đoàn số toàn cầu có doanh thu tỷ USD với quy mô trên 10.000 nhân sự vào năm 2028.

Với bề dày kinh nghiệm, các thế mạnh công nghệ và chiến lược đúng đắn, linh hoạt nhưng quyết đoán của mình, Tập đoàn CMC giờ đây nhanh chóng nhập cuộc chơi trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu theo một cách tiếp cận riêng. Đó là chuyển đổi trí tuệ nhân tạo (AI Transformation, AI-X) với sự tự tin từ kinh nghiệm làm dịch vụ chuyển đổi số (Digital Transformation, CX/DX) của mình.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị/ Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC. (Ảnh do CMC cung cấp).

Ông Nguyễn Trung Chính cho biết: “Tập đoàn CMC đã dẫn đầu và bắt kịp các làn sóng công nghệ mới, như AI, thiết kế vi mạch, điện toán đám mây và an ninh mạng. Năm 2017, CMC chính thức công bố chiến lược chuyển đổi số và ngày nay, chúng tôi đang tiến tới giai đoạn tiếp theo, đó là chuyển đổi AI. Mục tiêu của chúng tôi là đưa CMC trở thành một tập đoàn số toàn cầu vào năm 2028, với quy mô tỷ đô (USD) và lực lượng lao động 10.000 – 15.000 nhân viên.”

Chia sẻ nhận thức về chuyển đổi AI, ông Nguyễn Trung Chính nói rằng: “AI Transformation (AI-X) là quá trình ứng dụng công nghệ AI nhằm thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức hoạt động và tương tác trong mọi lĩnh vực của xã hội: từ chính phủ, doanh nghiệp đến đời sống của người dân. Mục tiêu của chuyển đổi AI là tận dụng tiềm năng công nghệ AI để cải tiến về hiệu suất, năng suất, gia tăng giá trị và tạo ra một nền kinh tế số, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển xanh và bền vững.”

Theo Waverley, để bảo đảm triển khai thành công quá trình chuyển đổi AI, các chủ doanh nghiệp phải đặt ra các mục tiêu kinh doanh rõ ràng, phát triển chiến lược dữ liệu toàn diện, xây dựng đội ngũ có tay nghề cao và đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ.

Cuộc chơi AI vốn được coi là cực kỳ tốn kém nhưng lợi tích thì vô song. Bên cạnh kinh nghiệm, làm dịch vụ chuyển đổi AI cần có sức mạnh về cả công nghệ (bao gồm cơ sở hạ tầng và nhân lực) lẫn tài chính.

Tập đoàn CMC đã đạt được kết quả tài chính ấn tượng trong năm 2023. Mặc dù doanh thu thuần giảm nhẹ so với năm trước, còn 8.058 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên 548 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, cho thấy kinh doanh hiệu quả hơn.

Tập đoàn Công nghệ CMC hiện có khoảng 10 đơn vị thành viên tập trung vào 4 lĩnh vực kinh doanh chiến lược: Hạ tầng số, Giải pháp & Công nghệ, Kinh doanh Quốc tế, Nghiên cứu & Giáo dục. Hiện tại, CMC có hơn 5.000 nhân viên và đang hoạt động ở quy mô khu vực với doanh thu và giá trị công ty ước tính khoảng 400 triệu USD.

CMC hiện sở hữu hơn 20 công nghệ lõi, bao gồm công nghệ nhận diện khuôn mặt (FaceID) xếp hạng 12 thế giới theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST). Ông Nguyễn Trung Chính nói rằng: “Khả năng này cho phép chúng tôi đáp ứng nhu cầu hợp tác của hàng nghìn đối tác và khách hàng, điều này là niềm tự hào lớn đối với toàn thể CMC.

Các giải pháp công nghệ “Made by CMC”.

Nhận thức được tầm quan trọng sống còn và nhu cầu đang rất lớn về nhân lực AI, Tập đoàn CMC đã nhanh chóng chuyển hướng Trường Đại học CMC của mình (ra mắt tháng 11-2022) từ Đại học số (Digital University) – mô hình trường đại học số đầu tiên ở Việt Nam – thành Đại học trí tuệ nhân tạo (AI University) từ tháng 7-2024, cũng là mô hình trường đại học AI đầu tiên ở Việt Nam. Trường Đại học CMC cam kết ứng dụng công nghệ AI vào vận hành, giảng dạy và nâng cao trải nghiệm sinh viên. CMC University sẽ trở thành một môi trường học tập hiện đại, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực ứng dụng AI cho sinh viên, cán bộ nhân viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học CMC, chia sẻ: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mô hình đại học AI không chỉ là đào tạo về AI hay có các chuyên ngành AI, mà quan trọng hơn, là sử dụng công nghệ AI để chuyển đổi toàn diện các hoạt động của một trường đại học, từ giảng dạy, học tập đến quản trị, vận hành.”

Trường Đại học CMC trở thành trường Đại học AI đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh do CMC cung cấp),

AI – Xu hướng toàn cầu và tương lai của Việt Nam

Ông Nguyễn Trung Chính cũng cho biết: “Đầu năm 2024, khi tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, tôi nhận thấy AI đã trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của lãnh đạo các quốc gia, học giả và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.”

Chuyển đổi AI cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trong khu vực. Ví dụ, Hàn Quốc đã khởi động chương trình chuyển đổi AI quốc gia từ năm 2022, khẳng định vị thế là một trong những nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, chính phủ số và hiện nay là chuyển đổi AI.

Nhìn về tương lai, AI sẽ tiếp tục phát triển và đạt được những bước tiến mới trong việc hỗ trợ cuộc sống con người. Để giảm bớt sự mới mẻ và bất ngờ khi tiếp nhận, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng AI trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện trong năm 2024.

Hơn 31 năm từ khi thành lập, Tập đoàn Công nghệ CMC luôn tích cực đầu tư, nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới. (Ảnh do CMC cung cấp)

Tập đoàn CMC là một trong những tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam trong việc đón nhận làn sóng AI, đồng hành cùng sứ mệnh chuyển đổi số quốc gia. Trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, Tập đoàn Công nghệ CMC đã bắt đầu chuyển đổi toàn bộ hoạt động sang nền tảng AI. CMC đã thành lập các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi AI-X (trước đây là chuyển đổi số CX/DX), đồng thời tích hợp các ứng dụng AI vào quản trị tài chính, nhân sự và vận hành doanh nghiệp. Song song với chuyển đổi AI nội bộ, các chuyên gia công nghệ của CMC trong cả 4 khối đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn cũng như giải pháp công nghệ AI “made by CMC” và từ các đối tác cho khách hàng.

Tại CMC, AI không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới trong doanh nghiệp. Chiến lược của CMC bắt đầu từ việc thúc đẩy văn hóa chuyển đổi AI từ nội bộ, xây dựng một môi trường làm việc hiện đại từ trong chính công ty và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đón nhận và ứng dụng công nghệ AI trong công việc hằng ngày.

Định hướng này thể hiện cam kết của Tập đoàn CMC trong việc không ngừng học hỏi, cải tiến và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Điều này cho phép công ty mang đến những giải pháp đột phá, giúp nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, nhấn mạnh: “CMC kiên định với công cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng này, không chỉ trong nước, mà còn trên toàn cầu.Từ năm 2024 trở đi, trọng tâm của CMC sẽ là hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ việc áp dụng và chuyển đổi số với công nghệ AI. Công nghệ AI là một lĩnh vực phù hợp với năng lực của người Việt Nam và CMC, và đây cũng là trọng tâm mà CMC sẽ tập trung trong thời gian tới.”

Điểm nổi bật trong các sản phẩm, dịch vụ của CMC là ứng dụng các công nghệ AI để tăng tính hiệu quả, sáng tạo, bảo đảm chất lượng, mà vẫn tiết kiệm thời gian và chi phí trong dài hạn.

Theo định hướng chiến lược, các nền tảng quản lý được hỗ trợ bởi AI do Viện CMC ATI phát triển sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, mang lại khả năng giám sát và phản ứng nhạy bén trước những rủi ro về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu đang ngày càng gia tăng.

T.L.C.

Có tham khảo từ nguồn do CMC cung cấp.