Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Việt Nam chính thức vào kỷ nguyên 5G

Với việc nhà mạng di động Viettel công bố thương mại hóa mạng 5G vào ngày 15-10-2024, Việt Nam đã chính thức cùng hơn 140 nước khác trên thế giới (theo Ookla 5G Map) bước vào kỷ nguyên 5G.

Việc Viettel là nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam thương mại hóa 5G có nhiều ý nghĩa. Không chỉ là nhà mạng đã giành được quyền khai thác khối “băng tần vàng” B1 (2500-2600 MHz), Viettel còn là nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam (năm 2023 chiếm 56,5% thị phần thuê bao di động) và đã có thể cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc. Viettel cũng dự kiến phủ sóng 5G tại tất cả 63 tỉnh, thành ngay trong tháng 10-2024.

Trong khi đó, nhà mạng di động VNPT VinaPhone với khối băng tần C2 (3700 – 3800 MHz) từ ngày 13-10-2024 đã bắt đầu cho phép thuê bao sử dụng thử miễn phí 5G tại các khu vực có sóng 5G.

(Ảnh do VinaPhone cung cấp).

Còn nhà mạng MobiFone với khối băng tần C3 (3800 –  3900 MHz), nhà mạng đấu giá thành công muộn nhất,  vào tháng 7-2024, dự kiến sẽ cho khách hàng được thử nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11-2024. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, MobiFone hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp.

Việc thử nghiệm chính thức 5G đã diễn ra ở Việt Nam hồi năm 2020 và Việt Nam được ghi nhận nằm trong số các nước sớm tiếp cận với công nghệ mới 5G. Tuy nhiên, sau đó, do nhiều lý do, mãi đến tháng 1-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông mới có thể phê duyệt được phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với 3 khối băng tần cho 5G (thời hạn sử dụng 15 năm). Và vào thượng tuần tháng 3-2024, việc đấu giá băng tần 5G mới được tiến hành và kéo dài tới thượng tuần tháng 7-2024 mới có thể hoàn tất việc đấu giá 3 khối băng tần được quy hoạch cho 5G.

Thời gian từ khi thắng đấu giá băng tần cho đến khi chính thức thương mại hóa 5G của Viettel mất hơn 7 tháng. Bất luận coi thời gian này là nhanh hay chậm, nhưng thật sự là các nhà mạng đã phải chuẩn bị rất lâu, nhiều năm, để có thể triển khai được mạng 5G. Và chỉ sau khi có được giấy phép chính thức sử dụng băng tần 5G, các nhà mạng mới có thể chính thức đầu tư và triển khai cơ sở hạ tầng và các phần việc cần phải có cho 5G. Đầu tư triển khai 5G đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ, ngay từ khâu đấu giá quyền sử dụng băng tần.

Nhân viên kỹ thuật VNPT VinaPhone lắp đặt trạm ăng-ten 5G BTS. (Ảnh do VinaPhone cung cấp)

Sau khi được cấp phép chính thức, Tập đoàn VNPT đã khẩn trương triển khai lắp đặt hạ tầng và trạm thu phát sóng VinaPhone 5G trên toàn quốc. Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có sóng VinaPhone 5G. Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, VNPT sẽ hoàn thành lắp đặt trên 3.000 trạm phát sóng VinaPhone 5G nhằm bảo đảm phủ sóng mạnh mẽ, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.

Còn Viettel tỏ ra có nhiều ưu thế hơn. Hồi tháng 8-2024, hơn ba tháng kể từ khi được Bộ TT-TT cấp giấy phép sử dụng tần số 5G, Viettel Telecom đã trở thành nhà mạng di động trong nước đầu tiên nghiên cứu và triển khai thành công mạng 5G độc lập (5G Standalone – SA). Đây là một bước tiến quan trọng cho việc chính thức cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Trước đó, vào năm 2019, Viettel Telecom cũng là nhà mạng đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi trên sóng 5G NSA. Tập đoàn Viettel cũng đã phát triển được chip 5G và trạm gốc BTS 5G Open RAN đạt quy chuẩn quốc gia.

Theo lộ trình của Bộ TT-TT, đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố; các khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; khu công nghiệp; nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế sẽ có dịch vụ di động 5G. Tốc độ tối thiểu của mạng này cần đạt 100Mbps. Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT-TT) khẳng định: “Triển khai mạng 5G đã đến thời điểm chín muồi. Các nhà mạng Việt Nam cũng đã triển khai thử nghiệm 5G trong vài năm vừa qua.” Nói chung là tất cả các nhà mạng lớn ở Việt Nam trong năm 2024 đều khẳng định sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G.

Sau nhiều năm chờ đợi, giờ đã có 5G được thương mại hóa, vấn đề của vấn đề hiện nay là làm thế nào để xã hội có thể tận dụng được tối ưu các lợi ích, thế mạnh từ công nghệ kết nối di động này. Không chỉ về công nghệ mà bản chất 5G cũng khác hẳn các thế hệ mạng di động tiền nhiệm.

Các thế hệ công nghệ di động. (Ảnh từ Internet. Thanks.)

Theo nhà phát triển chip di động Qualcomm, mạng 3G đã mang đến dữ liệu di động. Mạng 4G mở ra kỷ nguyên băng thông rộng di động. Và tất cả các thế hệ trước, 1G, 2G, 3G và 4G đều dẫn đến 5G, được thiết kế để cung cấp nhiều kết nối hơn bao giờ hết. 5G là giao diện không dây thống nhất, có khả năng hơn. Nó được thiết kế với khả năng mở rộng để cho phép trải nghiệm người dùng thế hệ tiếp theo, trao quyền cho các mô hình triển khai mới và cung cấp các dịch vụ mới.

Nói chung, 5G được sử dụng trên ba loại dịch vụ kết nối chính, bao gồm băng thông rộng di động nâng cao, truyền thông quan trọng và IoT quy mô khổng lồ. Một khả năng đã được xác định của 5G là nó được thiết kế để tương thích và hỗ trợ linh hoạt các dịch vụ trong tương lai mà ngày nay chưa được biết đến.

Chắc chắn việc ứng dụng AI tạo sinh, AI trên thiết bị, AI mọi nơi sẽ phát huy tối đa hiệu quả nhờ có kết nối 5G.

Cũng theo Qualcomm, trước mắt, 5G sẽ cải thiện khả năng của điện thoại thông minh, có thể mở ra những trải nghiệm nhập vai mới như VR và AR với tốc độ dữ liệu nhanh hơn, đồng đều hơn, độ trễ thấp hơn và chi phí cho mỗi bit thấp hơn. Hơn hẳn 4G, 5G có thể cho phép các dịch vụ mới có thể chuyển đổi các ngành công nghiệp với các liên kết có độ tin cậy cao, khả dụng và độ trễ thấp như điều khiển từ xa cơ sở hạ tầng quan trọng, phương tiện và quy trình y tế. 5G cũng cho phép kết nối liền mạch một số lượng lớn các cảm biến nhúng trong hầu như mọi thứ thông qua khả năng thu hẹp tốc độ dữ liệu, công suất và tính di động – cung cấp các giải pháp kết nối cực kỳ tinh gọn và chi phí thấp.

Chắc chắn một điều là 5G sẽ dẫn dắt sự tăng trưởng toàn cầu và cho từng nước triển khai. Các nhà nghiên cứu dự đoán, tới năm 2035 trên quy mô toàn cầu, công nghệ 5G sẽ góp phần tạo ra 13.100 tỷ USD sản lượng kinh tế (hàng hóa và dịch vụ); 22,8 triệu việc làm mới.

Bên cạnh việc phát triển thêm nhiều ứng dụng 5G, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần có chiến lược và các dự án khai thác các ưu thế của 5G để nâng cấp cho hoạt động của mình. Và khác với 4G, 5G cũng cần có một chiến lược mang tầm cỡ quốc gia để tận dụng tối ưu công nghệ của tương lai này.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Ba 15-10-2024 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ

Làm gì để dùng được 5G tại Việt Nam?

Theo hướng dẫn của Viettel Telecom, khách hàng cần:

+ Là thuê bao của nhà mạng có cung cấp 5G

+ Ở khu vực có sóng 5G

+ Sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G (có thể tham khảo thông tin sản phẩm)..

+ Bật chế độ 5G trên điện thoại

+ Sử dụng SIM từ 4G trở lên. (Trước đây, khi chuyển đổi từ mạng 3G sang 4G, người dùng cần đổi SIM 4G. Tuy nhiên, với mạng 5G, thuê bao đang sử dụng SIM 4G không cần đổi SIM mới mà vẫn sử dụng được).

+ Nhận được tin nhắn từ nhà mạng hoặc chủ động đăng ký gói 5G

Cách bật 5G trên máy

– Hệ điều hành iOS:

*Bước 1: Bạn vào Cài đặt (Settings) ->> Di động (Mobile service) ->> Tùy chọn Dữ liệu di động (Mobile data option).

*Bước 2: Trong mục Tùy chọn dữ liệu di động (Mobile data option), khách hàng chọn Thoại & Dữ liệu (Voice & Data) và chọn Chế độ 5G (5G auto).


– Hệ điều hành Android:

* Bước 1: Bạn mở biểu tượng Cài đặt (Settings) trên màn hình Android.
* Bước 2: Chọn Kết nối (Connections).
* Bước 3: Chọn Mạng di động (Mobile Network).
* Bước 4: Chọn Chế độ mạng (Network Mode).
* Bước 5: Chọn Chế độ 5G/LTE/WCDMA/GSM (Auto Connect).