Thứ Ba ngày 03 tháng 12 năm 2024

CMC làm chủ công nghệ và đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia

Chiều 25-10-2024, tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có buổi làm việc của Bộ này với lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Công nghệ CMC. CMC là doanh nghiệp viễn thông, ICT thứ tư mà Bộ TT-TT làm việc, sau VNPT, MobiFone, và Viettel.

Tham dự buổi làm việc còn có hai Thứ trưởng Bộ TT-TT là ông Nguyễn Thanh Lâm và ông Bùi Hoàng Phương, cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT-TT.

Buổi làm việc này là bước tiến mới trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp công nghệ, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là trong xu thế chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, CMC là công ty công nghệ thì cần làm chủ công nghệ. Làm chủ công nghệ thì phải chi 20% cho công nghệ. Ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc CMC phải tuyên bố là doanh nghiệp đầu đàn về công nghệ số, không chỉ tầm quốc gia, mà phải tầm quốc tế. Trung thành với con đường công nghệ thì phải đặt mục tiêu ‘Đầu đàn’, ‘Lớn’, ‘Quốc tế’”.

Buổi làm việc của Bộ TT-TT với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của CMC do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì. (Ảnh do CMC cung cấp).

Kết quả kinh doanh 2024 của CMC: Tăng trưởng ấn tượng

Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2024, tổng quan về doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn CMC đang thực hiện vượt kế hoạch đã đề ra. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ và hoàn thành so với kế hoạch. Trong đó, các Khối Hạ tầng số và Khối Giải pháp công nghệ giữ mức tăng trưởng tốt. Dự kiến doanh thu cả năm tài chính 2024 của Tập đoàn CMC sẽ đạt 9.231 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6%, lợi nhuận đạt 550 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Đặc biệt, CMC đã mở rộng thị trường quốc tế với việc khai trương văn phòng tại Hàn Quốc, văn phòng thứ ba tại Nhật Bản, và chuẩn bị mở rộng sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Các bước đi chiến lược này không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu từ thị trường quốc tế mà còn củng cố vị thế của CMC trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Trong lĩnh vực hạ tầng số, Data center Tân Thuận của CMC là DC đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III đầu tiên tại Việt Nam về vận hành, với doanh thu dịch vụ tăng trưởng hơn 32% so với cùng kỳ. CMC Cloud cũng ghi nhận mức tăng trưởng 54%, một kết quả đáng chú ý trong bối cảnh nhu cầu về các giải pháp điện toán đám mây đang gia tăng mạnh mẽ.

Đẩy mạnh thị trường quốc tế: CMC xem xét đến sản phẩm phải thật độc đáo, có giá trị mới

Một điểm nhấn trong cuộc họp là chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế của CMC. Tập đoàn đang tập trung phát triển mạnh mẽ tại các thị trường chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, và Châu Âu. Tại Nhật Bản, CMC cũng đã khai trương văn phòng thứ ba tại Tokyo, một bước tiến quan trọng trong việc củng cố sự hiện diện của Tập đoàn tại một trong những thị trường công nghệ hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và triển vọng, Tập đoàn CMC cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Một trong những khó khăn lớn nhất mà CMC gặp phải là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia có ngành công nghệ thông tin phát triển như Ấn Độ. Với lực lượng nhân sự kỹ thuật đông đảo và giá cả cạnh tranh, các công ty công nghệ Ấn Độ đã trở thành đối thủ đáng gờm trên thị trường toàn cầu.

CMC cũng bày tỏ mong muốn Bộ TT-TT hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có CMC, thông qua việc đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, CMC cũng kiến nghị Bộ TT-TT sớm ban hành các quy định và hướng dẫn liên quan đến các dịch vụ hạ tầng số, như dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông, nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ và mở rộng hoạt động.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với CMC. (Ảnh do CMC cung cấp).

Về trăn trở cạnh tranh với các nước như Ấn Độ khi đi ra toàn cầu (Go Global), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị CMC cần xem xét đến sản phẩm phải thật độc đáo, có giá trị mới. Ông chia sẻ: “Điểm độc đáo sẽ bù cho nhiều thách thức, cạnh tranh đi ra nước ngoài, thậm chí là rủi ro”.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng đề nghị CMC hãy chuyển đổi số mạnh mẽ trong nội bộ Tập đoàn, bởi cái gì làm cho nội bộ cũng có thể mang ra bên ngoài. Những doanh nghiệp công nghệ lớn như Facebook, Apple, Amazon lớn mạnh là từ những việc làm cho nội bộ. Amazon phát triển nền tảng đám mây rộng như bây giờ cũng là nhờ từ việc phát triển đám mây nội bộ công ty.

Chuyển đổi số cũng tương tự. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CMC hãy thúc đẩy chuyển đổi số nội bộ CMC mạnh mẽ để chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp khác.

CMC được giao phát triển trợ lý ảo AI hỗ trợ pháp lý cho người dân Việt Nam

Tại cuộc họp, các cấp cán bộ chủ chốt của CMC cũng đã trao đổi về một số khó khăn trong việc cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đến từ thị trường nước ngoài, cước kết nối VNIX, cấp phép chữ ký số từ xa, không gian phát triển mới…

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC, trao đổi về tình hình CMC và nêu một số kiến nghị. (Ảnh do CMC cung cấp).

Trước các kiến nghị, đề xuất với Bộ TT-TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các lãnh đạo của Bộ đã lắng nghe chia sẻ và giải đáp kiến nghị, thắc mắc của các cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Tập đoàn CMC, đồng thời gợi mở, đề xuất hướng đi mới mà CMC có thể tập trung phát triển trong thời gian tới.

Theo đó, CMC được kiến nghị quan tâm đến thị trường đám mây cho người dân Việt Nam, không để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. CMC cần quan tâm tham gia phát triển chip cho IoT khi CMC đã tập trung cho mảng IoT, phổ cập chữ ký số khi chữ ký số đã được coi là một thành phần của hạ tầng số, phát triển phần mềm an toàn…

Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương cho biết CMC đã có lịch sử phát triển 31 năm. Trong 4 năm tới , CMC dự kiến phát triển nhân sự lên tới 10.000 người, có doanh thu tỷ USD…. Vì thế, CMC cần phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể hơn nữa để hiện thực hóa giấc mơ.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại buổi mà việc với CMC. (Ảnh do CMC cung cấp).

CMC được giao phát triển trợ lý ảo AI hỗ trợ pháp lý cho người dân Việt Nam và CMC cần cụ thể hơn nữa để đạt mục tiêu. Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cũng đề nghị doanh nghiệp công nghệ như CMC hãy “bắt tay” với báo chí. Rất cần “ông lớn” công nghệ dám chơi lớn, ứng xử lớn để ngành nội dung Việt Nam phát triển. Cùng với đó, là câu chuyện lưu trữ dữ liệu của báo chí truyền đưa trên không gian mạng cũng cần doanh nghiệp công nghệ.

Tầm nhìn đến năm 2028: CMC khẳng định vị thế toàn cầu

Nhìn về tương lai, CMC đã đặt ra mục tiêu đầy khát vọng đến năm 2028. Tập đoàn hướng đến trở thành một tập đoàn công nghệ số và AI tiêu chuẩn quốc tế, với doanh thu vượt mốc 1 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm. Quy mô nhân sự dự kiến sẽ vượt 10.000 người, trong đó 40% sẽ là các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trước các ý kiến của Tập đoàn Công nghệ CMC, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi, giải đáp từng nội dung, cũng như đồng tình với các trao đổi của các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị của Bộ với CMC.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng cho rằng ở đô thị có nhiều câu chuyện thiên niên kỷ. Đô thị là chật chội, tắc đường, môi trường, chất lượng không khí kém, thiếu trường học, bệnh viện,… Các vấn đề này đều có thể dùng AI để giải quyết.

Ông nói rằng: CMC hãy phát triển AI hẹp, nền tảng (platform) để các doanh nghiệp, tổ chức có thể “đứng trên lưng” mình mà phát triển. CMC có thể làm tốt về AI để trở thành công ty AI toàn cầu. Ông lưu ý: “CMC chú ý việc gì có thể làm được thì tập trung thật nhiều công sức. CMC là công ty công nghệ lớn hãy nhận việc lớn của đất nước”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đánh giá cao người đứng đầu Tập đoàn CMC, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành, là một người đam mê công nghệ, vì quốc gia, dân tộc, không có nhiều người như thế.

Cuối cùng, Bộ trưởng chúc mừng những thành quả phát triển 31 năm của CMC và với tinh thần, ý chí quyết tâm cao để đóng góp vào chuyển đổi số Việt Nam, để Việt Nam vươn tầm trên bản đồ thế giới.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của CMC. (Ảnh do CMC cung cấp).

Đáp lại sự kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ TT-TT, ông Nguyễn Trung Chính bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Bộ trưởng, các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT-TT vì những ý kiến đóng góp thẳng thắn và đầy tâm huyết, góp phần giúp Tập đoàn hoàn thiện và tiếp tục phát triển. Chủ tịch CMC nhấn mạnh, bên cạnh mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ CMC luôn khao khát được đóng góp vào sự tiến bộ của đất nước, đưa trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với tầm nhìn xa và chiến lược chuyển đổi AI-X đầy khát vọng, CMC đang trên đà trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực.

T.L.C.

Có tham khảo từ nguồn do CMC cung cấp