Thứ Hai ngày 07 tháng 4 năm 2025

Bảo vệ dữ liệu quốc gia ở tầm quốc gia

Dữ liệu quốc gia là nguồn dữ liệu cực kỳ quan trọng và nhạy cảm của mỗi nước. Dữ liệu quốc gia số chính là nền tảng cho một quốc gia vận hành, đặc biệt trong kỷ nguyên số khi tiến hành chuyển đổi số toàn diện quốc gia. Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số đều chỉ có thể triển khai và vận hành trên nền tảng dữ liệu quốc gia số.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính nền tảng, như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước,… cùng nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 47/2024/NĐ-CP ngày 9-5-2024 về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia do Bộ Công an xây dựng và vận hành đã được ra mắt ngày 25-2-2025 và sẽ chính thức hoạt động từ ngày 19-8-2025. Đây là nơi lưu trữ, xử lý và cung cấp các dữ liệu của quốc gia phục vụ cho chính phủ số, xã hội số và kinh tế số; cũng như cung cấp hạ tầng công nghệ cho các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng. Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia cũng đã được thành lập với nhiệm vụ kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam rất coi trọng nền tảng dữ liệu quốc gia trong kỷ nguyên số.

Vấn đề còn lại là bảo vệ và khai thác nguồn dữ liệu quốc gia như thế nào.

Tất nhiên, việc bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia phải là trách nhiệm ở cấp Nhà nước mà Trung tâm Dữ liệu Quốc gia là nơi thực thi. Chúng ta không thể tiếc tiền để đầu tư có được những giải pháp an ninh bảo mật, an toàn thông tin vào loại tốt nhất thế giới và được cập nhật thường xuyên, vì các nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia luôn phải phơi mình ra trước các tin tặc toàn cầu ở những cấp cao nhất. Do phải cung cấp dữ liệu cho các đầu ra có nhu cầu, sự bất trắc của dữ liệu càng cao hơn. Có nghĩa là càng có nhiều nguồn truy cập, càng có thêm nguy cơ về an toàn thông tin. Việc bảo vệ dữ liệu quốc gia phải được tiến hành và bảo đảm xuyên suốt từ Trung tâm Dữ liệu Quốc gia cho tới các nơi sử dụng dữ liệu. Điều này có nghĩa là các cơ sở cần truy xuất và sử dụng dữ liệu quốc gia cũng phải có các giải pháp an ninh, an toàn thông tin nghiêm ngặt.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia phải bảo đảm “sạch” và “sống”. Dữ liệu “sạch” là dữ liệu chính xác và được bảo đảm toàn vẹn từ khâu thu thập tới xử lý, lưu trữ và khai thác. Dữ liệu “sống” là dữ liệu được cập nhật thường xuyên và có thể khai thác.

Nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn dữ liệu dùng chung và tập trung. Bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia cũng là một nhiệm vụ mang tầm cỡ quốc gia.

Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 6-4-2025 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN