Thứ Hai ngày 21 tháng 4 năm 2025

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã về với Chúa

Đức Giáo hoàng Phanxicô (Pope Francis) đã được Chúa gọi về vào lúc 7:35 sáng thứ Hai 21-4-2025 (theo giờ Rome, tức 12:35 cùng ngày theo giờ VN) tại tư dinh của Ngài tại Casa Santa Marta (Vatican), ở tuổi 88, sau 12 năm lên ngôi Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo toàn cầu.

Thông tin này đã được Đức Hồng y Kevin Farrell, Nhiếp chính của Phòng Tông tòa (Camerlengo of the Apostolic Chamber), thông báo chính thức vào lúc 9:45 cùng ngày. Thông báo như sau: “”Anh chị em thân mến, với nỗi buồn sâu sắc, tôi phải thông báo về sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vào lúc 7:35 sáng nay, Giám mục Thành Roma, Phanxicô, đã trở về nhà Cha. Toàn bộ cuộc đời của Ngài đã cống hiến cho việc phục vụ Chúa và Giáo hội của Người. Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị của Phúc âm với lòng trung thành, lòng can đảm và tình yêu phổ quát, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất. Với lòng biết ơn vô hạn đối với tấm gương của ngài như một môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, chúng ta phó thác linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô cho tình yêu thương xót vô hạn của Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Cả thế giới vừa được trực tiếp chứng kiến qua kênh YouTube của Vatican News hình ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ xuất hiện trên ban công chính của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (Peter) để đích thân ban phước lành toàn xá Urbi et Orbi cho các giáo dân dự thánh lễ Phục sinh vừa diễn ra ít phút trước đó ngay tại Quảng trường Thánh Phêrô (Piazza San Pietro), cũng như toàn thể tín hữu khắp thế giới đã dự Thánh lễ Phục sinh này được phát live.

Sau đó, thêm một bất ngờ nữa, sau khi ban thông điệp Phục sinh (qua lời đọc của một Đức ông) và ban phép lành Phục sinh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngồi trên chiếc xe Giáo hoàng (Popemobile) mui trần màu trắng của mình chạy chầm chập dọc ngang các lối đi trên Quảng trường Thánh Phêrô để được trực tiếp tiếp xúc với hàng vạn tín hữu từ khắp thế giới quây quần về đây dự lễ Phục sinh. Khác với các lần tiếp xúc tương tự trước đây, sáng nay, thần sắc của Ngài không tốt và Ngài lộ rõ vẻ mỏi mệt, đuối sức. Nhưng Ngài vẫn cho xe chạy ngang dọc khắp cả Quảng trường như muốn được tiếp xúc với càng nhiều tín hữu càng tốt. Thỉnh thoảng, Ngài lại cho xe dừng lại để chạm tay chúc lành cho những em bé. Không ai hình dung được đây là lần cuối cùng được tiếp xúc với vị Cha chung của Giáo hội này. Hình ảnh có lẽ sẽ hằn ghi trong tâm trí nhiều người là lúc chiếc xe chở Đức Giáo hoàng quay trở vào Thánh đường và người tháp tùng nhấc chiếc mũ chỏm màu trắng ra khỏi đầu Ngài. Đó là hình ảnh cuối cùng mà người ta thấy được của Đức Phanxicô.

Đức Giáo hoàng Phanxicô (tên khai sinh Jorge Mario Bergoglio), sinh ngày 17-12-1936 tại Buenos Aires (Argentina), được bầu làm Giáo hoàng ngày 13-3-2013 khi đang là Hồng y (được Đức Giáo hoàng John Paul II tấn phong năm 2001). Ngài là Đức Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên (the Jesuit Order), Đức Giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ và Nam Bán cầu, Đức Giáo hoàng đầu tiên sinh ra hay lớn lên bên ngoài Châu Âu, kể từ thời Đức Giáo hoàng Gregory III người Syria hồi thế kỷ thứ 8. Ngài gây ấn tượng với sự quan tâm đặc biệt dành cho người nghèo – vốn là những tầng lớp bị xem là yếu thế trong xã hội. Trong thời gian tại vị, Ngài đã liên tục thực hiện hàng chục chuyến tông du đi thăm hàng chục nước trên thế giới. Năm 2024, ở tuổi 88, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã hoàn tất chuyến công du quốc tế thứ 45 – chuyến tông du dài nhất trong triều đại giáo hoàng của Ngài, kéo dài 12 ngày bên ngoài nước Ý, từ ngày 2 đến ngày 13-9-2024, tới thăm Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore. Càng gây ấn tượng hơn khi Ngài thực hiện chuyến tông du dài đó trên xe lăn mà Ngài chính thức sử dụng từ năm 2022 do bị đau khớp gối và thần kinh tọa. Không lâu sau đó, từ ngày 26 đến 29-9-2024, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện chuyến thăm Luxembourg và Bỉ – chuyến tông du thứ 46 trong triều đại của Ngài, mang thông điệp quan trọng về vai trò tương lai của nơi được xem là “trái tim” Châu Âu.

Hai dấu ấn gần đây nhất mà Đức Giáo hoàng Phanxicô để lại cho Hội thánh là việc Ngài triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 (năm 2021-2024) với chủ đề “Về một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ” và khai mạc Năm Thánh thường lệ 2025 với chủ đề “Những người hành hương của hy vọng”.

Đức Phanxicô đã để lại nhiều lời, nhiều giáo huấn gợi nhiều suy ngẫm. Bản thân cuộc đời và cách sống của Ngài cũng khiến cho chúng ta phải nhiều suy nghĩ. Ngài luôn truyền cảm hứng tích cực và thánh thiện cho mọi người.

Đức Giáo hoàng Phanxicô với đức khó nghèo và lối sống đơn sơ bình dị đã không cư ngụ tại dinh thự Giáo hoàng truyền thống tại Vatican. Thay vào đó, Ngài chọn sống tại Nhà khách Thánh Marta (Casa Santa Marta), nơi các linh mục bên ngoài Vatican lưu trú khi tới làm việc ở Vatican. Đó cũng là nơi Ngài trú ngụ mỗi khi tới Vatican trước khi được bầu làm Giáo hoàng.

Không chỉ đặc biệt quan tâm, bênh vực những người yếu thế trong xã hội, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng được gọi là “Đức Giáo hoàng của canh tân”, người trong suốt triều đại của mình đã không ngừng nỗ lực đổi mới và chấn chỉnh Hội Thánh cho tốt đẹp hơn, ngay từ nơi cao nhất là Tòa thánh Vatican.

Sức khỏe Đức Giáo hoàng Phanxicô suy giảm liên tục từ khi phải nhập viện ở Rome (Ý) hôm 14-2-2024. Ngài bị khó thở trong nhiều ngày và được chẩn đoán viêm phổi kép. Đội ngũ bác sĩ điều trị cho biết do tuổi cao và từng phẫu thuật cắt bỏ một phần một lá phổi khi còn trẻ nên Đức Giáo hoàng Phanxicô được xem là “bệnh nhân rất mong manh”. Tòa thánh Vatican đã nhiều lần phải thông báo Ngài trong tình trạng “nguy kịch” và cả thế giới cùng cầu nguyện cho Ngài. Ngay cả Đức Giáo hoàng cũng nghĩ đây là “lần cuối cùng” của mình. Tuy nhiên Đức Giáo hoàng đã vượt qua bạo bệnh và xuất viện hồi cuối tháng 3-2025, được coi như một “phép mầu”. Trong khi các bác sĩ yêu cầu Ngài hạn chế làm việc và tham gia các sự kiện đông người trong vài tuần tới để phục hồi sức khỏe, Ngài vẫn tiếp tục làm việc, duyệt và ban hành nhiều văn bản.

Đức Giáo hoàng Phanxicô là một nhân vật xuất chúng, có ảnh hưởng toàn cầu, trong một phần tư đầu tiên của thế kỷ 21. Ngài là nhân vật được các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, cho dù theo tín ngưỡng nào, tôn trọng và lắng nghe. Bất luận thế nào, Ngài ra đi là một sự mất mát to lớn không chỉ cho Giáo hội Công giáo mà còn với cả thế giới.

Với Việt Nam, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã để lại nhiều dấu ấn. Ngày 8-9-2023, Ngài đã viết thư Gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam. Trên chuyến bay từ thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ về Rome sau chuyến tông du hồi tháng 9-2023, Đức Giáo hoàng đã trả lời một nhà báo về khả năng thực hiện một chuyến tông du đến Việt Nam. Ngày 18-1-2024, tại Ðiện Tông tòa, Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Việt Nam do ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Ðối ngoại Trung ương, dẫn đầu (nay là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng). Đoàn đã nhắc lại lời mời Đức Giáo hoàng thăm Việt Nam của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Và Đức Giáo hoàng đã nhận lời. Trước đó, cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn sau chuyến tông du Mông Cổ, Ngài có nói: “Liên quan đến việc tông du Việt Nam, nếu tôi không đi, thì Đức Gioan XXIV (tông hiệu mà Đức Phanxicô dùng để chỉ người kế vị Ngài) chắc chắn sẽ đi. Ngài chắc chắn sẽ đi, bởi vì đây là đất nước xứng đáng để đến thăm, đất nước mà tôi thấy quý mến.”

Nguyện cầu Chúa Jesus Phục sinh sớm đón linh hồn Đức Thánh cha Phanxicô về Nước Trời. Ngài đã trở về Nhà Cha sau khi trải qua trọn vẹn mùa Phục sinh Năm Thánh và ngay sau lễ Chúa Jesus Phục sinh, đồng thời kịp ban phép lành toàn xá Phúc sinh cho cộng đồng dân Chúa toàn cầu.

PHẠM HỒNG PHƯỚC