Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Về lại Saigon lần thứ mấy trăm….

 131002-phphuoc-chicago-airport-ord-007_resize

 

Sau gần 1 tuần ở Đức và hơn 3 tuần lang thang ở Mỹ, tôi lại có mặt ở Saigon với tâm trạng và cảm giác bềnh bồng, chông chênh.

Hú ba hồn bảy vía với cái màn welcome home mém chia tay mùa thu với cái valy hành lý. Chuyến bay NH 931 của hãng hàng không Nhật Bản ANA hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 21g24ph. Khi tới belt 5 nhận hành lý thì đã gần 22g. Cái valy chính gởi từ sân bay quốc tế Baltimore BWI (bang Maryland) trải qua 3 chuyến bay (transfer tại Chicago ORD, bang Illinois và Tokyo NRT, Nhật Bản về Saigon SGN) đã đi tới nơi về tới chốn. Còn cái valy phụ gởi từ sân bay Narita Tokyo vẫn bóng chim tăm cá. Khi thấy trên băng chuyền chỉ còn vài ba kiện hành lý cuối cùng, tôi nghĩ bụng phen này phải tới quầy Lost and Found mà trình báo hành lý thất lạc. Nhưng rồi ngó vào một góc băng chuyền thấy một đống valy mà mấy vị nhân viên mặt đất của sân bay nhận lấy giùm cho bà con Việt kiều vốn về thăm quê lạ nước lạ cái lại hành lý đùm đề, tôi sinh nghi. Khi tới nơi kiểm tra thì thấy chiếc valy của tôi nằm lẫn lộn trong đống hành lý đó. Giận tới mức muốn lên máy bay đi tiếp hết xăng luôn!

Mà thiệt tình chuyến này tôi bị hành lý nó hành. Đinh ninh xưa nay đi Mỹ được gởi 2 kiện hành lý (check-in) mỗi kiện 50 pound (23kg) miễn phí, tôi chỉ xách một valy chất quần áo và đồ nghề mần báo đem gởi, để dành valy thứ hai đi “sưu” đồ của bà con bạn bè bên Mỹ cộ về như mọi khi. Tôi cũng mới đi Mỹ về hồi tháng 6-2013 với 2 valy được gởi miễn phí ngon lành mà. Ai dè khi làm thủ tục check-in ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi mới biết có quy định mới của các hãng hàng không quốc tế là từ tháng 7-2013, mỗi hành khách hạng Economic Class chỉ được gởi 1 kiện hành lý miễn phí, từ kiện thứ 2 thì phải trả cước (cả trăm USD chớ đâu có rẻ). Chỉ có hạng Business Class được gởi 2 kiện, mỗi kiện 70 pound (32kg) và hạng First Class được 3 kiện 70 pound. Thì ra thời buổi kinh tế khó khăn, các hãng hàng không xoay trò tận thu của hành khách để đỡ phải tăng giá vé mất sức cạnh tranh. Máy bay nhẹ sẽ bay nhanh và đỡ hao xăng hơn. Báo hại tôi bị lỡ bộ. Biết vậy, tôi chỉ mang 2 bộ đồ thôi (bộ mặc, bộ giặt), mà ở Mỹ mặc đồ lâu dơ – không nhận ra đồ dơ bằng mắt mà là bằng mũi – một bộ mặc 2 ngày là chuyện bình thường, dân Mỹ lại không quan tâm tới chuyện ăn mặc của người khác; nếu cần quá thì vô mall hay ra chợ trời cuối tuần mua áo sale giá vài ba đô một chiếc. Tôi cũng sẽ bỏ bớt đồ nghề ở nhà, không phải thứ gì cũng cần có cái sơ-cua. Chuyến về, tôi chỉ gởi chiếc valy chính. Còn chiếc valy nhỏ dạng xách tay carry-on thì tận dụng nhồi nhét hết mức có thể được; ì ạch kéo từ Baltimore qua Chicago tới Tokyo khi thấy hãng hàng không Nhật ANA cho phép hành khách gởi miễn phí mấy cái hành lý carry-on nặng nề ngay tại cổng lên máy bay, tôi đã thượng hưởng ngay.  

Xưa nay đi máy bay có bao giờ tôi mặc áo khoác, áo lạnh đâu. Vậy mà lần này từ Mỹ về Saigon, do valy hết chỗ nhét, tôi phải cho chiếc jacket dày cộm lên người, coi giống ông gà Ba Tri ho hen chống gậy. Ở Mỹ và trên máy bay thì còn đỡ, tới chừng xuống sân bay Tokyo trời nóng mồ hôi ướt đẫm lưng.

Hồi nẳm năm xưa hễ nghe nói tới nghìn trùng xa cách, đường xa vạn dặm có nghĩa là “ngàn thu vĩnh biệt” nghẹn ngào “see you again ở kiếp sau”. Vậy mà bây giờ, chỉ cần chịu khó ngồi đồng chưa trọn một ngày đêm là đã có thể nhảy từ nửa vòng Trái đất bên này sang nửa vòng Trái đất bên kia gọn bâng. 4g sáng, tôi rời khách sạn ra tới sân bay Baltimore/Washington International Thurgood Marshall Airport BWI (Maryland) khoảng 40 phút sau đó. Ngồi chờ tới 6g45ph đáp chuyến bay UA 204 của hãng hàng không Mỹ United Airlines đi tới sân bay Chicago O’Hare International Airport ORD (Illinois), cách đó 700 mile (1.129km). Sau 1g56ph bay, tới Chicago lúc 7g41ph (giờ Chicago muộn hơn giờ Baltimore 1 tiếng). Ngồi đợi tới 11g15ph (tức 3g34ph), tôi đi chuyến bay NH 11 của hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways ANA vượt 6.375 mile (10.260km) sang Tokyo. Sau 12g17ph bay, máy bay đáp xuống sân bay Tokyo Narita NRT lúc 13g32ph ngày hôm sau. Chờ  4g11ph tới 17g43ph, tôi lên chuyến bay NH 931 của hãng ANA bay 5g41ph vượt 2.624 mile (4.224km) từ Tokyo về Saigon. Tới sân bay Tân Sơn Nhất SGN lúc 21g24ph (giờ Nhật Bản sớm hơn giờ Việt Nam 2 tiếng). Vậy là cuộc hành trình của tôi từ Bờ Đông Hoa Kỳ về Saigon dài tổng cộng 9.699 mile (15.613km) với 19g54ph trên máy bay và khoảng 9g ngồi chờ ở các sân bay. Một lần nữa tôi lại phải đội ơn những người đã chế tạo ra cái thân xác của tôi, tới giờ hơn 50 năm vẫn chạy tốt.

Ngồi ở sân bay Tokyo, tôi bắt đầu có triệu chứng cảm. Có lẽ đó là hậu quả của ngày hôm trước ở Baltimore sáng thì lang thang giữa trời chớm thu se se lạnh, trưa thì dang nắng chói chang mồ hôi đầm đìa; và bữa nay trên máy bay thì lạnh mà xuống sân bay Tokyo trời nóng bức còn sù sụ chiếc áo jacket mồ hôi nhễ nhại. Về tới Saigon là dập thuốc cảm dose nặng sẵn dịp ngủ luôn.

Tôi lại phải mất mấy ngày chập cheng với giờ giấc và nhịp sinh học bị tưng tửng từng tưng. Nếu những ngày đầu ở Mỹ, nửa đêm xứ người, tôi phải lò mò đi nấu mì gói ăn cữ trưa bên xứ mình; thì giờ về lại Saigon, nửa khuya về sáng, tôi phải xuống bếp lục cơm nguội ăn bữa trưa như người Mỹ.

Sau 1 tháng được cho ở không, con ngựa sắt của tôi nó quen tật mần biếng, đề hoài mà hỗng chịu nổ máy. Vậy là cái bình điện nó đã “gởi gió cho mây ngàn bay” mất tiêu rồi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 7-10-2013)

131002-phphuoc-baltimore-md-bwi_resize

Tại sân bay Baltimore BWI (Maryland).

131002-phphuoc-chicago-airport-ord-003_resize

Tại sân bay Chicago ORD (Illinois).

131003-phphuoc-tokyo-airport-nrt-004_resize

Tại sân bay Narita NRT (Tokyo, Nhật Bản).

131003-phphuoc-chicago-tokyo-ana-002_resize

Bữa ăn thứ nhất trên máy bay của hãng hàng không Nhật Bản ANA từ Chicago về Tokyo.

131003-phphuoc-chicago-tokyo-ana-007_resize

Bữa ăn thứ hai trên máy bay của hãng hàng không Nhật Bản ANA từ Chicago về Tokyo.