Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Sương mù ô nhiễm làm tê liệt nhiều thành phố ở Trung Quốc

131021-smog-china-01

 

Màn sương mù dày đặc gây nghẹt thở sáng 22-10-2013 đã bao phủ các thành phố vùng đông bắc Trung Quốc làm đóng cửa các sân bay, trường học, và cản trở giao thông khi tầm nhìn chỉ còn trong vài mét. Các chuyên gia môi trường nhận định đây là một dấu hiệu nguy kịch của chất lượng không khí đang tồi tệ hơn ở đất nước đông dân nhất hành tinh này.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tính trên những con số GDP. Nhưng lâu nay nước này vẫn bị cộng đồng quốc tế đánh giá rằng sự tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá đã làm tổn hại nặng nề môi trường. Trước áp lực của cộng đồng quốc tế và phản ứng của người dân, chính phủ Trung Quốc đã đưa vấn đề cải thiện các tiêu chuẩn môi trường lên ưu tiên hàng đầu. Nhưng sự việc các đám mây khói sương cay mắt, nghẹt thở bao trùm nhiều thành phố trong tuần này cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn.

Thủ đô Bắc Kinh, nơi thường bị bao trùm bởi màn sương mù xám, vừa qua đã “tuyên chiến” với tình trạng ô nhiễm không khí. Mức độ sương mù ngày 22-10 đã buộc Bắc Kinh phải sẵn sàng các biện pháp khẩn cấp như đóng cửa các trường học, nhà máy và hạn chế giao thông để áp dụng khi mức độ ô nhiễm không khí tăng tới mức báo động đỏ.

Tại thành phố công nghiệp Cáp Nhĩ Tân (Harbin) cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 1.255km với hơn 10 triệu dân, xe cộ phải chạy thật chậm với đèn sương mù hay đèn chớp, thậm chí cũng khó nhận ra đèn giao thông. Nhiều người đi trên đường cho dù đeo khẩu trang vẫn bị cay mắt và ho, thở rất khó khăn. Zhang Xiaofeng, tài xế xe ủi đất 24 tuổi, nói: “Tôi thậm chí không dám băng qua đường. Tôi cứ đứng chờ hoài ở giao lộ, nhìn tới nhìn lui, nhưng tôi không thể nhìn được coi có chiếc xe nào đang chạy tới không. Ngay cả đèn hiệu giao thông cũng không thấy nổi.” Còn bà nội trợ 42 tuổi Li Li ở Cáp Nhĩ Tân đã kể qua điện thoại với phóng viên báo Washington Post: “Tôi không thể nhìn thấy cao ốc chung cư nằm bên cạnh khu của tơi, cho dù chỉ cách 10 hay 20 mét. Có một chợ thực phẩm trong sân chung cư, nhưng tôi chỉ có thể biết nó đang hoạt động qua các tiếng ồn ào chứ không thể nhìn thấy nó. Tôi và con mình không dám đi ra ngoài nhà.” Dịch vụ xe buýt đã bị ngưng hoạt động và tuyến đường cao tốc chính đã bị đóng cửa. Chỉ nội trong ngày 21-10 đã có hơn 250 chuyến bay bị hủy bỏ. Số bệnh nhân phải vào bệnh viện do các chứng hô hấp, tim mạch đã tăng lên 30%. Sương mù bao trùm Cáp Nhĩ Tân từ tối 20-10. Sang ngày hôm sau, mức độ PM 2.5 (đo số lượng hạt vật thể trong không khí) tại nhiều nơi trong thành phố đã lên tới 1.000 microgram mỗi mét khối (µg/m³) – cao gấp 40 lần chỉ số an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mức ô nhiễm ở Cáp Nhĩ Tân này còn cao hơn mức ở thủ đô Bắc Kinh trong thời gian xảy ra cái gọi là “tận thế không khí” (airpocalypse) khi lớp sương mù dày đặc màu vàng làm tê liệt nơi đây suốt nhiều ngày trong tháng 1-2013. (Vào ngày 22-10-2013, mức độ PM 2.5 ở khu downtown thủ đô Washington DC là 12,6 microgram mỗi mét khối.)

Còn tại thành phố Trường Xuân (Changchun) chỉ cách Bắc Kinh khoảng 290km đường bộ, mức độ ô nhiễm không khí tại một số khu vực ngày 22-10 ở mức 700 microgram mỗi mét khối khiến sân bay phải đóng cửa nhiều giờ.

Báo chí Trung Quốc cho biết tình hình sương mù ở vùng đông bắc trở nên tệ hại hơn sau khi chính quyền cho chạy hệ thống sưởi công cộng đốt bằng than đá. Thêm vào đó, nông dân nhiều làng bên ngoài các thành phố cũng vào mùa đốt rơm khi kết thúc vụ thu hoạch.

Hồi tháng 9-2013, Trung Quốc đã tiết lộ một kế hoạch tham vọng nhất trước nay để giảm ô nhiễm không khí, kêu gọi cắt giảm mạnh việc sử dụng than đá tại nhiều khu vực công nghiệp ở miền bắc với mục tiêu giảm 10% mức PM 2.5 trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, các nhà quan sát nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch này, nhất là giữa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, liệu các chính quyền địa phương có chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế vì môi trường. Trước nay các nỗ lực cải thiện chất lượng không khí đều vấp phải sự bất hợp tác của các chính quyền địa phương.

Một cuộc khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 9-2013 cho thấy người dân Trung Quốc đang ngày càng quan ngại nhiều hơn về chất lượng không khí và nước. Đặc biệt là ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi và làm trầm trọng thêm các bệnh đường hô hấp và tim mạch.

Trên các mạng xã hội của Trung Hoa ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu ca về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tồi tệ. Một cô gái có nickname AlwaysBelieveIn sống tại Cáp Nhĩ Tân kể trên mạng Weibo rằng mình đã phải cuốc bộ tới nơi làm trong sương mù mờ mịt với đôi mắt và cổ họng đau rát vì xe buýt ngừng hoạt động, còn xe taxi thì khó tìm. “Thời tiết làm tôi kinh hoàng. Tôi thậm chí tự hỏi liệu con người có thể bị tuyệt chủng hay không.” Một người khác viết trên Weibo: “Tôi sống ở một nước đang làm người ta tuyệt vọng. Ô nhiễm môi trường không đáng sợ. Điều đáng sợ là chính quyền không có hành động gì và sự im lặng của người dân giống như những nô lệ.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-10-2013)

+ Tình trạng sương mù ô nhiễm bao trùm nhiều thành phố ở Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

131021-smog-china-shenyang-city-liaoning-province

Sương mù do không khí ô nhiễm bao trùm thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh) ngày 21-10-2013.

131021-smog-china-shenyang

Sương mù tại thành phố Cáp Nhĩ Tân ngày 21-10-2013.

 131022-smog-china-jilin-province

 Sương mù tại thành phố Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm) ngày 22-10-2013.