Thảm kịch Sandy Hook: Những đứa trẻ không còn được đón Noel
Người tôi váng vất, tai tôi ong ong lời kêu cứu của mấy đứa học trò bé bỏng “Con không muốn chết. Con muốn được đón Giáng sinh.” vang vọng từ tận một ngôi trường tiểu học ở cách xa nửa vòng Trái đất.
Vụ thảm sát ở trường tiểu học làng Sandy Hook tại thành phố Newton (bang Connecticut) xảy ra khi chỉ còn 10 ngày nữa là tới Giáng sinh làm chấn động cả thế giới.
Sát thủ là gã Adam Lanza, 20 tuổi. Ngày thứ Sáu 14-12-2012, hắn bắn vào ngay mặt giết chết mẹ mình là bà Nancy Lanza, 52 tuổi, tại ngôi nhà mà hai mẹ con sống chung với nhau. Sau đó, hắn lái chiếc xe của người mẹ tới ngôi trường định mệnh mang theo 3 trong số những khẩu súng mà bà Nancy tàng trữ trong nhà mình (người ta đã đặt câu hỏi vì sao người phụ nữ ly hôn này lại cất giữ quá nhiều súng trong nhà? Có nguồn tin nói Nancy là người thích chơi súng nên có rất nhiều súng. Nguồn khác cho biết Nancy phải mua nhiều súng vì sống một mình trong ngôi nhà sang trọng trị giá tới 1,6 triệu USD và khá giả – tài sản được ông chồng giàu có chia sau khi ly hôn năm 2009. Thậm chí bà có tài chính rủng rỉnh tới mức chẳng cần phải đi làm việc). Sau khi xâm nhập trường vào khoảng 9g30, Adam mặc bộ đồ đen đã phá một cửa sổ và dùng một cây súng trường bán tự động bắn như vãi đạn. Chỉ trong ít phút, hắn đã bắn chết 20 học sinh 6 và 7 tuổi (gồm 8 nam và 12 nữ), và 6 người lớn (tất cả là nữ) rồi tự sát. Trong số người lớn có cô giáo 27 tuổi Victoria Soto đã lấy thân mình che đạn cho học sinh, và bà hiệu trưởng Dawn Hochsprung, 47 tuổi, khi tìm cách khống chế tên sát thủ. Có nguồn tin nói Adam là một người có vấn đề tâm thần, nghỉ học khi đang học lớp 10 tại một trường trung học ở địa phương.
Tên sát thủ Adam Lanza trong một tấm ảnh năm 2005.
Connecticut là một tiểu bang nhỏ xíu ở Bờ Đông Hoa Kỳ xưa nay có tiếng là hiền lành, yên bình. Vậy mà nay, bạo lực cũng đã mò tới, chỉ mới lần đầu mà đã quá tang tóc.
Thú thiệt, tự biết mình là kẻ yếu bóng vía và giàu tình cảm, tôi chỉ lướt qua, không dám nhìn kỹ bất cứ hình ảnh nạn nhân và thân nhân của họ. Nhưng tôi vẫn có thể nhận ra các nhóc bất hạnh có những khuôn mặt cực kỳ dễ thương, trong sáng, đẹp như những thiên thần. Hai nhóc của tôi mô tả là cái cô giáo nhỏ nhắn lấy thân mình đỡ đạn cho học trò rất dễ thương, xinh xắn. Tôi tự thử đặt mình vào tình cảnh những người mất người thân yêu đó, và lập tức tưởng chừng hồn xác mình muốn vỡ tung thành từng mảnh.
Cho dù ai có muốn giải thích hay biện hộ thế nào, thực tế không thể phủ nhận được rằng: một lần nữa nước Mỹ phải trả giá đắt cho cái gọi là “văn hóa súng đạn” (gun culture) và cái gọi là quyền tự do sở hữu súng đạn của mình.
Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền sở hữu súng của công dân nước này. Nhưng cho dù là bộ luật tối cao của một quốc gia, hiến pháp vẫn do con người soạn ra và thông qua, và vì thế nó hoàn toàn có thể được con người sửa chữa. Luật pháp nước Mỹ vẫn công nhận hình thức Tu chính án (Amendment) để chỉnh sửa hiến pháp. Vậy thì, vấn đề rốt lại vẫn nằm ở chỗ: người Mỹ có muốn siết chặt quyền tự do sở hữu súng đạn không.
Trong bài phát biểu ngắn ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát tại trường Sandy Hook, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa lau nước mắt, vừa hứa sẽ dùng quyền hạn của Tổng thống để ủng hộ những nỗ lực siết chặt việc sở hữu súng đạn.
Tôi không ảo tưởng hay lạc quan tếu mà nói tới chuyện nước Mỹ cấm tiệt súng đạn. Nói thiệt là chẳng có vị tổng thống nào làm được cái chuyện đó đâu. Điều có thể làm – nhưng chắc chắn là rất gay go – là đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để giới hạn quyền sở hữu súng. Nói nôm na là “làm khó” những người muốn có một khẩu súng. Tuy nhiên, luật lệ của một hợp chủng quốc hình thức liên bang của Mỹ cũng khác người. Ông tổng thống này ban hành luật siết chặt, ông sau lên lại nới ra. Rồi còn cái vụ liên bang cấm, nhưng các tiểu bang lại không đồng thuận, có quyền ban hành luật riêng cho lãnh thổ của mình.
Ngày 15-12-2012, người dân Mỹ biểu tình trước Nhà Trắng kêu gọi Tổng thống Obama siết chặt việc kiểm soát vũ khí.
Ngày 14-12-2012, những người ủng hộ kiểm soát vũ khí biểu tình trước Nhà Trắng. (REUTERS/Larry Downing)
Trong số 50 của Mỹ, có tới 40 bang tạo mọi dễ dàng cho người dân mang súng ở nơi công cộng. Chỉ có ở California, New York và vài bang khác, các quy định của bang và địa phương làm cho việc xin giấy phép mang súng trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Chính quyền các nơi này chớ hề cấm sở hữu súng để bị quy là vi phạm Hiến pháp, mà chỉ “làm khó” thôi. Hiện nay chỉ có bang Illinois và Washington DC là hai nơi thẳng cánh từ chối cấp phép cho người dân mang súng nơi công cộng. Luật sư Alan Gura nói rằng: “Tại một số trong các bang đông dân nhất của chúng tôi, quyền mang súng không tồn tại hoặc là bởi nó hoàn toàn bị cấm, hoặc là bị cấm trên thực tế.”
Trong bài phát biểu sau vụ thảm sát Connecticut, Tổng thống Obama kêu gọi đừng có tranh cãi chính trị nữa, hãy coi đây là chuyện an toàn của người Mỹ, không để thảm kịch này lặp lại nữa. Tôi thì cho rằng thực tế chẳng có chính trị, chính em gì trong cái vụ tranh cãi kéo dài từ đời ông chủ Nhà Trắng này tới đời Tổng thống khác. Tất cả chỉ là money và money – nói cụ thể là lợi nhuận của các tập đoàn sản xuất và kinh doanh súng đạn Mỹ vốn là một thế lực hùng mạnh đứng sau các chính khách. Wayne LaPierre, CEO của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), nó thẳng: “Rõ ràng, quyền cá nhân theo Hiến pháp không chỉ được áp dụng trong nhà người ta. Người ta sống bên ngoài nhà của họ và quyền hiến pháp cũng phải được áp dụng bên ngoài nhà của họ.” Thỉnh thoảng, ông này còn “bán cái” trách nhiệm cho lực lượng công lực: “Điều duy nhất để ngăn chặn một kẻ xấu với một khẩu súng là một người tốt với một khẩu súng.”
Tôi có một người bạn đồng môn thời trung học đang định cư ở Colorado (Mỹ) – nơi mà ngày 20-7-2012 có một gã vũ trang tận răng đã xả súng bắn vào đám đông ở rạp chiếu phim tại Denver trong buổi trình chiếu bộ phim mới Batman khiến 12 người chết và 58 người bị thương. Anh nói mình phải thủ sẵn tới mấy khẩu súng trong nhà và luôn có súng để trong xe hơi để có thể tự vệ khi cần. Biết đâu chừng nếu bây giờ đang sống ở Mỹ, tôi cũng viết những dòng này với một khẩu súng cất trong hộc bàn…
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 17-12-2012)
Hiện trường vụ bắn giết ở Sandy Hook.
Một đài tưởng niệm tạm ở lối vào chính của trường Sandy Hook. (REUTERS/Mike Segar)
Nến, bong bóng và đồ chơi tưởng niệm các em bé bị thảm sát ở Sandy Hook.
Một ông lão chơi nhạc trên đường Church Hill Road (Newton) để tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát Sandy Hook. (REUTERS/Joshua Lott)
Đêm thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân ở Sandy Hook tại nhà thờ Saint Rose of Lima ngày 14-12-2012. Bi kịch xảy ra khi mùa Giáng sinh vừa về, có cây thông thắp sáng đèn.
VIDEO: President Obama Makes a Statement on the Shooting in Newtown, Connecticut.
VIDEO: Sandy Hook Elementary School Shooting: Why Did Adam Lanza Snap?
VIDEO: Shooting at Connecticut School Leaves Dozens Dead.
VIDEO: Tragedy at Sandy Hook Elementary School: What Happened During Newtown, Connecticut Shooting?