Thứ Ba ngày 03 tháng 12 năm 2024

Mùng Một Tết du Tiên

140131-lich-mung1tet-giapngo-03-1500

 

Mùng Một Tết Giáp Ngọ 2014, ai du Xuân, còn tôi du Tiên à nghen. Ông bà mình chẳng đã dạy rằng: “ăn được, ngủ được là tiên” đó sao. Lại thêm một cái double nữa là mấy ngày trước Tết hết la cà Hội Hoa Xuân Tao Đàn lại lang thang trên Đường Hoa Nguyễn Huệ, mắt nhìn ngắm quá chừng người đẹp và hoa đẹp, mũi ngửi quá nhiều mùi hương của các loài hoa xen lẫn nước hoa Lancôme, Chanel, OHui, Dior, Bvlgari, Praha,… của các mỹ nhân nên tránh sao khỏi bị ám ảnh ngủ giữa vườn tiên.

Một đêm giao thừa chỉ chợp mắt được vài ba tiếng đồng hồ như giọt nước tràn ly sau những ngày cày bừa cật lực trước Tết đã hạ gục Phạm giang hồ lãng tử nhà tôi trên sàn đấu Kymdan ngay trong ngày mùng Một Tết Giáp Ngọ. 9 giờ, ăn sáng xong, lên tiên. Gần 11giờ hồi dương nạp thêm năng lượng rồi tiếp tục thăng. Lần trở lại cõi tiên thứ hai trong ngày này đã mê mải tới lúc kim đồng hồ chỉ hơn 5 giờ chiều. Vậy là coi như xong một ngày đầu năm mới.

Nói gì thì nói chớ ngày Tết chẳng thể giống ngày thường. Ít ra thì Tết chính danh cũng chỉ có 3 ngày trong tổng số 365 ngày của một năm, mà xưa nay cái gì càng ít thì càng quý hiếm.

Cái khác đầu tiên của ngày mùng Một Tết ở nhà tôi là cửa đóng chặt cho tới tận trưa chờ người được nhờ vả tới xông đất. Gọi là tạt qua xông đất thì chính xác hơn. Đó là một cô cháu năm nay nổi tiếng về “tề gia nội trợ” (hay nói cho sang là “osin cấp cao”) và có nụ cười, khuôn mặt rạng rỡ như hoa xuân mãn khai. Cháu lại có cái tên hợp thời là “cả một biển xuân”.

Dù là người luôn bị Thần Cupid càm ràm là “thiên hạ đệ nhất mù quáng” trong cõi Love Garden, tôi vốn chẳng phải là kẻ mê tín dị đoan. Chỉ có điều, tôi luôn tôn trọng những gì mà người xưa truyền từ đời này qua đời khác, nhất là khi chúng đã trở thành tập quán và văn hóa của dân tộc. Tôi cũng rất tâm đắc với lời ông bà dạy: “có kiêng, có lành”. Ta cứ việc làm những gì chẳng ảnh hưởng tới hẹp thì sự yên ổn của tổ dân phố, rộng là hòa bình thế giới, trong khi đem lại cho mình ít ra là sự an tâm.

140131-phphuoc-mung1tet-giapngo-04_resize

Cái khác thứ hai là thay vì hai món xa luân chiến ngày thường “mì gói” và “cơm nguội”, sáng mùng Một Tết, tôi lót dạ bằng 1 góc tư bánh chưng. Bánh chưng này được gói bằng lá dong, vuông vức rất đẹp, nhưng là loại bánh chưng thương mại có đóng bao nhựa hút chân không để bảo quản lâu. Dù vậy, bánh khá là ngon. Bánh chưng thì không thể ăn mình ên cho nổi mà phải kèm theo dưa món (ngon và đúng điệu nhất) hay củ kiệu chua.

140131-phphuoc-mung1tet-giapngo-06_resize

Bao nhiêu cái tết rồi đều có hình bóng nàng mai trong nhà, năm nay cho dù trước Tết bị đợt lạnh bất thường khiến làng mai chẳng ra hoa nổi, nhưng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó làm cái Tết không trọn vẹn. Vậy là tối 30 Tết, người nhà còn phải khệ nệ đi rinh chậu mai nhà gởi dưỡng về, cho dù nụ ít hơn. Dù sao, tới sáng mùng Một Tết, phòng khách nhà tôi vẫn có được sắc vàng của 2 đóa hoa mai, e ấp bên mấy chiếc nụ hàm tiếu sẽ nhoẻn miệng cười nay mai.

Hồi sáng, ông anh của tôi ở dưới quê khoe trên Facebook ảnh hai cây mai nhà mình nở bung rực rỡ ngày sáng mùng Một Tết. Đó là thành quả một năm chăm sóc của ông. O6ng còn dành mấy cây mai để cho nở vào ngày mùng 6 Tết trong dịp mừng thọ 70 của mình.

140131-caymai-anhkinh-mung1tet-giapngo

140131-caymai-anhkinh-mung1tet-giapngo-2

Tất nhiên ngày Tết của người Việt mình không nên thiếu mâm ngũ quả. Tùy theo vùng miền và điều kiện thực tế mà người ta có thể thay đổi một số quả khác nhau, miễn là các loại quả này đều có tên gọi (cho dù đọc trại ra) hàm nghĩa tốt đẹp. Mâm ngũ quả chuẩn của người miền Nam gồm: mãng cầu gai, dừa tươi, đu đủ, xoài và sung, ghép tên các loại quả thành “cầu vừa đủ xài” thêm sung (sung túc hay sung sức thì tùy hoàn cảnh mỗi gia chủ). Mâm ngũ quả năm nay của nhà tôi được thay sung bằng quất, loại quả được coi là biểu tượng của sự may mắn. Thú thiệt, tôi vẫn khoái sung hơn, nhất là mình cầm tinh “con gà chọi” phải lao động mới có ăn. Nhìn hai quả quất loại lai bưởi to như hai “bồng đảo” trong ngày Tết Giáp Ngọ, tôi khó kềm hãm mà không liên tưởng tới cái câu “quất ngựa truy phong” (same same trong tiếng Anh là “Hit and Run”).

140131-phphuoc-mung1tet-giapngo-08_resize

Mùng Một Tết, hai đệ tử chân truyền của tôi cho con chó cưng Pom Pom của chúng diện áo mới. Cái áo lụa giả gấm màu xanh bóng được may theo kiểu áo dài. Chỉ thiếu cái khăn đống nữa là đủ bộ. Xin đừng nghĩ này nọ nghen, tội nghiệp. Xưa nay chó đã được công nhận là “người bạn động vật trung thành nhất của loài người”. Lang thang dọc ngang ở xứ Mỹ, tôi thấy trong xã hội của họ, con chó còn có vị thế cao hơn đàn ông một bậc đó nghen. Mà đâu cần phải qua Mỹ. Tôi đi hớt tóc chỉ tốn 40.000 đồng, bữa nào lên cơn gội đầu nữa tốn thêm 50.000 đồng. Còn mỗi lần con Pom Pom đi tiệm Dogs’ Spa tỉa lông, tắm gội tốn chừng 200.000 đồng.   

140131-phphuoc-mung1tet-giapngo-16_resize

140131-pompom-mung1tet-giapngo-05_resize

Con Pom Pom này đã ở nhà tôi được 4 năm rồi, từ khi nó mới chào đời, do một người bạn của con gái tôi tặng. Nó khoái ăn đồ Tây và rau, đặc biệt là canh. Hễ bị ai rầy hay lớn tiếng một chút là nó lại lủi vào góc bàn rơm rớm nước mắt. Tôi chẳng hiểu sao mấy đệ tử lại đặt tên con pet là Pom Pom. Ở nơi công cộng mà gọi tên nó dễ khiến thiên hạ một phen hoảng kinh vì sợ khủng bố!

Thôi, quay lại chuyện Tết. Giao thừa là năm mới vừa bước qua ngưỡng cửa. Ngày mùng Một Tết là chính nhật. Sau ngày mùng Một Tết là thật sự bước sang một năm mới. Từ mùng Hai trở đi, cho dù vẫn còn trong 3 ngày Tết, mọi sự cũng đã phiên phiến hơn, dần trở lại bình thường.

Người Việt mình là dân tộc trọng lễ nghĩa và hiếu đễ. Vì thế, 3 ngày Tết theo truyền thống đã được phân công: mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy. Trong xã hội phụ hệ, cha là cây cột cái trong nhà, là gia trưởng, nên phải được dành cho vị thế số 1. Mẹ là nội tướng, quán xuyến mọi chuyện gia đình. Thầy dạy dỗ ta thành nhân. Nói theo kiểu võ hiệp: cha là tướng quân, mẹ là hậu cần, thầy là quân sư. Còn nếu theo Nho giáo, thầy còn cao hơn cả cha: quân – sư – phụ. Nói chung, cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng ta làm người; thầy cô giáo dục ta thành người. Tôi khoái cách nói của dân gian người Việt: “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, chỉ cần 6 chữ mà thật là trọn vẹn giá trị truyền thống và đạo lý người Việt.

Năm Ngọ cầm tinh con ngựa luôn hứa hẹn những sự tăng tốc, tăng trưởng và đột phá. Năm ngoái, giữa thời kinh tế suy thoái, làm ăn bết bát, lại dính ngay cái năm Tị cầm tinh con rắn quả là bị ám ảnh khó ngóc đầu lên khỏi bụi bờ và chẳng hay ho và bền vững gì cái chuyện phải luồn lách như thuộc tính của con vật bò sát này. Năm Ngọ thì khác hẳn, con ngựa không chỉ có tướng tinh ngon lành, phong độ và dũng mãnh hơn, còn được gắn với cái câu “mã đáo thành công”. Ngựa luôn tượng trưng cho sức mạnh (vì thế trong biết bao loài vật, người ta lại chọn con ngựa để chỉ sức mạnh: mã lực hay sức ngựa – horse power, HP). Hy vọng năm Giáp Ngọ này ta sẽ có được một con chiến mã để có thể dùng thế hồi mã thương mà chuyển bại thành thắng.

Nói đi cũng nên cho nói lại. Chẳng phải là có đầu óc bi quan, yếm thế hay làm nản lòng chiến sĩ trước khi xông ra trận tiền đâu, cầu mong đừng trúng phải con ngựa cỏ để bị “mã đá thành cong”. Loài ngựa cho con người sức kéo, sức chở vô song, nhưng cũng ẩn chứa những cú đá chẳng chết cũng trọng thương. Nói phòng xa, những ai từng hay đang bị bồ đá, đào đá, nhớ cẩn trọng kẻo năm nay lại thêm bị ngựa đá!

Tiếp tục nói lại lần nữa với tư tưởng lạc quan và thực tế hơn: chỉ có tay kị mã tồi chứ không có ngựa dở. Tôi xin thêm một vế nữa vào câu chúc Tết Giáp Ngọ dành cho các bạn quý yêu của mình: “Năm mới mã đáo thành công, mọi sự hanh thông”.

Phần mình, sau khi post bài này, tôi ngồi countdown 383 ngày nữa (năm nay nhuận hai tháng 9 âm lịch, tháng 9 nhuận có 29 ngày) để tới ngày mùng Một Tết Ất Mùi 2015.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon mùng Một Tết Giáp Ngọ 31-1-2014)