Mùng Ba Tết Giáp Ngọ nhong nhong như ngựa
Sau 2 ngày bế môn tự kỷ, sáng mùng Ba Tết Giáp Ngọ, tôi chính thức xuất hành. Rút kinh nghiệm để khỏi mất công đổ thừa chân nào bước ra khỏi ngưỡng cửa trước, tôi chụm hai chân nhảy phóc ra khỏi nhà cùng một lượt. Năm ngựa mà, có nhảy như ngựa cũng là chuyện bình thường.
Chỉ có điều, mấy hôm nay coi trên Internet thấy bọn đạo chích, móc túi lộng hành quá, đặc biệt là tại những tụ điểm đông người như Đường Hoa Nguyễn Huệ, tôi phải dàn giá cẩn thận. Chỉ nhét vào túi ít tiền lẻ để gởi xe, còn giấy tờ tùy thân và giấy xe thì nhét sâu vào trong túi đồng hồ phía trước bụng. Chẳng nên chủ quan, phải nêu cao tinh thần nhìn xa trông rộng rằng “cẩn tắc vô áy náy”. Người xưa thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, còn kẻ nay như tôi “tránh đạo chích chẳng lo méo mặt”.
Năm nay Nhà nước cho nghỉ Tết tới 9 ngày, học sinh tới ngày 11 tháng Giêng mới đi học lại, nên mùng Ba Tết, đường phố vẫn còn vắng. Bà con ở các tỉnh thành khác vẫn chưa chen chúc trở lại Saigon sinh nhai. Vào những dịp Tết hay nghỉ lễ dài ngày mới cảm nhận được bà con các tỉnh thành đổ về Saigon đông tới chừng nào. Âu đó là quy luật chung của toàn cầu, ông bà mình dạy rằng: “đất lành chim đậu”, còn giới chuyên môn gọi là “xu thế thành thị hóa”. Là một người từ Long An, một tỉnh sát nách Saigon nhưng vẫn là tỉnh miền Tây, lên Saigon sinh sống, tôi thấu hiểu được tình cảnh và nỗi lòng của những bạn bè phải xa người thân tìm lên chốn đô hội này để kiếm sống. Cho dù có thế nào thì đây vẫn là đất khách quê người. Chỉ dám mong những cư dân Saigon (có hộ khẩu chính thức) cảm thông được tình cảnh của những bà con từ xa tới mưu sinh mà đừng dằn mâm, xán chén, nguýt hứ kẻo tội nghiệp!
Sau một vòng nhong nhong qua một số con đường ở trung tâm thành phố, tôi tạt vào gởi xe tại một điểm giữ xe chính thức phía trước chợ Bến Thành. Bữa nay bảng giá chỉ ghi 2 loại: xe tay ga 5.000 đồng, xe số 4.000 đồng. Mấy bạn nhân viên công ty công ích thanh niên xung phong dặn là chỉ giữ xe tới 10 giờ đêm.
Tết năm nay tôi thấy người nước ngoài tới Saigon khá là đông. Họ muốn được trải nghiệm một sự kiện văn hóa dân tộc truyền thống của người Việt đó mà. Ngày Tết, ngay cả người Việt chính chủ còn mê mẩn nữa là người nước khác. Các bạn ắt thấy trên Facebook trong mấy ngày Tết đầy ắp những tiếng sụt sùi thương nhớ Tết quê nhà của những bạn người Việt đang du học hay định cư ở nước ngoài.
Trên dọc đường Lê Lợi, đặc biệt tập trung ở khu vực gần cổng chính của Đường Hoa Nguyễn Huệ, có rất nhiều người bán hàng rong, từ đồ chơi trẻ em, hàng lưu niệm tới thức ăn. Có mấy người bán kẹo kéo bông gòn với chiếc thùng inox tròn làm lò kéo gắn trên xe gắn máy. Giá một cây kẹo kéo bông gòn là 10.000 đồng (gần 50 cent Mỹ). Có một đoạn là những điểm vẽ tranh truyền thần chân dung cho khách do những bạn trẻ thực hiện. Khách thích thì ngồi xuống ghế làm người mẫu để các họa sĩ vẽ – chủ yếu bằng bút chì, chỉ chừng 15-20 phút là có ngay một bức chân dung của mình, phải nói là rất đẹp và giống. Giá một bức vẽ chân dung là 200.000 đồng (gần 10 USD). Hai bạn trẻ ở một điểm vẽ nói với tôi rằng họ từ Đà Nẵng mới vô đây hành nghề dịp Tết này. Chẳng hiểu nghĩ gì mà họ nói: “Người ở đâu cũng là Việt Nam hết mà!”
Theo chân những dòng người trên đường Lê Lợi, tôi trở lại Đường Hoa Nguyễn Huệ, nơi tôi từng lang thang cả buổi sáng hôm 29 Tết. Bữa nay người ít đông hơn, nhưng vẫn thật chộn rộn và rực rỡ màu sắc. Tôi có cảm nhận là nêu hôm 29 Tết, những tà áo dài tràn ngập Đường Hoa thì sáng mùng Ba Tết, nhìn đâu cũng thấy váy ngắn và quần short thuộc kiểu khó thể nào ngắn hơn nữa. Hai bữa nay, trời Saigon bắt đầu nóng trở lại, nhiệt độ trong nhà tôi hôm 29 Tết là 25 độ C (77 độ F), sáng 27 Tết là 27 độ C (80,6 độ F). Tất nhiên vẫn còn nhiều tà áo dài tha thướt. Có một điểm chung là dù ăn mặc kiểu nào, áo dài hay váy, quần dài hay ngắn, người du Xuân vẫn diện đầy hoa hòe và màu sắc rực rỡ – hỗng lẽ để cạnh tranh với ngàn hoa Xuân hay sao ta? Và dù các cô, các chị có ăn mặc ra sao, họ đều làm khổ… hai con mắt của tôi!
Có lẽ rút kinh nghiệm từ tình trạng mất an ninh mấy ngày qua, tại khu có mấy cây dù lớn có treo bảng “Trung tâm chỉ huy”, tôi nhìn thấy có trang bị mấy chiếc màn hình quan sát. Chỉ ngặt một nỗi, ở nơi đông đúc, thường phải chen lấn nhau như thế này, mấy cái camera an ninh khó thể phát huy tác dụng. Thôi thì hồn ai, nấy giữ!
Hôm nay ở gian bán hàng thổ cẩm người Chăm, tôi thấy xuất hiện trở lại một chiếc khung cửi với một phụ nữ Chăm ngồi dệt thổ cẩm cho khách thưởng lãm. Giá một tấm thổ cẩm 600.000 đồng (gần 30 USD).
Trên Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết năm nay, tôi gặp rất nhiều người chụp ảnh bằng tablet và smartphone, đặc biệt là iPhone và iPad, rộ hơn hẳn năm ngoái. Không hề hiếm thấy những cảnh chụp ảnh “selfie” (tự sướng).
Buổi sáng mùng Ba Tết, những người đi chơi ở Saigon có phần không an tâm vì những đám mây đen kéo tới trên bầu trời. Vốn là người luôn lo xa (tới mức có khi thắc mắc không biết ở Nhà Trắng bữa nay Đệ nhất phu nhân Michelle ăn sáng món gì?), tôi đã vội quay về nhà.
Hôm nay mùng Ba, người Việt mình có tập tục cúng tiễn đưa ông bà trở về Tiên cảnh sau mấy ngày được đón về ăn Tết cùng con cháu. Nếu bữa 30 Tết, khi cúng đón ông bà là được coi như bắt đầu Tết; thì ngày mùng Ba, sau khi cúng tiễn đưa ông bà là xong một cái Tết.
Cây mai nhà tôi bữa nay đã nở được nhiều hoa hơn. Vẫn còn nhiều nụ hàm tiếu, tràn trề hứa hẹn mai nở lai rai cho tới hết mùng ra… mền!
Năm nay nhuận 2 tháng 9 âm lịch nên phải chờ 13 tháng nữa bà con mình mới lại được đón Tết Ất Mùi 2015.
Hẹn gặp Tết
mười ba tháng nữa nhé
Lại vui vầy
mùng một tới mùng ba
Từ ngày mai
cày bừa ta lại kéo
Ngựa có thương
ghé vai phụ cùng ta…
Năm Giáp Ngọ
ta yêu em nàng Ngựa
Từ suối hoa
sải vó tới đô thành
Nhong nhong nhé
vượt biển đời sóng gió
Ngựa cùng ta
hí mã đáo công thành.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon mùng Ba Tết Giáp Ngọ 2-2-2014)
SAIGON MÙNG BA TẾT GIÁP NGỌ (2-2-2014)
Trên đường Lê Lợi. Mai giả thôi.
Vẽ chân dung 200.000 đồng/bức.
Hai cha con bán vé số. Ngày thường vé giá 10.000 đồng, dịp Tết có loại đặc biệt giá 20.000 đồng/tờ.
Kẹo kéo bông gòn, 10.000 đồng.cây.
Khách đi Đường Hoa ăn bún riêu trên đường Lê Lợi.
Bánh kẹp.
Trời chuyển mưa.
“Ngày của váy”.
Võng hoa dưới bóng dừa.
Ai cũng có thể chụp ảnh bằng iPad.
Hai mẹ con tự chụp ảnh selfie.
Một đôi nam nữ bán bong bóng hóa trang thành những chú hề.
Người thợ chụp ảnh này gắn thêm một cây dù nhỏ trên nón. Giá chụp ảnh: 25.000 đồng/tấm, một giờ sau sẽ có ảnh.
Một gia đình du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm trước chợ Bến Thành sáng mùng 3 Tết Giáp Ngọ.