Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Người Mỹ bắt đầu chuyển sang giờ tận dụng ánh sáng ngày DST

140309-us-change-time-dst

 

Vào đúng 2 giờ sáng Chủ nhật 9-3-2014, hầu hết người Mỹ sẽ phải chỉnh lại đồng hồ của mình tăng thêm 1 giờ nữa (thành 3 giờ) để bắt đầu vào giai đoạn giờ mùa Hè (Daylight Saving Time, DST) mà sẽ kéo dài cho tới ngày 2-11-2014 mới lại chuyển về giờ bình thường (gọi là giờ mùa Đông).

Vì sao lại có thêm cái giờ DST? Ý nghĩa nằm ngay trong cái tên là “giờ để tiết kiệm ánh sáng ngày”. Không chỉ ở Mỹ mà khá nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng chế độ giờ tương tự, nhưng với những thời điểm khác nhau. Vào thời gian này, ngày dài hơn đêm (y như người Việt mình có câu “tháng Năm chưa nằm đã sáng, tháng Mười chưa cười đã tối”). Vì thế, người ta có thể dậy sớn hơn 1 giờ và ngủ sớm hơn 1 giờ so với bình thường. Và quả là con người quá tính toán và quá “ham lợi” nên thời gian xài giờ DST kéo dài tới 7-8 tháng mỗi năm.

Thiệt ra cho tới nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau về lợi ích của giờ DST. Chẳng hạn Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) đã khảo sát bang Indiana, nơi có những hạt áp dụng giờ DST, nhưng cũng có những hạt không thay đổi giờ. Kết quả là có một tình cảnh “tiết kiệm con chuột, lãng phí con voi”. Trong khi giảm được nhu cầu thắp sáng (có nghĩa là tiết kiệm được nguồn điện cho hệ thống đèn), ở những hạt áp dụng DST, việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ lại tăng lên bất thường, vậy là làm phá sản ý định tiết kiệm điện. Chẳng hiểu vì sao, nhưng rõ ràng mùa này trời nóng nực hơn. Những người ủng hộ DST lập luận rằng: nếu không tiết kiệm được điện thắp sáng, lượng điện tiêu thụ sẽ còn tăng hơn.

Một công trình nghiên cứu của Bộ Năng lượng Mỹ khoe rằng có thể tiết kiệm được 0,03% mức tiêu thụ điện mỗi năm nếu áp dụng DST trong 4 tuần. Lượng gas mà các gia đình xài trong thời gian này cũng không hề tăng lên, có lẽ do người ta có khuynh hướng ra bên ngoài nhiều hơn.

Hendrik Wolff, Giáo sư kinh tế của Đại học Washington, thì nhìn cái lợi của DST ở khía cạnh khác vì thực tế khoản tiết kiệm được từ DST là không đáng kể. Ông quan tâm tới việc kéo dài thời gian có ánh sáng ngày ra sẽ giúp chiến đấu chống nạn béo phì vốn luôn ám ảnh người Mỹ. Giáo sư Wolff nhận xét: Trong thời gian áp dụng DST, “người ta thích làm các hoạt động ngoài trời hơn và ít ngồi trong nhà xem TV hơn”. Có lẽ vì vậy, ông đề nghị đã tới lúc giao việc quản lý giờ DST cho Bộ Y tế thay vì cho Bộ Năng lượng!

Trong cái chuyện tiết kiệm điện này, Benjamin Franklin được nhớ tới không phải là do chân dung ông được in trên tờ giấy bạc 100 USD (hàm nghĩa đỡ tốn tiền), mà chính ông là người đã đề xuất ra DST. Người ta kể rằng: nhân vật được gọi là “Ngài ngủ sớm, dậy sớm” (Mr. “Early to bed, early to rise”) hồi năm 1784 trong bài tiểu luận đăng trên báo Journal of Paris về “Một dự án kinh tế để giảm chi phí thắp sáng” đã đưa ra ý tưởng: các cư dân sẽ tiết kiệm được tiền mua nến nếu họ dậy sớm cùng mặt trời thay vì thường dậy lúc giữa trưa.

Nhưng ý tưởng tận dụng ánh sáng ngày này chỉ được đưa vào sử dụng vào năm 1883 khi ngành Đường sắt Mỹ thiết lập một giờ chuẩn hóa cho lịch chạy tàu của họ. Sự thay đổi thời gian đó đã được áp dụng trên khắp nước Mỹ trong thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất với mục đích bảo tồn nguồn năng lượng, và đã bị bãi bỏ sau chiến tranh. Nhưng tới Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ lại áp dụng chế độ tận dụng ánh sáng ngày như thế.

Trong thời gian sau đó, mỗi tiểu bang có thể quyết định có áp dụng giờ DST hay không và tự đặt ra thời điểm cho địa phương mình. Vậy là mọi chuyện rối tinh lên. Báo hại những người có công việc phải thường xuyên đi tới nhiều bang khác nhau chẳng còn biết đường đâu mà mò nữa. Cuối cùng, Quốc hội Mỹ phải ra tay ban hành Luật Giờ Đồng nhất (Uniform Time Act) vào năm 1966, chuẩn hóa thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian áp dụng DST cho các bang áp dụng sự thay đổi giờ này. Trong hai năm 1974 và 1975, để góp phần đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang hoành hành, Quốc hội Mỹ đã cho bắt đầu thời gian dùng giờ DST sớm hơn và trả lại bình thường khi cuộc khủng hoảng này kết thúc. Kể từ đó, thời điểm bắt đầu chuyển sang giờ DTS luôn luôn là tháng 4 hàng năm. Và thời điểm này đã thay đổi cho tới nay khi Luật Chính sách Năng lượng năm 2005 quy định thời điểm bắt đầu áp dụng giờ DST kể từ năm 2007 trở đi là tháng 3 hàng năm.

Như có nói ở trên, hầu hết chứ không phải tất cả người Mỹ đều phải thay đổi giờ theo giờ DST. Chế độ thay đổi giờ này không áp dụng ở các bang và vùng lãnh thổ thuộc Mỹ gồm: Hawaii, Arizona (ngoại trừ khu vực Navajo Nation), American Samoa, Guam, Puerto Rico, Virgin Islands và Northern Mariana Islands.

Phải mất một thời gian có khi cả tuần đầu tiên, người ta mới quen được sự thay đổi giờ giấc, do họ khó dỗ giấc ngủ hơn (vì ngủ sớm hơn 1 tiếng) và dễ ngủ nướng hơn (do phải dậy sớm hơn 1 tiếng). Những người nước khác có bạn bè, người thân sống ở Mỹ cũng phải làm quen với sự thay đổi này để điều chỉnh lại các cuộc “tám” của mình.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-3-2014)

+ Minh họa: Internet. Thanks.