Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn… cười…

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Chữ nghĩa Việt Nam thiệt là dữ dội, hư hư thực thực, ảo diệo vô chừng. Cái từ “buồn cười” thoạt nghe đã tưởng là một điều nghịch lý: đã buồn mà lại cười sao đặng!

Khoan xét về ngữ nghĩa. Thiệt ra, tâm sinh lý nó có vậy đó. Bạn chẳng từng nhiều phen nhìn thấy những nàng hoa hậu vui mừng sướng thỏa tới bật khóc khi đăng quang đó sao. Bạn đọc truyện, xem phim ắt từng thấy cảnh người ta buồn đau tới mức cười khẩy, ngước mặt lên trời mà cười 3 tiếng hậm hực. Bởi vậy tôi có thơ rằng:

Con người phức tạp xiết bao

Vui rơi nước mắt, buồn sao bật cười.

“Buồn cười” là một phương ngữ của người miền Bắc. Chữ “buồn” ở đây theo nghĩa người miền Nam là “mắc”, là “mót”, là “muốn” đó. Tôi không đưa ra những thí dụ vì mắc công lại buồn cười. Nhưng thường thì “buồn cười” được hiểu trong cái ngữ cảnh muốn cười mà chẳng cười. Trong thực tế, người miền Nam cũng có những lúc dùng chữ “buồn” theo nghĩa như người miền Bắc, thí dụ như “buồn ngủ”.

Cũng giống như nhiều từ tiếng Việt khác, tùy ngữ cảnh và ngữ điệu mà từ “buồn cười” có nghĩa vui hay buồn. “Ha ha buồn cười quá ta!” nó khác với “Hứ, thiệt là buồn cười!”

Nhân tiện, chữ “buồn” trong ngôn ngữ người miền Bắc còn có nghĩa là “nhồn nhột”. Chẳng hạn, “chàng cù vào vùng dưới vai nàng khiến nàng cảm thấy buồn buồn…”

Hôm nay 12-2-2018 (27 Tết Mậu Tuất) rồi, tôi cũng muốn được ai thọt lét như vậy để buồn buồn mà buồn cười xả xui.

P/S: Xin chú thích cái tấm ảnh kèm. Đây là 2 cô nàng puppy “vật nhà nuôi” tên Sa và Sáo. Một ông bạn đồng nghiệp nói rằng cái nghề viết lách dính tới mực nên chơi chó mực. Bởi vậy, năm Mậu Tuất để khỏi “mậu lúi”, tôi chơi tới “double-mực”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Cái tựa bài có mượn câu thơ “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” trong bài thơ Chiều của thi sĩ Xuân Diệu.