Chủ nhật ngày 06 tháng 10 năm 2024

Đi tìm biểu tượng

 

Còn nhớ, vào cái ngày truyền thống của giới y khoa năm nọ, các chuyên khoa đua nhau khoe biểu tượng của khoa mình.

Đi ngang Viện Tim thấy có trái tim múp míp đỏ hon hỏn, qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có hai lá phổi tươi hồng, ngang Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương 3 thấy hàm răng trắng đều như hột bắp Mỹ, qua Bệnh viện Mắt (Saint Paul cũ) thấy có đôi mắt nhung huyền diễm lệ,…

Vậy là tôi cong lưng, hối hả, xiết ga chạy ngay tới Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ… Tôi đã thấy được cái chi chi? Một chiếc trống chầu!

Sực nhớ một câu chuyện khôi hài có liên can. Một bác sĩ tim mạch qua đời, trên bia mộ của ông có tạc hình một quả tim. Hai bác sĩ sản khoa đi đưa tiễn đồng nghiệp kháo nhau: “Mai kia mốt nọ mình die thì bia mộ tạc hình gì hén?”

Hình như cho tới nay câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ…

Tôi với anh Phạm Hoài Nhân (Hai Ẩu) thuộc dòng họ Phạm Lãi nên suốt cuộc đời cứ phải biệt Tây Thi miết. Vậy thì hai anh em tôi xài cái biểu tượng hình gì cho hợp tình hợp cảnh?

Hỗng lẽ anh Hai Ẩu lại nghĩ giống tôi sao ta? Bi kịch!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-12-2012)

Đây là một trong những lần hai gã hậu duệ của Phạm Lãi ngồi với nhau. Một gã ở Biên Hòa, gã kia ở Chợ Lớn, vậy mà tưởng chừng như ở hai nước Việt và Ngô thời Xuân Thu. Hôm đó, ngày 19-2-2004, trong khuôn khổ chương trình Ngôi nhà Công nghệ Thông tin, tuần tin e-CHIP tổ chức một cuộc tọa đàm “Làm gì để góp phần xã hội hóa CNTT ở Việt Nam?” Tôi là phó chủ nhà, còn anh Hai Ẩu là đại thượng khách. Trong ảnh, anh Hai Ẩu ngồi thứ 6 từ phải qua, còn tôi ngồi thứ 4 từ trái qua. (Ảnh tư liệu của anh Phạm Đình Quát, cựu thành viên e-CHÍP).

Anh Hai Ẩu – Phạm Hoài Nhân (cầm microphone) tỏ ra rất tâm đắc với cái đề tài này. (Ảnh tư liệu của anh Phạm Đình Quát).

* CHÚ THÍCH QUAN TRỌNG: Cái vụ biểu tượng của các chuyên khoa có tới 50% là sự thiệt!