Thứ Ba ngày 23 tháng 4 năm 2024

Hoa dã quỳ, một màu vàng dân dã

Đà Lạt, thành phố mộng mơ từng đi vào nhạc, thơ, văn của nhiều thế hệ với sắc vàng hực của những triền đồi, con dốc ăm ắp hoa dã quỳ.

Hoa dã quỳ đóa lớn nhiều cánh bung tròn, nó vừa giống hoa cúc, vừa có nét của hoa hướng dương. Vì thế, nó có nhiều tên như dã quỳ, cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương Mexico, cúc Nitobe. Tên khoa học của dã quỳ là Tithonia diversifolia. Tên tiếng Anh là wild sunflower.

Không như hoa cúc vàng sang trọng hay hoa hướng dương vạm vỡ, hoa dã quỳ là một sự dung hòa giữa hai loài hoa này. Màu vàng vốn được coi là màu của hoàng gia, của quý tộc, nhưng màu vàng của hoa dã quỳ lại là một thứ màu vàng dân dã, dễ đi vào mắt người. Một màu vàng của thiên nhiên trong những lọn nắng vàng óng ả, bên những cây cối xanh um và dưới bầu trời xanh trong.

DUNG NHAN MỘT LOÀI HOA

 

Theo Từ điển bách khoa Wikipedia, hoa dã quỳ mọc rộng khắp trong các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới, chẳng hạn như Trung Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi. Tùy vào khu vực, nó có thể là cây một năm hay cây lâu năm, dạng cây bụi cao tới 2–3 m với thân cây mọc thẳng và đôi khi hóa gỗ. Hoa màu vàng cam.

Tại Nhật Bản, do có vị đắng đặc trưng, nó được sử dụng để gây sốt nhằm chống lại ngộ độc, mặc dù không được sử dụng cho các mục đích y học trực tiếp. Tại Mexico, nó được sử dụng để chữa bong gân, gãy xương, các vết thâm tím và các vết giập.Tại miền nam Trung Quốc nó được sử dụng để chữa trị một số bệnh về da (như bệnh nấm bàn chân), ra mồ hôi trộm ban đêm, cũng như trong toa thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận gan, thuốc chữa bệnh vàng da và viêm bàng quang. Tại Đài Loan, dã quỳ được bán như một loại trà để cải thiện chức năng gan.

Hoa dã quỳ là biểu tượng của tỉnh Mae Hong Son (Thái Lan), giáp với Myanmar.

Tại Việt Nam, dã quỳ đã được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Thân dã quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây nguyên. Tên dã quỳ xuất hiện trên văn chương từ thập niên 1970, trước đó người ta gọi nó là sơn quỳ.

Ở Việt Nam, dã quỳ thường ra hoa vào mùa đông. Nó có thể coi như là một loài cây báo hiệu cho sự xuất hiện của mùa khô, khi hoa dã quỳ nở có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần. Lá của cây này còn sử dụng trong một bài thuốc dân gian để chữa bệnh ghẻ.

Hoa dã quỳ ở California, Hoa Kỳ. (Nguồn ảnh: Internet)

TRUYỀN THUYẾT MỘT LOÀI HOA

 

Trang Web Agriviet.com kể chuyện đời xưa rằng: Ngày xửa ngày xưa, nơi buôn làng nọ có chàng K’lang của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh của con suối. Ngày ngày chàng K’lang vào rừng săn bắt thú rừng, còn nàng khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (vì theo tục lệ của bộ tộc nàng con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Rồi tối tối họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng trong buôn. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của họ cứ trôi đi.

Đến một ngày kia khi H’limh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, nàng lo lắng từ buôn sóc nàng đi tìm K’lang, nàng cứ đi, đi mãi đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi rồi mà không thấy người yêu của mình đâu cả. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Nàng giật mình rồi đi tiếp đến cuối nguồn nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy chàng mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn, nàng vẫn quyết bảo vệ cho người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của gã La rihn, con trai tộc trưởng Lasiêng, kẻ ngày đêm thương thầm trộm nhớ H’limh mà không được đáp lại tình cảm.

Từ đó cứ mỗi độ tháng mười, nơi nàng H’limh chết lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa dã quỳ. Cây hoa dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh những cánh hoa màu vàng tràn đấy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy.

Nguồn ảnh trong bài: Internet.

Ý NGHĨA MỘT LOÀI HOA

 

Hoa dã quỳ mang ý nghĩa: Tỏ ý thán phục, yêu mến và quí trọng vì đối tượng có nội tâm phong phú. Tỏ ý lòng kiêu hãnh khó khuất phục. Nó còn tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt (vẫn sống được ở những nơi khô cằn sỏi đá) và chung thủy (dám chết cho người mình yêu).

Trong số 12 loài hoa được coi là biểu tượng cho 12 tháng trong năm, hoa dã quỳ hay hoa cúc vàng “cầm tinh” cho tháng 11.

LỜI CẢNH BÁO QUAN TRỌNG

 

Nếu muốn bị vợ cấm vận? Nếu muốn bị người yêu tẩy chay? Hãy tặng người đó một đóa hoa dã quỳ.

Lý do ư?

Một ông chồng hí hửng ôm một bó hoa dã quỳ về tặng vợ. Ngày đầu tiên, ông ta được vợ cưng hết biết vì xúc động. Ngày kế đó, sau khi đi làm về, người vợ thay đổi thái độ 180 độ. Ông chồng bị tẩy chay và cấm vận. Hỏi ra, khi vào cơ quan kể lại chuyện mình được chồng tặng hoa dã quỳ, bà vợ đã bị đám bạn cười phá lên. Họ kêu bà vợ đọc lái cái tên hoa dã quỳ đi. Dã quỳ = Quỷ già!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-12-2012)

 

VIDEO: Dã quỳ Đà Lạt.

VIDEO: Đồi hoa dã quỳ.