Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Mỹ và NATO áp sát Syria

 

 

Mỹ sẽ điều 2 khẩu đội tên lửa Patriot và 400 quân tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia nỗ lực của khối NATO nhằm bảo vệ lãnh thổ nước thành viên NATO này trước nguy cơ bị nước láng giềng Syria tấn công bằng tên lửa.

Trước đó, hôm 12-12, Mỹ cho biết lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar Assad của Syria đã bắn 4 quả tên lửa tầm ngắn Scud vào các lực lượng nổi dậy. Hồi đầu tháng 12-2012, có tin nói rằng quân đội Syria đã bắn ít nhất 20 quả tên lửa tầm trung có tầm bắn xa tới 60 dặm (96km). Thông tin tình báo cho biết lực lượng của Tổng thống Assad có khoảng 400 quả tên lửa Scud tầm ngắn và tầm trung do Nga chế tạo.

Ngày 14-12-2012, ngay trên máy bay từ Afghanistan bay sang Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã ký lệnh điều động 400 lính Mỹ để điều khiển 2 khẩu đội tên lửa Patriot được Mỹ triển khai trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức và Hà Lan cũng đã đồng ý cung cấp mỗi nước 2 khẩu đội tên lửa phòng thủ do Mỹ chế tạo và điều 400 lính Đức và 360 lính Hà Lan để điều khiển chúng tham gia kế hoạch phòng thủ Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy sẽ có 6 khẩu đội tên lửa Patriot được NATO triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 14-12, Quốc hội Đức với 461 phiếu thuận và 86 phiếu chống đã phê chuẩn việc triển khai 2 khẩu đội tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này cho phép chính phủ Đức điều tối đa 400 quân cho tới tháng 1-2014.

Ngày 30-11-2012, các bộ trưởng Ngoại giao của NATO đã đồng ý đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc triển khai tên lửa Patriot giúp họ đối phó với nguy cơ bị Syria tấn công. Thỗ Nhĩ Kỳ lâu nay che chở và bảo trợ cho các lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad. Trong những tháng qua, nhiều quả đạn pháo đã từ Syria bắn sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong chặng dừng ngắn tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với binh lính Mỹ đóng ở đây rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần những giàn tên lửa Patriot – vốn có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay. Ông cho biết ông đã thông qua kế hoạch triển khai quân này “để chúng ta có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được loại tên lửa mà họ rất cần để đối phó với các mối đe dọa từ Syria.”

Hiện nay trong khối NATO mới chỉ có 3 nước Mỹ, Đức và Hà Lan là có các tên lửa PAC-3 được cải tiến có khả năng đánh chặn tên lửa đối phương. Mỗi khẩu đội Patriot có trung bình 12 giàn phóng.

Bộ Quốc phòng Mỹ không cho biết khi nào các khẩu đội tên lửa Patriot này có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sẽ được triển khai trong bao lâu. Họ chỉ nhấn mạnh rằng việc triển khai tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ này chỉ nhằm mục đích phòng vệ, không được sử dụng trong việc thành lập khu vực cấm bay hay bất cứ cuộc tấn công nào.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-12-2012)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) rời khỏi máy bay vừa từ Afghanistan bay sang căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 14-12-2012. Ông có chặng dừng chân ngắn ở Thổ Nhĩ Kỳ trên đường bay về Mỹ sau 3 ngày ở Afghanistan. Ông đang bắt tay Tướng Serdar Gulbas (giữa), Tư lệnh căn cứ Tăng số 10, và Đại tá Christopher E. Craige, Chỉ huy Không đoàn 39 tại căn cứ không quân Incirlik. (AP Photo/Susan Walsh, Pool)

Tại căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 14-12-2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta chủ trì lễ tuyên thệ cho 4 quân nhân Mỹ tái ngũ. (AP Photo/Susan Walsh, Pool)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) và Đại tá Christopher E. Craige, Chỉ huy Không đoàn 39 tại căn cứ không quân Incirlik ngày 14-12-2012. (REUTERS/Susan Walsh/Pool)


VIDEO: Patriot Missile System.


VIDEO: NATO Approves Sending Patriot Missiles to Turkey.