Nga cấm cho con nuôi sang Mỹ
Luật cấm cho con nuôi đối với công dân Mỹ đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thành luật ngày 28-12-2012 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.
Theo báo Mỹ The Huffington Post (28-12-2012), mặc dù một số quan chức cấp cao Nga, trong đó có Ngoại trưởng Nga, công khai phản đối luật này, Tổng thống Putin đã ký nó chỉ chưa tới 24 giờ sau khi nhận nó từ Quốc hội, nơi dự luật được cả 2 viện thông qua một cách nhất trí.
Tổng thống Nga V. Putin trong cuộc họp báo tại Moscow ngày 20-12-2012. (AP)
Trước đó, ngày 21-12-2012, hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu trong một cuộc họp báo tại Moscow ngày 20-12 rằng: dự luật cấm cho trẻ em Nga cho người Mỹ làm con nuôi là một sự đáp trả hợp pháp đối với luật mới của Mỹ kêu gọi cấm vận Nga vì lý do nhân quyền. Nhưng ông nói mình vẫn chưa nhận được nó để ký thành luật.
Luật mới cũng yêu cầu đóng cửa các tổ chức phi chính phủ NGO đang nhận quỹ của Mỹ nếu như các hoạt động của chúng mang tính chính trị. Nhiều người lo ngại điều này có thể bị lạm dụng để đóng cửa bất cứ tổ chức NGO nào làm Điện Kremlin khó chịu.
Truyền thông Mỹ nói rằng luật cấm con nuôi này là để trả đũa việc Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng 12-2012 đã ký thành luật một bộ các biện pháp cấm vận Nga về những vi phạm nhân quyền đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Nguyên nhân cụ thể là vụ Sergei Magnitsky, một luật sư Nga bị bắt giam sau khi tố các các quan chức gian lận thuế tới 230 triệu USD. Theo báo chí Mỹ, ông này nhiều lần bị từ chối điều trị bệnh tật và chết trong tù năm 2009. Các tổ chức nhân quyền Nga nói rằng luật sư Sergei đã bị đánh đập thậm tệ.
Những người chỉ trích, trong đó có Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng việc cấm con nuôi này đang chơi trò chính trị với cuộc sống trẻ em.
Nga là nước phổ biến nhất thứ ba cho người Mỹ nhận con nuôi. Kể từ khi Liên Xô tan rã tới nay, người Mỹ đã nhận nuôi hơn 60.000 trẻ em Nga.
Trong khi đó, dư luận Nga lâu nay có nhiều tranh cãi về chuyện cho con nuôi sang Mỹ. Người ta vẫn nhắc tới trường hợp 19 đứa trẻ Nga bị chết do bị hành hạ hay bỏ bê sau khi được người Mỹ nhận nuôi trong vòng 20 năm qua. Người Nga cáo buộc các tòa án Mỹ quá nương tay với những cha mẹ nuôi gây tổn hại cho con nuôi. Năm 2010, một bé trai 7 tuổi tên Artyom đã phải đi máy bay một mình trở lại Nga sau khi người mẹ nuôi ở bang Tennessee nói rằng mình không muốn nuôi nó nữa, Vụ này như giọt nước tràn ly, gây làn sóng giận dữ ở Nga và việc cho con nuôi tới Mỹ đã gần như bị chặn lại. Theo hãng tin Anh Reuters (28-12-2012), kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Quỹ Ý kiến Công chúng ở Moscow thực hiện ngày 23-12-2012, có tới 75% số người Nga được hỏi cho rằng nhà nước cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong việc cho người nước ngoài nhận con nuôi hay cấm nó luôn.
Hãng tin ABC News (29-12-2012) cho biết: Mặc dù luật cấm mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, nhưng trường hợp 52 đứa trẻ đã sẵn sàng sang Mỹ đã bị đóng băng. Nhà chức trách Nga đã hứa sẽ tìm những nhà nhận nuôi mới ở Nga cho chúng.
Kendra Skaggs và chồng chụp ảnh chung với cô bé Polina, một trẻ mồ côi Nga mà hai anh chị đã làm thủ tục nhận làm con nuôi. Nhưng do bị ảnh hưởng bởi luật mới của Nga, các nỗ lực của đôi vợ chồng Mỹ này đã bị phá sản. (Courtesy Kendra Skaggs)
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF ước tính có khoảng 740.000 trẻ em không có cha mẹ nuôi dưỡng ở Nga trong khi có khoảng 18.000 Nga đang trong danh sách chờ nhận con nuôi.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 29-12-2012)