Thứ Tư ngày 20 tháng 11 năm 2024

Một trật tự mới cho thế giới đã thay đổi

Có thể nói là Chiến tranh thế giới thứ 2 đã đặt ra một trật tự thế giới mới mà các cường quốc giữ vai trò cầm chịch. Thời Chiến tranh Lạnh (1945-1991) hiện hữu một thế giới lưỡng cực đối đầu nhau giữa khối của Liên Xô (khối phương Đông gồm Liên Xô và các đồng minh trong Hiệp ước Warsaw) và khối của Mỹ (khối phương Tây gồm Mỹ và khối NATO cùng các đồng minh). Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), thế giới rơi vào tình trạng đơn cực với khối phương Tây chi phối toàn bộ. Và bây giờ, thế giới lên cơn nóng lạnh tùy theo tình trạng của mối quan hệ giữa tay ba Mỹ – Nga – Trung Quốc. Châu Âu và Mỹ tuy đôi lúc có “màu mè” với nhau nhưng chỉ là cái “giận lẫy” của những người “yêu nhau”.

Hơn nửa thế kỷ qua, thế giới đã thay đổi và ngày càng khác trước nhiều hơn. Tình hình không còn giống như xưa, cục diện cũng khác hẳn, bản đồ thế giới cũng được vẽ lại với sự chia tách, ra đời của hàng loạt nước mới. Hiện nay LHQ có 193 nước thành viên.

Có thể tóm tắt như thế này: thế giới ngày nay là một cấu trúc liên lập, mỗi nước độc lập nhưng có những mối liên kết với nhau về nhiều phương diện. Không nước nào có thể tồn tại và phát triển tốt đẹp được nếu đứng tách ra (tự cô lập hay bị cô lập). Thế giới ngày nay còn là một “thế giới phẳng” với sự bao trùm của công nghệ cao và Internet. Vai trò của Mỹ – tuy vẫn là cường quốc số 1 toàn cầu – nhưng đã giảm sút với sự trở lại của Nga (vốn kế thừa Liên Xô cũ) và sự nổi lên của một số nước mới, trong đó nổi bật là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay ở từng khu vực, từng châu lục cũng có những “tiểu cường quốc” mới. Và điều đang nói nhất và cũng đe dọa nhất là thế giới đang ngày càng nhiều bất trắc và bất ơn hơn – cả từ thiên tai lẫn nhân tai. Tính trạng biến đổi khí hậu và Trái đất nóng lên dẫn tới những xáo trộn trong các hình mẫu thời tiết và thiên tai xảy ra nhiều hơn, dữ dội hơn. Nền kinh tế toàn cầu rối ren, suy thoái kéo dài – không trên quy mô toàn thế giới thì cũng ở cấp khu vực. Nhật Bản đã phải nhường vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 lại cho Trung Quốc. Trung tâm điểm của thế giới đã dịch chuyển về châu Á – Thái Bình Dương. Xung đột, nội chiến xảy ra khắp nơi. Trang tin điện tử Wars in the World ngày 27-12-2012 liệt kê tổng cộng có 369 lực lượng là phiến quân, quân ly khai, bộ tộc,… đang tham chiến trong những cuộc chiến tranh và xung đột ở 60 nước trên thế giới. Chưa bao giờ chủ nghĩa khủng bố quốc tế lại lộng hành như bây giờ, vừa mở rộng khắp toàn cầu, vừa tàn khốc hơn.

Hồi hạ tuần tháng 9-2012 trong một cuộc phỏng vấn báo chí quốc tế bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã đưa ra một chủ đề là trật tự thế giới mới mà ông muốn thay thế cho trật tự thế giới hiện nay do Mỹ thống lĩnh. Đó là sẽ một trật tự mà Mỹ và các cường quốc truyền thống đóng vai trò nhỏ hơn và mỗi nước trên thế giới có vị thế riêng của mình. “Nếu Thượng đế phù hộ, một trật tự mới sẽ đến và tống khứ mọi điều đã làm xa cách chúng ta. Tất cả những thù hận, tất cả sự thiếu ngay thật sẽ tới hồi kết thúc. Nó sẽ hình thành sự ngay thẳng và công bằng.” Nhà lãnh đạo Iran vốn làm tốn quá nhiều giấy mực của truyền thông thế giới và là kẻ đối đầu số 1 của Mỹ nói rằng: thế giới không còn kiên nhẫn với tình hình hiện nay. Đây là lần cuối cùng ông Ahmadinejad có mặt tại Đại hội đồng LHQ với tư cách Tổng thống Iran vì nhiệm kỳ thứ 2 và cuối cùng của ông theo hiến pháp nước này sẽ kết thúc vào tháng 8-2013.

Tất nhiên, để Tổng thống Iran nói về một trật tự thế giới mới sẽ kém thuyết phục và bị dị ứng bởi cộng đồng Hồi giáo Arập lâu nay vốn lo sợ sự trỗi dậy của Iran và cảnh giác với ý đồ thống lĩnh thiên hạ của nước này. Nhưng công bằng mà nói, ông Ahmadinejad đã nói lên những điều mà thế giới muốn nói và đang cần phải như vậy.

Thế giới đang cần có một trật tự thế giới mới để tự cứu mình và phát triển đúng hướng. Và thế giới cần có một nhạc trưởng, hay nói cách nào đó là một “chính phủ thế giới” (world government). Đó là lý do mà yêu cầu cải tổ LHQ ngày càng trở nên bức thiết hơn – bởi chỉ có LHQ mới đúng là một “người cầm chịch toàn cầu”. Dĩ nhiên, đó phải là một LHQ được cơ cấu lại để thật sự đại diện cho quyền lợi và sự sinh tồn của cả thế giới – một LHQ năng động và thực quyền hơn. Nếu không, thế giới vẫn tiếp tục là con tin trong tay và tham vọng của một vài siêu cường nào đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-1-2013)

+ Ảnh minh họa: Cả thế giới cùng chung tay bảo vệ Trái đất – ngôi nhà chung của mình. (Nguồn: Internet. Thanks.)