Tổng thống Mỹ Barack Obama ký luật “vách đá tài chính”
Ngày 2-1-2013 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành luật “vách đá tài chính” (fiscal cliff) trong khi đang ở Hawaii – nơi ông đi nghỉ mát cùng gia đình.
Sau khi được cả hai viện của Quốc hội Mỹ thông qua với những thảo luận và nhượng bộ, dự luật đã được chuyển tới Nhà Trắng vào xế trưa và ngay lập tức được xử lý. Một bản được chuyển tới ông Obama tại Hawaii để xem trước. Sau đó, Tổng thống Mỹ đã sử dụng thủ tục “autopen” (chữ ký tự động) để ký ban hành luật này tại Washington DC.
“Autopen”
Chính quyền Bush hồi năm 2005 đã cho biết việc sử dụng “autopen” là phù hợp hiến pháp, nhưng Tổng thống George W. Bush chưa bao giờ sử dụng tới nó mà chỉ trực tiếp ký lên các đạo luật. Lúc đó, văn phòng tư vấn pháp luật xác nhận rằng Điều 1, Khoản 7 của Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép tổng thống dùng “autopen” để ký các văn kiện, cụ thể như sau: “Tổng thống không cần đích thân thực hiện hành động vật lý ký tên lên một đạo luật.” (the President need not personally perform the physical act of affixing his signature to a bill to sign it).
Ông Obama từng 2 lần dùng “autopen” để ký luật, cả hai đều xảy ra khi ông đang công du nước ngoài. Lần này thì ông đang ở ngay trong nước Mỹ.
Thật ra, việc sử dụng “autopen” đã gây tranh cãi. Những người bảo thủ hồi mùa hè vừa qua đã chỉ trích Tổng thống Obama khi ông dùng phương thức này để ký lên những lá thư chia buồn gửi tới gia đình các lính đặc nhiệm SEAL tử thương khi một chiếc trực thăng vận tải Chinook bị Taliban bắn tên lửa nổ tung ở Afghanistan. (Nhà Trắng nói rằng không hề có việc đó.) Hồi năm 2004, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã bị phê bình khi dùng “autopen” để ký lên những lá thư chia buồn gửi gia đình các quân nhân hy sinh. Nói chung, dư luận cho đây là một hành vi thiếu nghiêm túc.
Tổng thống Obama đã trở lại Hawaii hồi sáng sớm 2-1 để tiếp tục nghỉ cùng gia đình và đã trải qua buổi trưa chơi đánh golf cùng bạn bè tại căn cứ thủy quân lục chiến ở Vịnh Kaneohe. Theo kế hoạch, ông sẽ ở lại Hawaii cho tới thứ Bảy này.
Tổng thống Obama bước ra khỏi chuyên cơ Air Force One tại sân bay không quân Hickam gần Honolulu (Hawaii) sáng sớm 2-1-2013.
Luật “Vách đá tài chính”
Dự luật này có tên chính thức là “American Taxpayer Relief Act of 2012” (Luật giảm nhẹ cho người đóng thuế Mỹ 2012). Sở dĩ được gọi phổ biến là luật “vách đá tài chính” (fiscal cliff bill) vì nó sẽ giúp nước Mỹ khỏi rơi xuống vực thẳm tài chính cho thâm hụt ngân sách.
Sau khi đã được thông qua tại Thượng nghị viện do đảng Dân chủ nắm đa số với 89 phiếu thuận và 8 phiếu chống, dự luật này đã được Hạ nghị viện Mỹ do đảng Cộng hòa nằm đa số thông qua tối 1-1 (giờ Mỹ) với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống. Đây là luật tăng thuế đối với giới nhà giàu và giảm chi tiêu ngân sách để cứu nền kinh tế Mỹ không rơi xuống “vách đá tài chính”.
Tại Nhà Trắng ngày 1-1-2013, Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden đã tuyên bố trước báo giới về việc dự luật “vách đá tài chính” đã được Quốc hội thông qua.
Theo hãng tin Reuters, dự luật sẽ tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập trên 450.000 USD và các cá nhân thu nhập trên 400.000 USD/năm, đồng thời trì hoãn việc cắt giảm 109 tỉ USD ngân sách trong hai tháng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cảnh báo ngân sách quốc gia sẽ thâm hụt thêm 4.000 tỉ USD nếu tiếp tục đánh thuế thấp với phần lớn người dân Mỹ.
Các nghị sĩ Dân chủ muốn tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập trên 250.000 USD/năm và các cá nhân trên 200.000 USD/năm. Số gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm chiếm khoảng 1% tổng số gia đình của Mỹ. Theo Trung tâm Chính sách Thuế (TPC), có gần 2% số gia đình có mức thu nhập năm hơn 200.000 USD và chỉ 0,6% số gia đình có thu nhập trên 500.000 USD/năm. Cơ quan Điều tra Dân số cho biết thu nhập của một gia đình trung lưu ở Mỹ chỉ trên 50.000 USD/năm.
Báo Tuổi Trẻ cho biết: Bên cạnh đó, dự luật tăng thuế thừa kế bất động sản từ 35% lên 40% với cá nhân có bất động sản trị giá 5 triệu USD hoặc một cặp vợ chồng có bất động sản trên 10 triệu USD. Thuế thu nhập từ đầu tư tài chính cũng được tăng lên 20%. Ngoài ra, dự luật gia hạn chương trình trợ cấp thất nghiệp thêm 1 năm, dự kiến 2 triệu người sẽ được hưởng lợi từ gia hạn này. Dự luật cũng gia hạn tín dụng thuế đối với người nghèo và các gia đình trung lưu. Trong hai tháng tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu nâng trần nợ công. Phát biểu sau khi dự luật được Hạ nghị viện thông qua, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tránh lặp lại một cuộc đối đầu gây chia rẽ trong quốc hội về việc đàm phán nâng mức trần nợ công. Ngày 31-12-2012, Mỹ đã đụng nóc trần nợ công là 16.400 tỷ USD.
Theo các ước tính khác nhau, đạo luật mới này sẽ giúp tăng thu khoảng 600 tỷ USD cho ngân sách trong hơn 10 năm.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 3-1-2012)
VIDEO CLIPS
Obama signs ‘fiscal cliff’ and defense bills
President Obama Speaks After House Passes Senate’s ‘Fiscal Cliff’.
Obama Praises Fiscal-Cliff Deal
President Obama Has Signed ‘Fiscal Cliff’ Bill into Law by This Kind.