Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Nhật ký ghi vội

 

Saigon thứ Bảy 19-1-2013

 1.

Sáng nay trong lúc ghé một tiệm bán cá cảnh trên đường Hùng Vương, khúc qua chợ An Đông một chút, để mua “cá bé cho cá lớn nó nuốt”, tôi tình cờ gặp lại một anh bạn từng mần chung thời còn ở báo Long An. Đó là Lê Quang, một họa sĩ trình bày và minh họa báo. Thú thiệt chỉ cách lần gặp trước, cũng tại tiệm cá cảnh này, ba bốn tháng mà nay tôi phải định thần dữ lắm mới nhận ra cái “ông già râu ria, ốm yếu, đi lại khó khăn” này là bạn lâu năm của mình. Lê Quang vốn to con, dân chơi bóng đá mà. Hỏi thăm thì cách đây vài tháng, hai ngày sau khi du lịch Thái Lan về, anh đang ngồi làm việc thì nhức đầu và bị xụi bên tay mặt, chở vô Bệnh viện 115 cấp cứu mới biết là bị đột quỵ. Trước đó vốn ỷ mình là dân thể thao, anh chớ hề biết mình bị cao huyết áp, nên… vô tư toàn diện.

May nhờ được cấp cứu kịp thời và sau đó kiên trì châm cứu, anh đã phục hồi tương đối phần tay chân. Nhưng mắt phải và bên não phải của anh vẫn còn sự cố. Anh đọc báo khó khăn. Trí nhớ thì chập cheng, nhìn mọi người thì biết là thân quen nhưng không thể nhớ nổi tên ai. Vợ anh kể là thời gian trước anh còn chỉ con gà mà nói là con vịt.

Con người yếu đuối biết chừng nào. Đang ầm ầm khỏe như bò cụng, đùng một cái nhũn như con chi chi. Tôi luôn thấm thía với câu nói: muốn biết con người nhỏ bé thế nào, hãy ra biển; muốn biết con người yếu đuối ra sao, hãy vào bệnh viện. Nhà triết học Pascal chẳng định nghĩa “con người là cây sậy biết suy nghĩ” đó sao?

Ở tuổi 50, 60 trở lên, mỗi ngày còn mở mắt ra nhìn đời là một ngày extra mà thượng đế ban thêm cho mình. Que sera sera…

 

2.

Đọc báo Ấp Bắc có tin những nông dân trồng hoa dọc theo hai bên đường huyện 89 ở xã Mỹ Phong (thành phố Mỹ Tho) dạo gần đây đã phải lấy đồ che chắn những ngọn đèn đường cao áp. Lý do là sợ ánh sáng đèn làm cho cây hoa rối loạn nhịp sinh học, chẳng biết ngày và đêm, nên không trỗ hoa hoặc trỗ không đều.

Cái vụ này thì các nhà khoa học đã chứng mình rồi. Còn bà con trồng hoa ở đây thì đã nếm mùi đời khi hoa tết mà họ chăm bón vất vả và tốn kém cả năm chỉ trỗ có một bên, còn bên có ánh đèn thì tịt ngòi hay trỗ chập cheng. Bây giờ tháng Chạp Nhâm Thìn rồi, hoa đang trong thời kỳ chăm bón cấp tập để chuẩn bị ra chợ Hoa Tết Quý Tị. Các nhà trồng hoa đã kiến nghị nhà chức trách du di cho mình cái vụ tự ý che chắn đèn đường để cứu hoa như vậy. Nhà chức trách lâm vào thế kẹt, vì đèn đường không tỏ thì dễ gây tai nạn giao thông, mà nếu đèn đường sáng chang chang thì người trồng hoa chết chắc.

Sực nhớ một vài năm trước đây, bà con nông dân ở Tân An đã kiện vụ đèn đường trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương làm các thửa ruộng ven đường bị thất thu do lúa không trỗ hoặc te tua bởi rối loạn chu trình quang hợp.

Suy diễn tào lao chút chơi, ở đây lại thêm bi kịch cho cái sự khoa học – kỹ thuật bị áp vào cuộc sống trật rơ, là truyền thống và hiện đại bị cưỡng ép chung sống cùng nhau. Cám cảnh nông dân một nắng hai sương mà nói vậy thôi, lẽ đương nhiên theo quy luật phát triển thì ở đâu, lúc nào cũng có bên nào đó phải hy sinh!

 

3.

Lóng rày càng về cuối năm cái con hẽm mà tôi lưu trú gần 25 năm nay ở Chợ Lớn lại càng xuất hiện nhiều chiếc xe ba gác thu mua đồ cũ. Bây giờ thời khoa học – kỹ thuật, người thu mua hỗng cần mỏi miệng, lời rao được ghi âm rồi phát ra rả bằng cái loa chạy bình ắc quy. Giọng lớn giọng nhỏ thì tùy vào cái volume, còn hơi ngắn hơi dài là tùy cái bình điện.

Tôi vểnh lỗ tai lắng nghe bảng danh sách dài lê thê các món họ thu mua: máy lạnh, máy giặt, tivi, đầu máy, loa, bán ủi, máy tính, quạt, bình điện, máy nước nóng,… Nghe đi nghe lại mấy lượt mà chớ hề nghe người ta thu mua “người xài đồ cũ” chớ đừng nói chi chịu mua “người cũ”!

 

4.

Bà chị Trần Thị Thanh Nguyên sáng nay từ Mộc Hóa lên Saigon để cùng nhóm Gia đình THKT (cựu thầy trò trường Trung học công lập Kiến Tường) ở đây đi Tây Ninh chúc tết sớm thầy cô. Giàng ơi cái thân “sáu bó” lại vừa trải qua bịnh thập tử nhất sinh chẳng quản đường sá xa xôi vậy mà còn khệ nệ khuân lên cho mấy thằng em THKT ở Saigon gạo, đường thốt nốt, lạp xưởng để “cứu đói giảm nghèo” cho các em ăn Tết. Tôi gõ những dòng này trong nước mắt, nói gì hơn nữa đây: “Đúng là bà chị THKT”. Từ ngày Gia đình THKT sum họp lại được với nhau, chị Thanh Nguyên vẫn thường xuyên chăm sóc cho mấy thằng em THKT của mình như vậy đó. Chị nói tụi nó lo cho mọi người, mình phụ chăm sóc tụi nó thôi. Còn cả một số chị khác ở Mộc Hóa cũng như vậy nữa. Giàng ơi, con muốn… la làng!

 

5.

Tôi có một anh bạn làm chủ một công ty (ở đây tôi gọi là “chàng”). Một cô bạn học chung trường (tôi gọi là “nàng”) có tình cảm với chàng. Chàng cũng có tình ý với nàng. Chàng và nàng đã trải qua vài buổi sáng, dăm buổi trưa đi ăn uống với nhau (chưa kịp có nhiều buổi tối chia sẻ mật ngọt cùng nhau). Tình cảm coi mòi có đường tăng trưởng.

Mấy năm qua kinh tế sa sút mà cái ngành của chàng lại nổi trôi cùng sức khỏe của thị trường. Chàng bị hết vốn rồi bắt đầu thua lỗ. Và cũng theo cái kịch bản chung của thời kinh tế xuống dốc, chủ nợ này là con nợ của chủ nợ khác – nợ dây chuyền. Tin tưởng (mà không tin cũng biết làm sao khác được) vào lời cam kết trả nợ của “đối tác nợ”, sẵn khi nàng ngỏ ý muốn giúp chàng, chàng bèn rào trước đón sau, nói xa nói gần, nói vòng nói vo để welcome cái nhã ý “mang tầm vóc sống còn” của nàng. Cũng ngại nên chàng chỉ dám vay nàng vài trăm triệu rải ra nhiều đợt với ý nghĩ khi con nợ thanh toán sẽ tiện trả ngay cho nàng. Giàng ơi, xưa nay chuyện tình cảm mà có hơi hám đồng tiền thì còn “tệ hơn vợ thằng Đậu”. Đâu ít cha con, mẹ con dính tiền bạc mà còn phải “chia tay hoàng hôn”. Chỉ bởi tại vì do không còn đường binh nào khác và như đã nói là “gởi trọn niềm tin” vào cái “uy tín nhà may Tèo” của “đối tác nợ” mà chàng “cũng liều nhắm mắt đưa chân”.

Cuối cùng tới hạn và rồi quá hạn trả nợ cho nàng mà chàng vẫn chưa thu hồi được công nợ. Chàng như Từ Hải khi nghe tin nàng Kiều “thất kinh nàng chửa biết là làm sao”. Chàng sợ nhất là bị nàng hay người đời biết chuyện nói chàng là “thợ đào mỏ” (đào hoa thì có, đào mỏ thì không), là kẻ lợi dụng tình cảm. Hậu quả là dù rất thèm được gặp nàng, chàng đành “kính nhi viễn chi”, đứng xa mà ngó. Nàng cũng chẳng hơn gì chàng. Do kẹt tiền làm ăn và tin lời chàng hứa trả nợ đúng “quy hoạch”, nàng gặp khó khăn, nhưng mở miệng đòi chàng thì… ngại cho cả hai. Từ ngày quá hạn trả nợ tới nay, chàng và nàng chớ hề dám gặp nhau – thậm chí không dám nhắn tin cho nhau. Nàng sợ nhắn tin có thể khiến chàng hết hồn lên tăng-sông mà chết. Chàng ngại nhắn tin sẽ làm nàng mừng hụt càng làm trầm trọng thêm cái “niềm đau chôn giấu”.

Dĩ nhiên là cái chuyện tình cảm của chàng và nàng coi như được bổ sung vào danh sách những tổn thất trực tiếp và gián tiếp của tình trạng kinh tế suy thoái chung.

Nghe xong câu chuyện tình thời kinh tế thị trường này, tôi “đúc rút” ra được một cái chân lý: nếu muốn tình yêu lâu dài, đừng có vay tiền của nhau, mà nên xin tiền của nhau.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-1-2013)

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

BÀI HÁT YÊU THÍCH

Về đây nghe em. Sáng tác: Trần Quang Lộc, thơ Á Khuê. Ca sĩ: Khánh Ly – Nguyễn Ngọc Ngạn

(Ca khúc này tìm thấy trên Internet. Xin cảm ơn tác giả, ca sĩ và những người đang giữ bản quyền, xin vui lòng cho chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này.)