Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Cớ sao yêu?

 

Ông Hoàng thơ tình Việt Xuân Diệu khi viết bài thơ “Vì sao” từng bó tay mà trăn trở: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.” Chính xác. Hai người yêu nhau chân thành và say đắm mà chỉ tới “buổi chiều” thì chẳng nên cơm cháo gì. Phải yêu tới tận “buổi tối” thì mới đạt tới đỉnh cao của tình cảm. Chớ có suy diễn à nghen. Yêu sáng, yêu trưa, yêu chiều, vậy buổi tối nghỉ yêu sao?

Rồi cũng chính bác Xuân Diệu trong bài thơ “Yêu” than rằng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít.” Nhưng đó là khi bác ấy yêu hồi mãi năm 1935 kia. Thời đó lãng mạn ghê lắm, chỉ nhác thấy bóng thấp thoáng là đã si tình rồi, đâu đợi tới “mắt thấy, tai nghe, tay đụng chạm”. Chớ bây giờ mà yêu là “chết ở trong lòng nhiều lắm”, thậm chí không chỉ “nhiều lắm” mà còn là “nhiều thứ”. Ai từng thất điên bát đảo, chập cheng tới muốn vô nhà thương Chợ Quán vì yêu thì mới thấm thía được cái nỗi “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” này.

Trong bài hát “Ảo ảnh”, nhạc sĩ Y Vân – một bậc thầy của nhạc tình – phát hiện ra rằng: “Yêu cho biết sao đêm dài…” Giàng ơi, khi đêm về trời êm gió tạnh, bóng tối giăng giăng cũng chính là lúc cái con virus “nhớ” trong lòng nó ngóc đầu dậy. Khi đói, bao tử cồn cào, ta chỉ cần nạp cái gì vô là ếm nó lại ngay. Còn khi nhớ tình nhân, hầu như toàn bộ lục phủ ngũ tạng đều cùng quậy. Ruột gan thì cồn cào, tim thì thắt lại, đầu óc thì mụ mẫm đi. Mà lúc đó thì tình nhân đang cách xa rồi, lấy gì mà “ếm” chúng lại. Bởi vậy, khi nhớ tình nhân, ngủ không được, ta mới thấy đêm sao mà dài đằng đẵng.

Yêu thì sướng hay khổ? Sướng và khổ là 2 mặt của tình yêu. Khi được thỏa mãn thì yêu là sướng, còn lúc không đáp ứng được yêu cầu thì yêu là khổ. Hên xui thôi. Vậy thì sao lại cứ đâm đầu yêu? Người ta nói: yêu là khổ, không yêu là lỗ. Nhưng sống trên cõi đời này, có ai lại cam chịu lỗ đâu!

Khi viết bài hát “Và con tim đã vui trở lại”, nhạc sĩ Đức Huy giải thích rằng: “Tình yêu đến cho tôi ngày mai. Tình yêu chiếu ánh sáng vào đời” sau những ngày dài đằng đẵng đi tìm mà “Chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai, xóa tan màn đêm u tối, cho tôi biến đổi tâm hồn, thành một người mới.” Vậy thì đã rõ, chỉ cần thay một chữ cùng thanh trong cái tựa bài là có thể giải thích vì sao “con tim đã vui trở lại”. Đó là vì “Và con tim đã yêu trở lại”.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử được coi là người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Trong thời gian quằn quại cả thể xác lẫn tinh thần vì chứng bệnh phong, ông lại cho hậu thế một dòng “thơ điên” làm lúc nửa tỉnh, nửa mê. Thơ tình của ông thiệt là da diết và cháy bỏng. Trong bài thơ “Những giọt lệ”, Hàn Thi sĩ đau đớn thốt lên: “Người đi, một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.” Thiệt tình, “dại khờ” còn là nhẹ, “hóa điên” lên được kia chớ. Bạn chỉ có thể trải nghiệm được cái tâm trạng cực kỳ nát lòng và đầy bất lực đó khi là người ở lại đứng nhìn người mình rất mực yêu thương đang rời đi mỗi lúc một xa cho tới khi khuất nẻo. Chẳng “một nửa hồn tôi mất” sao được khi người ra đi đó là một nửa của mình!

Adam có yêu Eva không? Tôi cố gắng tin là khi nghe lời Eva mà cãi lệnh cấm của Thiên chúa để nếm thử trái cấm, Adam mần như vậy chỉ vì quá yêu Eva chớ chẳng phải bởi “dại gái”. Đó là chuyện thời tạo thiên lập địa. Còn về thủy tổ của dòng giống Bách Việt, Lạc Long Quân có yêu bà Âu Cơ không? Tôi đoan chắc là hai ông bà, dù ông thuộc giống rồng dưới biển, bà thuộc giống tiên trên núi, cực kỳ yêu nhau. Đây nè, có phải đứa con chính là kết quả và minh chứng của tình yêu không? Vậy thì Lạc Long Quân và Âu Cơ có tới 100 người con, thử hỏi họ yêu nhau tới mức nào!

Như vậy tình yêu nam nữ đã có từ thuở tạo thiên lập địa nói chung, hay từ thời thủy tổ Bách Việt nói riêng. Bao nhiêu thế hệ con người nối tiếp nhau khuất bóng phía bên kia thế giới, chỉ có tình yêu là ở lại, sống mãi cho tới bây giờ. Vậy thì tình yêu là trường sinh bất tử. Suy ra hai điều:

1. Tình yêu chớ hề có tuổi. Từ đứa trẻ mới có trí khôn cho tới ông già bà lão 80-90 tuổi, ai cũng có thể yêu. Tình yêu chân chính cũng chẳng câu nệ tuổi tác của 2 đối tác. Đâu thiếu những tình yêu nảy nở ở tuổi thất tuần, bát tuần. Một ông già 90 vẫn có thể yêu một cô gái đôi mươi. Một bà lão 80 vẫn có thể yêu một chàng trai 20. Miễn là họ còn sức để yêu và cảm thấy hạnh phúc vì yêu và được yêu. Trong chuyên đề “Tình yêu không có tuổi”, báo điện tử VietnamNet viết rằng: “Người đàn ông ngũ tuần dùng sự từng trải của mình để yêu thương, cô gái trẻ xinh đẹp dùng sự tôn trọng của mình để yêu thương…  Hôn nhân tận cùng là bù đắp, chia sẻ.”

2. Tình yêu là một thần dược trường xuân. Bằng chứng là những người đang yêu và được yêu thật sự luôn tươi trẻ hẳn ra.

Vậy thì tại sao ta không vỗ tay theo nhịp rộn ràng của bài hát “Yêu người yêu đời” của Lê Hựu Hà mà rằng: “Ngày nào bầu trời còn mây bay. Lòng ta vẫn thấy yêu thương người.”

Nhạc sĩ Phạm Duy là một điển hình cho cái sự “tới chết vẫn còn yêu”. Hãy nghe ông tuyên ngôn: “Tôi còn yêu, tôi cứ yêu. Tôi còn yêu mãi mãi mãi. Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người.” (trích bài hát “Tôi còn yêu tôi cứ yêu”).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-2-2013)

PHP & LOVE từ Tokyo tới Taipei. (Tác phẩm điêu khắc lừng danh LOVE của họa sĩ Mỹ Robert Indiana, phiên bản tại Taipei – Taiwan và Tokyo – Japan).

LOVE là một tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Mỹ Robert Indiana thuộc trường phái Pop Art. Ông đã sắp xếp hai mẫu tự LO (chữ O ngả nghiêng, thấy bắt ghét!) nằm trên hai mẫu tự VE, tạo thành chữ LOVE (tình yêu).

Hình ảnh này vốn được thiết kế cho một tấm thiệp Noel của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Mỹ hồi năm 1964.

Phiên bản nổi 3 chiều của chữ LOVE làm bằng thép COR-TEN được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Indianapolis từ năm 1970.

Sau đó, các phiên bản LOVE xuất hiện tại nhiều nơi ở Mỹ và trên thế giới. Ngoài chữ LOVE tiếng Anh, nó còn có biến thể với các ngôn ngữ như tiếng Hoa, Ý, Tây Ban Nha, Do Thái,… Các mẫu tự cũng có kiểu bố trí và màu sắc khác.

Tết Tây 2013, phía trước trung tâm Saigon Center trên đường Lê Lợi (Saigon) cũng thấy dựng một phiên bản LOVE thu nhỏ.