Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Lần đầu tiên trở lại Bến Tre

 

Gọi là trở lại vì khoảng năm 1959 – 1960, khi mới 2-3 tuổi, tôi từng sống ở Mỏ Cày (Bến Tre) mấy năm. Nhà nằm bên bờ sông Hàm Luông. Do có sống tại hai xã Hương Mỹ và Minh Đức, ba má tôi khi làm khai sinh cho em gái của tôi ở Hương Mỹ (dù đẻ tại nhà hộ sinh ở thị xã Trà Vinh) đã đặt tên nó là Minh Hương.

Ngày 10-11-1983, khi đang làm ở báo Long An, tôi và hai bạn đồng nghiệp Lê Kim (Bùi Văn Mười, Năm Cổ Cò) và Mai Hùng Dũng chạy xe Honda từ Tân An xuống Mỹ Tho có công việc. Xong xuôi, nổi hứng, ba anh em rủ nhau qua phà Rạch Miễu chạy tót tới thị xã Bến Tre mần một vòng phố phường. Cả 3 đều là lần đầu tới thị xã này, lơ ngơ lớ ngớ. Chạy một hồi không biết đi đâu, bèn ghé nhà hàng nổi giữa hồ ăn cơm trưa. Có chụp ảnh kỷ niệm tại một công viên có cái đài phun nước hình giống 2 cái vỏ dừa úp lại. Bến Tre là xứ dừa của Nam bộ mà.

Tôi quả là người có cơ duyên với Bến Tre. Anh bạn đồng nghiệp Phương Đông ở báo Bến Tre (sau này là lãnh đạo tờ báo) khi học đại học báo chí ở Học viện Tuyên huấn Trung ương (Hà Nội) có về thực tập một thời gian ở bộ phận phóng viên kinh tế do tôi phụ trách ở báo Long An.

Hỗng biết sau này còn có cơ duyên gì nữa với Bến Tre không? Hên xui. Nhưng tôi đã có cái nickname là “ông dừa” vì ghiền uống nước dừa rồi.

Thoắt một cái gần tròn 30 năm. Nay Lê Kim không mần báo nữa mà sang mở trường mẫu giáo tư thục và là một đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An. Còn Hùng Dũng tiếp tục ở lại báo Long An. Đây là người bạn thân nhất duy nhất của tôi còn ở lại tòa báo xưa, thỉnh thoảng hai anh em vẫn alô cho nhau và gặp nhau khi bạn lên Saigon hay tôi về Tân An.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-2-2013)

CẬP NHẬT:

1. Một bạn trên Facebook hỏi tôi bây giờ thấy Bến Tre có gì lạ không? Có nhiều chuyện để nói lắm bạn Mai Phan ạ. Ngạc nhiên nhiều. Bến Tre “tiến bộ” và “thoáng” hơn xưa. Thị xã vẫn nhỏ xíu với những đường phố ngắn và nhỏ. Có quá nhiều quán karaoke (cả một con đường karaoke), có quá nhiều tiệm gội đầu (cả một con đường gội đầu mà ở đầu đường có một tiệm chuyên bán condom). Đồ ăn thức uống, nói chung là giá cả không rẻ. Nhưng cuộc sống có vẻ bình lặng. Không khí trong lành. Khoái nhất là chạy xe trên đường phố lộng gió mát rượi.

2. Có bạn nhắc tôi bây giờ thị xã Bến Tre đã trở thành thành phố Bến Tre rồi. Wow, xin lỗi bà con cô bác thành phố Bến Tre. Trong xu thế phát triển và nở nồi đô thị hóa, hầu như thị xã tỉnh lị nào cũng đã lên thành phố, một số thị trấn bự lên thị xã, một số xả lên thành phường. Chẳng biết khi nào toàn bộ các tỉnh đều trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng khi đó thì các thành phố thuộc trung ương như hiện nay sẽ lên thành gì hén?

3. Bạn Mai Phan à. Từ khi có cây cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, Bến Tre không còn là một “tiểu đảo” nữa. Sau khi có thêm đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, xe tốc hành chỉ chạy 2 giờ là nối liền Saigon – Bến Tre (vé xe hiện nay chỉ 78.000 đồng).  Tốc độ đô thị hóa cũng nhanh thiệt đó. Nhưng thành phố Bến Tre vẫn cho tôi cái cảm giác đây là một tỉnh nhỏ. Nhưng nhờ vậy mà ở Saigon quá ư ngột ngạt và bụi bặm, lâu lâu về Bến Tre đổi gió, đổi không khí, thậm chí nếu “đổi được cả người” nữa càng tốt, thì thiệt là thú vị. Cho tới bây giờ, Bến Tre vẫn còn “xanh” (green).

4. Anh Mai Phan à. Phải không ngừng phát triển đi lên mới tồn tại được chớ anh. Nhưng mần gì thì mần, đừng bao giờ đánh mất cái bản sắc riêng biệt của mình. Chớ bao giờ dại dột đua với thiên hạ, người ta có gì, mình có nấy. Thí dụ, về mặt công nghiệp và hiện đại, Bến Tre có cựa quậy cách mấy cũng không bằng những thành phố lớn khác. Nhưng về cái màu xanh tươi của rừng dừa, về cái văn hóa Nam bộ, về cái lòng hiếu khách thì Bến Tre cần mần sao cho thiên hạ phát thèm luôn. Vì sao sau những tò mò thời hậu chiến, du khách phương Tây tới Việt Nam lại khoái ra Hà Nội vì ở đó họ nhận ra một Việt Nam mà nước khác hỗng có. Còn ở Saigon thì Tây hóa mất rồi, mà lại mới ở mức Tây ba rọi, sao bì được với xứ họ. Đáng tiếc là càng về sau này, dường như Hà Nội ngày càng lãng phí cái bản sắc của mình để chạy đua hiện đại hóa. Thật là một thảm họa nếu như mai này du khách tới Việt Nam chỉ có thể nhận ra Việt Nam ở chỗ người dân… nói tiếng Việt (má lúc đó chưa chắc đã là tiếng Việt thuần).

Tôi và anh bạn Lê Kim (bên trái) chụp ảnh kỷ niệm tại thị xã Bến Tre ngày 10-11-1983.