Thứ Bảy ngày 11 tháng 1 năm 2025

Châu Á không biên giới

 

Nếu như trên Internet, thế giới phẳng không còn rào cản biên giới quốc gia, thì trong thực tế, việc đi lại giữa các nước ngày càng trở nên dễ dàng, thông thoáng hơn.

Ở châu Âu, Thỏa thuận Schengen ký kết hồi tháng 6-1985 là một hiệp ước phi biên giới hình thành Khu vực Schengel – trong đó các nước không còn kiểm soát việc đi lại giữa các nước. Hiện nay, khu vực không biên giới này gồm 26 nước châu Âu có tổng số dân hơn 400 triệu người và trải rộng trên diện tích hơn 4,3 triệu km vuông. Khu vực Schengel cho phép người nước ngoài chỉ cần xin visa vào một nước thành viên là có thể tự do đi lại giữa các nước tham gia hiệp ước này.

Còn ở châu Á, khối các nước ASEAN từ nhiều năm nay hầu như đã trở thành một khu vực không biên giới đối với việc đi lại của công dân các nước Đông Nam Á thành viên. Ngoại trừ 2 nước Myanmar và Brunei, tất cả 8 nước thành viên còn lại đều đã bãi bỏ visa đối với công dân của nhau. Chỉ cần có hộ chiếu hợp lệ, công dân 8 nước này có thể đi lại thoải mái giữa các nước.

Nhật Bản là một trong ít nước châu Á có chế độ visa rất nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với những nước có nhiều công dân trốn ở lại nước Đông Á này. Nhưng Nhật Bản hiện có gần 1,2 triệu công dân đang sống ở nước ngoài, chiếm khoảng 1% dân số nước này. Đó là những expat (expatriate) – người sinh sống ở bên ngoài nước mình.

Yoshihiro Yamada, năm nay 59 tuổi, là một trong số đó. Khi ông chuyển sang công tác ở Malaysia, những người hàng xóm ở Nhật đã ngạc nhiên: “Anh sẽ phải sống trong rừng rậm sao?” Đó là năm 1989, Yamada được cử làm chủ tịch của chi nhánh hãng TDK-Lambda của Nhật tại Malaysia. Hồi đó, Yamada là người Nhật Bản duy nhất trong một nhà máy có 800 công nhân bản xứ. “Trong 3 tháng đầu tiên, các nhân viên của tôi và tôi không thể giao tiếp được với nhau. Nó làm tôi muốn phát điên lên.” Bây giờ số nhân sự người Nhật tại nhà máy tăng lên và Yamada thậm chí có nhiều bạn bè ở Malaysia hơn ở Nhật. “Malaysia thích hợp với tôi. Khí hậu ấm và người dân rất trầm lặng, họ không xoi mói chuyện người khác.” Yamada hiện đang làm ở Malaysia nhiệm kỳ thứ 3 không liên tục, tổng cộng đã sống ở đất nước Đông Nam Á này tới 13 năm. Ông hy vọng mình có thể sống luôn ở Malaysia sau khi nghỉ hưu.

Việc gia tăng số người Nhật sinh sống ở nước ngoài đã dẫn tới việc phát triển các dịch vụ đặc biệt dành cho những người xa xứ, trong đó có việc giúp người Nhật dễ dàng nắm bắt các thông tin địa phương bằng tiếng Nhật. Các “expat” giàu kinh nghiệm gần đây đã sử dụng các mạng xã hội (Facebook, Twitter,…) để giúp đỡ các đồng hương của mình. Và môi trường hiện nay càng khuyến khích nhiều người Nhật quyết định ra sinh sống ớ nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế sa sút và giá cả đắt đỏ.

Megumi Kishida, một phụ nữ Nhật 30 tuổi nói rằng: khi bước vào một quán cà phê ở Singapore, ta sẽ dễ dàng quên đi đó là ở một nước khác lạ. Bên trong thì sạch sẽ, nhân viên phục vụ thân thiện và giá cả dễ chịu hơn ở Nhật. Chị đã khởi lập một doanh nghiệp riêng ở Singapore. “Tôi muốn làm việc chăm chỉ ở nước này cho tới khi tôi có thể trở nên hữu ích. Chừng nào có con trong tương lai, tôi mới sẽ quyết định chọn nước nào để giáo dục chúng.”

Từ thế kỷ 19 cho tới những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền Nhật Bản cổ vũ người dân mua vé một chiều và chuyển ra nước ngoài sinh sống. Nhiều người hưởng ứng và coi như đi tìm kiếm một sự khởi đầu mới. Sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, các công ty ngày càng làm ăn phát đạt của Nhật Bản đã bắt đầu cử nhân viên ra nước ngoài để thành lập các chi nhánh hải ngoại.

Tác giả PHP trong một lần tới Nhật Bản (24-11-2010)

 

Ngày nay, người Nhật Bản tiếp tục hướng ra nước ngoài, nhất là khi nước mình đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế thấp.

Akira Tachibana, một tác giả nghiên cứu về hiện tượng người Nhật di dân ra nước ngoài, nhận xét: việc những người Nhật dám nghĩ dám làm muốn di chuyển ra nước ngoài cũng là lẽ tự nhiên thôi. “Châu Á hiện là một trong vài khu vực còn lại mà người Nhật có thể phát huy các thế mạnh của mình. Tuy nhiên, ngay cả hiện nay, đây cũng mới chỉ là những dạng tiên phong đầu tiên mà thôi.

Ủng hộ cho dòng chảy nhân lực từ nước này sang nước khác là sự tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á. Khi Yamada lần đầu tới Malaysia cách đây 24 năm, mức thu nhập và điều kiện sống ở Nhật là cao nhất châu Á. Khi bị công ty điều động ra công tác ở nước ngoài, người ta không thoải mái, nhưng người Nhật vốn có tính kỷ luật và phục tùng cao, không từ chối. Hồi đó số lượng người Nhật tình nguyện rời đất nước ra nước ngoài sinh sống là rất ít.

Ngày nay, mọi sự đã khác hẳn. Thu nhập GDP bình quân đầu người của Singapore đã vượt xa Nhật Bản. Các nước như Malaysia và Indonesia đang phát triển một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ. Các công ty Nhật đang tiếp tục xu thế và yêu cầu mở rộng ra nước ngoài cả về thị trường lẫn cơ sở sản xuất. Vì thế, số lượng người Nhật sinh sống ở nước ngoài tiếp tục tăng nhanh. Thậm chí, đối với nhiều người Nhật, điều kiện sống ở ngày càng nhiều nước châu Á bây giờ rất tốt, thậm chí có một số nước sống còn sướng hơn ở Nhật.

Cùng lúc đó, số người nước ngoài đến Nhật Bản để làm việc, học tập hay đơn giản là đi du lịch đang gia tăng. Ngày nay, người ta có thể cảm nhận được tính đa dạng châu Á ở ngay trong văn phòng, trong trường học và ngoài đường phố ở Nhật.

Từ Nhật Bản tới phần còn lại của châu Á hay từ các nước khác của châu Á tới Nhật Bản, các đường biên giới mà trước đây được kiểm soát nghiêm ngặt để tránh tình trạng di dân hàng loạt giờ đây đã tan chảy. Người ta có thể tự do đi sang nước khác để học, làm việc và sinh sống. Sự tăng cường hợp tác giữa các nước và sự gia tăng tích hợp trong khu vực càng làm cho xu thế này tăng thêm. Biết đâu rồi sẽ tới lúc người ta không còn băn khoăn, quan tâm tới chuyện ai sinh ở nước nào mà chỉ cần biết đó là người châu Á.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-2-2013)

Người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông hơn.