Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Năm 28-2-2013

 

1.

Chiều nay tôi ghé tiệm thuốc Tây mua một hộp khẩu trang y tế (face mask), 50 chiếc, giá 40.000 đồng. Chẳng phải tại vừa mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam hôm qua bị ám ảnh hay là do thấy bác sĩ kiếm tiền bộn quá mà tính chuyển nghề đâu. Lâu nay tôi vẫn dùng loại khẩu trang này để mang khi đi ngoài đường.

Hồi trước thì như mọi người, tôi xài khẩu trang bằng vải – dày và ngột ngạt mấy cũng ráng mà chịu. Sau khi xảy ra cái dịch cúm H5N1, chuyển qua xài khẩu trang y tế, tôi thấy tiện lợi vô cùng. Nó nhẹ nhàng, thoáng hơn – không phải vì thế mà giảm mức độ ngăn chặn ô nhiễm, ngược lại còn hữu hiệu hơn do là hàng chuyên dụng và đúng chuẩn. Khẩu trang y tế tiện dụng, mỗi ngày chỉ cần xài một cái rồi tối về cho vào thùng rác, vệ sinh bội lần loại khẩu trang bằng vải bán ngoài đường chẳng biết may bằng loại vải gì và xài cả tuần chưa thèm giặt.

Đi ngoài đường thấy càng ngày càng có nhiều người dùng loại khẩu trang y tế này thay cho khẩu trang vải. Nó phổ cập tới mức bây giờ người ta gọi nó là “khẩu trang dân dụng”, hết còn là độc quyền của người ngành y rồi đó nghen. Tôi có cô bạn lúc nào trong cốp xe và trong túi xách cũng có sẵn mấy chiếc khẩu trang loại này (mà sao chúng thơm phưng phức vậy nè Giàng?)

Đừng có coi thường chiếc khẩu trang hay coi mấy người mang khẩu trang ngoài đường là lập dị à nghen. Lợi hại lắm đó. Cách đây gần 10 năm đổ về trước, tôi bị viêm họng, viêm xoang kinh niên, tới mức ngày nào cũng phải uống kháng sinh (chừng 3 tuần mới tạm nghỉ một tuần và chấp nhận ho, sổ mũi, nóng sốt). Một lần đi khám sức khỏe thường niên tại Bệnh viện Bưu điện ở khu cư xá Bắc Hải, bà bác sĩ khuyên: “Ông về mần ơn mang khẩu trang giùm tui đi!” Tôi hoảng hồn, vì trước đó rất sợ mang khẩu trang, nó ngột ngạt chịu không được. Bà bác sĩ khuyến khích: “Ông cứ mang khẩu trang, chừng một tháng là thấy kết quả. Ông bị viêm họng, viêm xoang mạn tính như vậy chỉ vì không khí ô nhiễm thôi.” Tôi nghe lời, và chỉ mới hơn nửa tháng đã thấy hiệu nghiệm. Từ đó cho tới nay, tôi không còn phải uống kháng sinh trường kỳ nữa. Vừa đỡ tốn tiền, vừa khỏe ra. Thiệt mà, tiền mua khẩu trang hàng ngày chỉ bằng 1 phần 10 tiền mua thuốc kháng sinh thôi. Tất nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng bị viêm họng, nhưng là do những nguyên nhân khác – thiên cơ bất khả lậu, đừng dụ tôi cung khai!

Đeo khẩu trang còn có lợi cho “làn da châu Á” của quý bạn nữ. Nó giúp che những tia nắng quái (tia cực tím), bảo vệ da mặt khỏi bị bám bụi bẩn – đặc biệt là những người có cơ địa da nhờn và lỗ chân lông ít nhỏ. Nhưng chỉ nên mang khẩu trang lúc chạy xe, đi bộ ngoài đường thôi. Lúc bình thường nên để da mặt có thời gian tiếp xúc với ánh nắng – nhất là nắng sớm (từ khoảng 7 giờ tới 9 giờ) để ánh nắng có thể giúp cơ thể chuyển hóa tăng thêm canxi và một số vitamin như vitamin D.

Chiếc khẩu trang từng nhiều lần cứu tôi khỏi những “bàn thua trông thấy” khi người chạy xe bên cạnh hay phía trước hỉ mũi cái xoẹt hoặc phun nước miếng cái phèo như thể trong cõi hồng trần này chỉ có mình ên họ. Các thầy thuốc thề sống thề chết rằng: chiếc khẩu trang giúp đề phòng những bệnh lây nhiễm trong không khí.

Nhân đây tôi cũng bố cáo: các tiệm thuốc Tây nên kết số vào ngày 28-2-2013 này. Kể từ ngày mai, nếu thấy doanh số bán khẩu trang tăng lên, nhớ tính toán mà chia hoa hồng với tôi nghen!

(Linh mục Trường Trinh ở Thủ Đức comment rằng:  “em thường ko đeo khau trang vì … râu nhìu rất là ngứa ngáy … khó chịu… thôi đành … chịu khó zậy!” Great idea. Ý của cha Trường Trinh là một order tuyệt vời cho các nhà sản xuất khẩu trang dân dụng. Khẩu trang cho người nhiều râu (có thể xuất qua các nước Arập). Sẵn tui đặt hàng ké luôn: khẩu trang cho quý cô tô son môi và khẩu trang cho các nàng hay ăn quà vặt dọc đường.)

2.

Saigon ngày càng ô nhiễm thấy mà khiếp đảm. Lên những tầng lầu cao nhìn xuống, bạn có thể thấy thành phố bị phủ chìm trong lớp sương khói. Đừng có vội hí hửng mà rằng: Saigon đang phát triển thành Luân Đôn nghen. Ở xứ sớ sương mù, sương khói đó là hàng xịn do thiên nhiên bào chế. Còn ở xứ mình, đó là khói bụi ô nhiễm, hít vô là ná thở.

Ô nhiễm không chỉ do các nhà máy xả chất thải ra ngoài không khí mà không chịu xử lý, hay do hàng triệu chiếc xe có động cơ phun khói xả, mà còn bởi những thứ từ con người xả ra ngoài đường. Bạn thử nghĩ, xác một con chuột quẳng ra ngoài đường sẽ “khuyến mại” cho khách qua lại bao nhiêu là vi khuẩn? Mà dạo sau này các hãng sản xuất xe gắn máy cũng chơi ác gian. Hồi xưa, các ống bô nằm thấp là là mặt đường. Còn ở nhiều kiểu xe đời mới bây giờ, ống bô đã nằm trên cao mà còn ngóc đầu phun thẳng vào mặt người chạy xe phía sau. Chắc chắn có người biện mình rằng ống xả trên cao để đối phó với tình trạng đường sá ngập nước tùm lum khi mưa lớn hay triều cường.

Saigon ngày càng đông người, nghẹt xe, nhà mọc nhiều tầng, đường sá thêm hẹp, những khoảng không gian tù túng hơn. Cây xanh – một bộ máy lọc không khí thiên nhiên – cũng ngày càng ít đi. Khói xe không thể thoát lên được cứ là đà bám riết con người.

Ra Đà Lạt, mới xuống khỏi máy bay ở sân bay Liên Khương, người ta đã cảm nhận được ngay cái không khí thiên nhiên trong lành, khoan khoái biết chừng nào. Bữa rồi có dịp về thành phố Bến Tre, tôi chạy xe trên đường phố lộng gió mà thỏa sức hít thở không khí mát lành của “môi trường xanh”.

Qua Mỹ, tôi mới thấy không khí người ta trong lành tới chừng nào. Những chứng bệnh đường hô hấp, bệnh da mang từ Việt Nam qua hầu hết sẽ nhanh chóng biến mất không cần thuốc men. Tôi có anh bạn bị hen suyễn trường kỳ ở Saigon, qua sống ở California một thời gian là bay biến luôn chứng bịnh kinh niên này. Không khí trong lành, ít bụi bặm tới mức các tấm ảnh tôi chụp bằng chiếc máy ảnh mang theo trong trẻo hơn, sáng rõ hơn, màu sắc rực rỡ hơn – và dĩ nhiên, tôi trông cũng… xinh hơn!

Ở nhiều nước công nghiệp phát triển, người ta kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí rất nghiêm ngặt và hữu hiệu. Luật lệ minh bạch và đầy đủ kết hợp với ý thức công dân mới có thể đem lại kết quả như vậy. Chẳng hạn như ở Singapore, các hành vi xả rác, phóng uế ra nơi công cộng bị phạt tiền rất nặng. Mức phạt cho cái vụ “xả nước trong người” hay khạc nhổ, phun nước miếng ở nơi công cộng chắc giá 1.000 đôla SGP (17 triệu đồng). Tôi thường nửa đùa, nửa thiệt với bạn rằng: “Qua đây, lỡ chịu hết nổi, tôi thà chịu ướt quần, mắc cỡ một chút nhưng bảo vệ được 1.000 đô.” Nói vậy chớ ở xứ người ta, khi ban hành một luật định nào, nhà chức trách cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân thi hành. Ở Singapore, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thùng rác công cộng. Còn muốn ghé thăm các nhà vệ sinh công cộng thì có thể xuống các nhà ga metro hay vào các mall, các siêu thị vốn dày đặc ở Đảo quốc Sư tử này.    

Còn để giảm bớt lượng xe quá cũ dễ gây ô nhiễm và kém an toàn, Singapore quy định phí lưu hành thường niên của xe có động cơ tăng lũy tiến theo tuổi thọ của xe. Tới mức nào đó, người ta thấy bỏ xe cũ mà mua xe mới còn đỡ tốn tiền hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-2-2013)

 

Người ta chơi chữ: Singapore fine and fine – đẹp và phạt. Phạt trở thành một “đặc sản” của Đảo quốc Sư Tử. Đây là một chiếc áo thun có in hình các loại hành vi bị phạt và mức phạt chắc giá.