Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Nhật ký ghi vội thứ Bảy 9-3-2013: Tiếc thương và cảnh báo

 

 

Thiệt tình là tôi rất ghét khi phải viết về những chuyện như thế này. Đau lòng cho cả người viết lẫn người đọc. Nhưng không viết thì lại canh cánh một món nợ với những người đã mất, những người đang có nguy cơ mất và những người may mắn còn sống.

Chuyện rằng: Maria Trần Thị Hoa và Maria Trần Thị Trang là hai cô bạn thân cùng sinh năm 1992, cùng quê ở huyện Xuân Trường (Nam Định), cùng là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Hải Phòng (Hoa học lớp Cử nhân Khoa Toán K11 và Trang học lớp Cử nhân Khoa tiếng Trung A K11). Khoảng 4 giờ sáng 7-3, hai bạn chở nhau bằng xe gắn máy tới chợ hoa Hạ Lũng (huyện Hải An, Hải Phòng) mua hoa hồng về bán trước cổng trường ngày 8-3. Trên đường về, hai bạn bị một chiếc xe container “điên” chạy lấn tuyến cán chết tại chỗ. Nhà trường cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai bạn muốn kiếm thêm tiền để trang trải việc học.

Trên Facebook, anh họ của Hoa (nickname “Ai nói teen Nam Định không xinh ?”) cho biết: “Hoa là một người con ngoan hiền, một người em, người chị rất gương mẫu và đảm đang gánh vác. Gia đình em cũng rất hoàn cảnh khi mẹ em qua đời cách đây hơn 2 năm và chưa mãn tang. Vì muốn bớt đi phần nào gánh nặng cuộc sống đời sinh viên, em đã đi mua hoa về bán để kiếm chút tiền.”

Thiệt tình tôi không dám nhìn kỹ ảnh chụp hiện trường với chiếc chiếu đắp thi thể nạn nhân và những bó hoa hồng văng tứ tung. Cảnh nơi tang lễ của Hoa làm nhói buốt lòng người, nhất là khi nghĩ rằng cô thiếu nữ đôi mươi xinh tươi trong tấm di ảnh kia giờ đang nằm trong chiếc áo quan. Và càng xót xa hơn khi ngắm tấm ảnh Hoa và Trang tươi cười chụp ảnh trong chuyến hai bạn lên núi lễ hội hôm 4-3, nghĩa là chỉ 3 ngày trước khi cùng đi xa với nhau.

Theo thống kê trong hai tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra 5.636 vụ tai nạn giao thông làm chết 1.973 người, bị thương 5.794 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 746 vụ, giảm 1.096 người bị thương nhưng tăng 298 người chết (tăng 17%). Riêng tháng 2-2013 tăng 169 vụ, tăng 323 người chết (tăng 44,01%), tăng 344 người bị thương (tăng 12,64%).

Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) cho biết: gần như 100% bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu tại đây mấy ngày Tết Quý Tị 2013 vừa qua đều trong tình trạng có men rượu nồng nặc. Kết quả thử máu nhiều bệnh nhân có nồng độ rượu trong máu lên đến 200-300 mg/lít. Bình quân cứ 10 bệnh nhân chấn thương sọ não nhập viện thì có 8 trường hợp có sử dụng rượu bia.

Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho thấy: 10 năm qua Việt Nam có hơn 120.000 người chết vì TNGT, bình quân mỗi năm có 11.000 nghìn người chết. Xin lưu ý: số nạn nhân TNGT tử vong mỗi năm bằng quân số của hơn 1 sư đoàn trong chiến tranh. Cụ thể, mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình chịu những tổn thất về vật chất và tinh thần do TNGT để lại. TNGT cũng gây tổn thất về vật chất kinh tế. Bình quân mỗi năm, nước ta mất 2 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT. Số tiền này có thể xây dựng được 10 bệnh viện cấp tỉnh, 1.123 trường học, 6.400 căn nhà tình nghĩa.

Khác với nhiều loại tai nạn khác, tai nạn giao thông (không tính các va chạm giao thông trầy xước chút đỉnh) hầu hết đều gây những hậu quả thảm khốc. Người chết thì biến dạng hình hài, kẻ may mắn sống sót thì mang thương tật cả đời.

Ngày xưa ở thời đất nước bao cấp đầy khó khăn, người ta lo sợ tai nạn giao thông xảy ra bởi những chiếc xe hơi xuống cấp, rệu rã. Ngày nay, nỗi lo sợ tai nạn giao thông lại càng tăng thêm gấp bội khi ngồi sau tay lái những chiếc xe hiện đại khỏe và nhanh là những tài xế xuống cấp, tệ hại. Xe dỏm – tài xế xịn dù sao cũng ít gây nguy hại hơn xe xịn – tài xế dỏm.

Bạn có kinh hồn không khi thực tế có những tài xế xe tải, xe khách có bằng lái được… mua! May cho cuộc đời một chút nếu họ từng là những phụ xế nay mua bằng để lên đời. Nguy hiểm cho mọi người khi những kẻ tay ngang mua bằng để kiếm sống hay lên mặt với bạn bè. Đó là những bằng lái thật mà người lái dỏm.

Có quá nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông: xe cộ không bảo đảm các chuẩn mực an toàn; đường sá, cầu cống hư hỏng; hệ thống biển báo và phương tiện đề phòng TNGT xuống cấp và bất cập; việc thi bằng lái cũng như đăng kiểm chất lượng xe định kỳ còn lỏng lẻo và đầy khuất tất; luật lệ giao thông chưa nghiêm và chưa được phổ cập… Nhưng cái chính là vẫn tiêu chuẩn của những người tham gia giao thông – tức chung quy lại vẫn là con người.

Cái gì là giềng mối để bảo đảm hoạt động giao thông thông suốt và an toàn? Đó là luật giao thông và hệ thống điều khiển giao thông. Nhưng thực tế có bao nhiêu người đang lưu thông trên đường nắm rõ luật giao thông – đừng mong là nhớ vì hầu hết người ta thi lấy bằng lái theo những “tiểu xảo” mà dịch vụ cung cấp. Thiệt tình là tôi không nhớ nhiều luật giao thông đâu, nhưng lại nhớ hồi đó khi học thi bằng lái, người dạy truyền bá cho cái “thủ thuật” là với dạng câu hỏi ra sao thì chọn đáp áp thế nào. Chỉ cần nắm “bí quyết” đó là cầm chắc thi đậu lý thuyết.

Thực tế là hầu hết người ta vi phạm luật giao thông do không biết luật. Ai mà không muốn xách xe ra khỏi nhà còn có đường mà về nhà!

Vì thế, việc tuyên truyền rộng rãi cho công chúng – tất tần tật cả người chạy xe lẫn người đi đường – biết luật giao thông là một trong những yếu tố nền tảng giúp giảm tai nạn giao thông. Việt Nam có lợi thế là hệ thống đài phát thanh và truyền hình là của nhà nước. Chỉ cần các nhà đài này đan xen giữa các spot quảng cáo những thông tin hướng dẫn luật giao thông thiệt ngắn gọn mà dễ nhớ, dễ hiểu. Đừng viện cớ mỗi giây quảng cáo trên nhà đài là cả đống tiền – bình thường việc tuyên truyền giáo dục an toàn cho nhân dân này đã là trách nhiệm chính trị và trách nhiệm công dân của các hệ thống truyền thông đại chúng của nhà nước, huống chi chính người dân đã và đang đóng thuế để nuôi nhà đài và các nhà khác. Hiệu quả dữ lắm. Các tri thức đó chúng cứ ăn sâu dần vào tiềm thức của người nghe, người xem để rồi trở thành những chuẩn mực hành vi của họ. Có gọi là nhồi sọ hay ám ảnh thì trong trường hợp này cũng hỗng hề chi! Còn nói thuận lỗ nhĩ hơn thì đây là kích thích cái cơ chế tự kỷ ám thị của con người.

Song song đó là nhà chức trách phải tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Các hệ thống biển báo, hướng dẫn rõ ràng, đùng chỗ, đúng lúc và chớ có nên đánh đố người ta. Các hình thức chế tài kẻ vi phạm cũng cần nghiêm minh, đủ sức răn đe.

Chắc chắn có bạn sẽ nhắc tới đạo đức của cả người tham gia giao thông lẫn người điều hành giao thông. Đó chính là cốt lõi. Và không chỉ có đạo đức giao thông mà ta phải cổ súy và tự mỗi người thể hiện văn hóa giao thông. Đạo đức giao thông là cái tâm bên trong, còn văn hóa giao thông là hành động thể hiện.

Chẳng hề là bi quan hay tiêu cực hoặc này nọ đâu, ta phải dũng cảm và không tự ái để nhìn nhận rằng nước mình đang phải trả giá cho nhiều thế hệ xem nhẹ việc dạy con người biết làm người. Chuẩn mực giáo dục con người từ cổ chí kim và trên toàn hành tinh đều là dạy làm người (thành nhân) trước khi dạy tri thức (thành tài). Sẽ không thể có những chiếc xe điên hung thần xa lộ cướp đi bao mạng sống người ta nếu như ngồi sau tay lái là những CON NGƯỜI.

Nhưng đừng lo, bệnh quỷ thì đã có thuốc tiên. Miễn là có thầy, có thuốc!

Trong khi chờ đợi có sự chuyển biến ở cộng đồng và mang tầm vĩ mô, bản thân bạn và tôi, chúng ta phải tự giữ lấy sự an toàn cho mình và người thân bằng cách chính mình tuân thủ luật giao thông, chạy xe thật cẩn trọng và an toàn với cái đạo đức giao thông nằm trong tim và văn hóa giao thông trên đôi tay của mình. Cho dù một đốm lửa không phải là một đống lửa, nhưng nó vẫn có thể soi sáng và bảo vệ cho bạn và những người chung quanh!

Bây giờ tôi xách xe ra đường đây! Good luck!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-3-2013)

Thiệt tình là tôi không muốn post mấy tấm ảnh này, đau lòng quá. Nhưng chúng sẽ giúp ta thêm có động lực để mà góp phần ngăn ngừa không để những trường hợp thương tâm này tái diễn. Bạn nào không đủ can đảm nhìn chúng thì xin bỏ qua cho – giống như tôi!

Đây là hình ảnh của bạn Trần Thị Hoa (áo màu đen) và bạn Trần Thị Trang (áo màu hồng) chụp ngày 4-3-2013, chỉ 3 ngày trước khi cả hai bị tai nạn giao thông cướp mất mạng sống.