Xuất khẩu dầu lửa Iran giữa vòng vây cấm vận
Xuất khẩu đầu lửa của Iran trong tháng 12-2012 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi các biện pháp cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực hồi tháng 7-2012. Các nhà phân tích lý giải rằng chính nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc và việc mở rộng đội tàu vận chuyển dầu đã giúp nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này chống chỏi trong vòng vây cấm vận mà Iran bị Mỹ và phương Tây trừng phạt do không chịu từ bỏ tham vọng phát triển sức mạnh hạt nhân.
Theo hãng tin Reuters (31-1-2013), sản lượng xuất khẩu dầu lửa của Iran đã tăng lên khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 12-2012. Số liệu này được tính dựa theo 2 nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu lửa, các dữ liệu về vận chuyển và hải quan, cũng như tham khảo các nhà tư vấn và các nguồn tin khác.
Nhưng các nguồn tin này cũng dự báo rằng sản lượng xuất khẩu dầu của Iran sẽ bị giảm xuống trong tháng 1-2013 do những biện pháp cấm vận mới của Mỹ.
Không ai có thể nghi ngờ chuyện Iran đã bị tổn thất nặng nề từ các biện pháp cấm vận của phương Tây. Theo ước tính, các biện pháp cấm vận của EU đã làm giảm một nửa sản lượng xuất khẩu dầu lửa của Iran trong năm 2012, từ mức 2,2 triệu thùng/ngày hồi cuối năm 2011, khiến nước Arập Hồi giáo vùng Vịnh này mất hàng tỷ USD thu nhập và làm rớt giá tiền tệ Iran.
Nhờ nhu cầu mua dầu liên tục mạnh mẽ từ khách hàng lớn nhất là Trung Quốc và những khách hàng châu Á khác như Ấn Độ và Nhật Bản, kết hợp với việc mua thêm những tàu chở dầu mới, Iran đã tăng được sản lượng xuất khẩu dầu lửa một cách ngoài ý muốn của phương Tây vào cuối năm ngoái.
Mỹ và EU hy vọng sức ép về kinh tế sẽ buộc Iran phải quan tâm tới các mối lo ngại quốc tế về chương trình phát triển hạt nhân gây nhiều tranh cãi của mình. Trước sau như một, Tehran khăng khăng rằng đây là chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trong khi phương Tây vẫn quy riết là Iran có ý đồ chế tạo vũ khí hạt nhân.
Salar Moradi, một nhà phân tích thị trường dầu lửa của hãng tư vấn dầu khí FGE, ước tính rằng Iran đã xuất hơn 1,4 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 12-2012 và dự báo sẽ tiếp tục giữ mức 1,1 tới 1,3 triệu thùng/ngày trong quý 1-2013. Đây là một con số tăng lớn so với mức thấp chưa tới 900.000 thùng/ngày hồi tháng 9-2012. Theo ước tính, sản lượng xuất khẩu dầu thô tháng 12-2012 đã đem lại cho Iran khoản thu nhập tương đương 4,7 tỷ đồng (dựa theo giá Brent). Salar nói với hãng tin Reuters: “Iran đã mua một số lượng tàu chở dầu của Trung Quốc và bây giờ có khả năng vận chuyển lớn hơn. Nó sẽ giúp giảm một số sức ép khỏi Iran và chúng ta sẽ nhìn thấy sản lượng dầu lửa xuất cho Trung Quốc tăng lên nhiều hơn.”
Trung Quốc là một khách hàng có tiềm năng lớn nhất của Iran hay bất cứ nước xuất khẩu dầu nào khác. Đất nước đông dân nhất hành tinh này lại đang là nền kinh tế lớn số 2 của thế giới, nghĩa là có nhu cầu cực lớn và có khả năng tài chánh cực cao.
Theo số liệu của chính Trung Quốc, nước này đã mua 593.400 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Iran trong tháng 12-2012, mức nhập khẩu hàng ngày cao thứ hai trong năm 2012. Các quan chức Trung Quốc nói rằng việc nước này bán tàu chở dầu cho Iran đã giúp nâng cao lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc. Trước đó, đội tàu chở dầu của Iran luôn chật vật trong việc thỏa mãn nhu cầu vận chuyển dầu lửa theo kế hoạch cho Trung Quốc vì biện pháp cấm vận của EU cấm các hãng bảo hiểm đóng ở châu Âu bảo hiểm cho các tàu chở dầu vận chuyển dầu của Iran.
Một số nhà phân tích thì cho rằng việc Trung Quốc gia tăng giao dịch mua dầu lửa của Iran còn là một chiếc phao bảo hiểm cho Iran. Bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama khi tính toán sự được – mất trong mối quan hệ song phương Mỹ – Trung Quốc sẽ chùn tay khi phải đưa ra quyết định chính trị gây chiến tranh với Iran.
Delvar, siêu tàu chở dầu Iran mang cờ Malta (bên trái).
Theo số liệu tàu chở dầu cập cảng, sản lượng dầu lửa mà Ấn Độ – nước đông dân thứ 2 trên thế giới – nhập khẩu từ Iran tăng 29% trong tháng 12 so với tháng trước, đạt mức khoảng 275.000 thùng dầu/ngày.
Thật ra, việc lần theo các chuyến tàu chở dầu từ Iran ngày càng trở nên khó khăn do các công ty vận chuyển đã dùng chiêu tắt tín hiệu vệ tinh để tránh bị các cơ quan chức năng của phương Tây theo dõi. Do đó, các số liệu về xuất khẩu dầu lửa của Iran mà báo chí và các nhà phân tích có được chỉ mang tính ước tính.
Trong khi đó, vòng cấm vận mới của Mỹ chống Iran sẽ có hiệu lực trong tháng 2-2013. Chúng được đánh giá có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu của Iran do một số khách hàng của Iran bị trói buộc. Cụ thể, từ ngày 6-2, luật Mỹ sẽ ngăn cản Iran chuyển về nước số ngoại tệ mà nước này kiếm được qua xuất khẩu dầu lửa. Đây là một biện pháp cấm vận mạnh mẽ sẽ khóa nguồn thu của ngân sách Iran.
Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 12-2012 dự báo sản lượng xuất khẩu dầu lửa của Iran sẽ giảm xuống còn khoảng 1 triệu thàng/ngày vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Một số nhà phân tích tỉnh táo thì cho rằng với bản lĩnh đã được chứng tỏ của mình, Iran sẽ tìm được cách để tồn tại khi bị dồn tới chân tường. Cái khó sẽ ló cái khôn. Và Mỹ và EU sẽ lại phải tiếp tục suy nghĩ tìm ra những biện pháp cấm vận hữu hiệu hơn. Chỉ có điều, trong cuộc chạy đua này, nạn nhân trực diện lại là người dân Iran – cuộc sống khó khăn do cấm vận kinh tế, cũng như cộng đồng quốc tế – những người bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 28-2-2013)