Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Nhật ký ghi vội thứ Tư 6-3-2013: Cuộc sống… hóa chất

 

Đâu phải chỉ có người bịnh ung thư mới bị truyền hóa chất (chemotherapy). Cũng đâu cần phải là nhà lãnh tụ, vĩ nhân hay tỷ phú USD mới có thể ướp xác. Chúng ta đang phải chung sống hàng ngày 24/7 với các loại hóa chất.

Khi tôi viết tào lao bát xế về chuyện thức ăn đồ uống bị tẩm hóa chất, bạn Huỳnh Thái Bảo nói rằng tôi sẽ quay mòng mòng nếu như vô chợ Kim Biên mà nghe người ta nói chuyện xài hóa chất trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn Phạm Hoàng Việt phát hiện rằng: sau này, khi khai quật ở Việt Nam, các nhà khảo cổ học sẽ hết hồn khi thấy có quá nhiều thi thể “tiền nhân” vẫn còn tươi nguyên.

Bạn Việt không tưởng tượng ra tưởng voi đâu. Người Ai Cập đang có một đối thủ cạnh tranh trên cơ về công nghệ ướp xác từ Việt Nam – trình độ siêu đẳng tới mức “có mà tự nhiên như không”. Tổ tiên người Ai Cập ướp xác bằng hóa chất phủ bên ngoài, giống như kiểu ta dán giấy kiếng xe hay phủ lớp nano cover lên điện thoại. Còn ta ướp xác bằng cách thẩm thấu hóa chất từ từ trong khi con người còn sống, hóa chất bảo quản thấm vào tận từng huyết quản, tế bào.

Vậy là hỗng chừng ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của ta sẽ đại nhảy vọt. Chỉ cần thêm vào các đồ hộp cái tag rằng: loại thực phẩm chế biến này có tác dụng… ướp xác! Hay “nổ” hơn với dòng: “Khi sử dụng thực phẩm chế biến này, bạn đã được khuyến mại ướp xác miễn phí!”

Nhưng nếu suy diễn theo cái kiểu này, mấy dịch vụ hỏa táng có thể ngồi ngáp ruồi!

Còn nhớ có thời bà con xôn xao lên với chuyện báo chí phát hiện bánh phở được pha formol (chất dùng trong ướp xác) cho nó dai và để được lâu. Tôi thì bao năm rồi đã quen với cái loại bánh phở dai như vậy, sau này phải ăn bánh phở mềm bở ra lại cảm thấy không ngon miệng. Vô quán cứ lăn tăn hỏi có loại “bánh phở ướp xác” không?

Tôi thì chỉ sợ đã tới thời tình yêu chế biến (processed love) lên ngôi. Tình yêu loại này phù hợp với thị hiếu yêu cuồng sống vội lẫn yêu cầm chừng, yêu nhiều tập (episode). Nó tiện dụng, khi cần thì khui ra có xài liền, lại có chất bảo quản để giữ tình yêu tươi lâu.

Nhưng chớ có lẫn lộn với cái gọi là hóa chất tình yêu (chemicals of love) – loại này hỗng phải là tình yêu hóa chất (chemical love) là thứ tình yêu được ướp bằng hóa chất đâu nghen. Từ lâu các nhà nghiên cứu cho rằng khi yêu, người ta tiết ra những chất làm cho mình hưng phấn lên, tươi trẻ lên, sảng khoái lên, với hiệu ứng là càng yêu người, yêu đời hơn. Vậy nếu yêu mà có những triệu chứng ngược lại, có thể ta đã xài nhầm hóa chất quá date hay hóa chất dỏm.

Thiệt ra ngó quanh đi, bạn sẽ hãi hùng khi phát hiện cái gì cũng có sử dụng hóa chất. Nước mắm – cái món quốc hồn quốc túy – giờ cũng bị sử dụng công nghệ hóa chất để tăng độ đạm và hương vị. Có dạo trưa nắng nóng, tôi hảo cái món trà sữa trân châu. Tới chừng phát hiện người ta vô chợ Kim Biên mua hóa chất tạo vị chanh, vị trà thì tôi cạch tới giờ. Hồi xưa, tôi thích uống trà ướp sen, ướp lài. Sau này chỉ dám uống trà mộc nguyên chất. Lý do là để tiết kiệm, tiệm trà thường không ướp trà bằng hoa tươi, mà phun bằng hóa chất có hương vị sen, hương vị lài. Dễ phân biệt lắm, trà sen, trà lài chính hiệu có hương vị dịu nhẹ. Còn loại dùng hóa chất có mùi hăng cứ xộc vào mũi mình.

Có lần sang Trung Quốc, một cô bạn bản xứ hỏi có cảm nghĩ gì sau một tuần ngao du ở đây. Thấy cô nàng cũng dễ thương, dễ chịu, tôi bèn nói nửa đùa nửa thiệt: “Tui thấy người dân nước bạn là dũng càm nhất thế giới. Trong khi xứ tui và nhiều nước khác sợ xài đồ “Made in China”, các bạn ở đây chỉ xài toàn đồ Trung Quốc, hàng ngày ăn toàn thực phẩm Trung Quốc.” Bạn cười cười: “Đó là nỗi khổ tâm của những người Trung Quốc có hiểu biết.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-3-2013)

Trong một lần tới thăm thành phố Tây An (Xian, Trung Quốc), tôi và 2 cô gái bản xứ đứng trước một quầy bán thức ăn ven đường phố. Trời lạnh mà có đồ ăn nóng thì tuyệt cú mèo. Nhưng lại chớ hề dám ăn.

Ảnh này được chụp tại một tiệm bán táo Tàu ở Tây An.