Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Habemus Papam – chúng ta đã có Giáo hoàng Francis

 
Ngày 13-3-2013, sau 5 vòng bỏ phiếu (kể từ khi bắt đầu cuộc mật nghị – conclave – vào ngày 12-3), các hồng y tham gia bầu Giáo hoàng tại Vatican đã bầu Hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, Tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires (Argentina), làm Giám mục Rome, người kế vị Thánh Peter (Phêrô). Ngài đã chọn tước hiệu là Francis (Phanxico) với lòng tôn kính vị Thánh quan thầy của nước Ý St. Francis of Assisi. Đây là vị giáo hoàng đầu tiên có tước hiệu này.

Ngài là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo toàn cầu gồm 1,2 tỷ giáo dân và là giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong vòng 1.200 năm nay. Ngài là giáo sĩ đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên (the Jesuit order) trở thành giáo hoàng. Ngài kế tục Giáo hoàng Benedict XVI, người vừa từ chức ngày 28-2-2013 ở tuổi 85 vì lý do sức khỏe.

Vào lúc 19g7ph ngày thứ Tư 13-3-2013 (1g7ph sáng thứ Năm 14-3-2013, giờ Việt Nam), khói trắng đã xuất hiện trên nóc Nhà nguyện Sistine (Sistine Chapel), nơi các hồng y mật nghị. Đồng thời chuông đổ vang liên hồi. Mọi người reo hò đón mừng sự kiện giáo hội đã có được giáo hoàng mới sau gần 2 tuần trống Tòa. Theo nguyên tắc, sau mỗi vòng bỏ phiếu, các hồng y đốt lá phiếu bầu của mình để bảo đảm bí mật. Giáo hoàng Julius III (trị vì từ năm 1550 đến 1555) vốn là một người yêu thích hội họa đã cho thiết lập một bếp lò trong nhà nguyện này để đốt phiếu bầu, vì ngài lo ngại khói bay lung tung có thể gây hư hại các bức bích họa nổi tiếng bên trong nhà nguyện. Và theo tập quán, khói màu trắng là dấu hiệu đã bầu được giáo hoàng, khói màu đen là chưa chọn được.

Trong vòng 1 giờ sau khi có kết quả bầu chọn, Hồng y Jean-Louis Tauran – chức sắc cao cấp của Giáo hội – đã bước ra balcon của nhà thờ St. Peter’s Basilica công bố kết quả cuộc bầu giáo hoàng và danh tính của vị tân giáo hoàng với công thức truyền thống bằng tiếng Latinh: “Habemus Papam” (chúng ta đã có giáo hoàng mới).

Trong cuộc mật nghị lần này có 115 vị hồng y đủ tiêu chuẩn về tuổi (không quá 80 tuổi) để tham gia bầu chọn giáo hoàng. Trong đó có 60 người châu Âu, 33 người châu Mỹ, 11 người châu Á và 11 người châu Phi, tuổi đời bình quân là 72. Theo hãng truyền hình CBSNews, có ít nhất 77 hồng y đã bầu cho Hồng y Bergoglio.

Lúc 2g25 sáng 14-03 (giờ Việt Nam), tân Giáo hoàng Francis trong phẩm phục màu trắng của giáo hoàng đã xuất hiện lần đầu tiên và ngỏ lời với công chúng tại balcon chính của Đền thánh Peter trên Quảng trường St. Peter với lời chào: “Xin chào các anh chị”. (Brothers and sisters, good evening.) Sau khi ban phép lành giáo hoàng đầu tiên, ngài đã nói bằng tiếng Ý, yêu cầu hàng ngàn người đang có mặt chúc lành cho ngài.

Việc Hồng y Bergoglio được bầu làm giáo hoàng thật ra cũng không có gì phải ngạc nhiên. Trong lần bầu giáo hoàng trước (tháng 4-2005), ngài đã gần tới ngôi vị cao cả này khi đạt số phiếu bầu cao thứ nhì trong nhiều vòng bỏ phiếu. Lần đó, Hồng y người Đức Joseph Aloisius Ratzinger đã trở thành Giáo hoàng Benedict XVI.

Châu Mỹ Latinh chiếm tới 40% tổng số giáo dân của Giáo hội Công giáo Rome. Giáo hoàng Francis sinh ở Argentina, nhưng có cha mẹ là người gốc Ý. Vì thế, ngài được coi là một chiếc cầu nối giữa cội nguồn châu Âu của Giáo hội với tương lai của Giao hội mà theo nhiều người sẽ nằm ở châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.

Ở Argentina, Hồng y Bergoglio xưa nay được coi là luồng gió mới hiện đại hóa giáo hội nổi tiếng là bảo thủ của nước Nam Mỹ này. Ngài sống cuộc đời khiêm tốn và khổ hạnh, từ bỏ cuộc sống sang trạng mà các Hồng y Buenos Aires trước đó vẫn sống. Ngài thường đi làm bằng xe bus, tự nấu ăn lấy và thường xuyên tới thăm các khu dân cư nghèo quanh thủ đô Buenos Aires. Ngay cả sau khi trở thành người đứng đầu Giáo hội Argentina, ngài cũng không bao giờ sống trong tòa biệt thự sang trọng của giáo hội mà ngủ trên một chiếc giường đơn sơ trong một tòa nhà dưới phố và dùng chiếc lò nhỏ để sưởi ấm. Theo quan điểm của ngài, chính sự thể hiện xã hội mới là công việc cốt yếu của giáo hội chứ không phải là những tranh cãi về học thuyết. Ngài thường phê phán các chức sắc giáo hội khác về thói đạo đức giả và việc họ quên rằng Chúa Jesus từng tắm cho những người phong hủi và ngồi ăn với những cô gái mại dâm. Năm ngoái, Hồng y Bergoglio nói với các linh mục Argentina rằng: “Chúa Jesus dạy chúng ta cách khác: Hãy đi ra ngoài. Hãy đi ra ngoài và chia sẻ lời chứng của mình; hãy đi ra ngoài và tương tác với các anh em mình; hãy đi ra ngoài và chia sẻ; hãy đi ra ngoài và hỏi han. Hãy trở nên Ngôi Lời nơi thân thể mình cũng giống như trong tinh thần.”

Việc Hồng y Bergoglio chọn tước hiệu Francis cho thấy định hướng nghèo khó của mình. Thánh Francis thành Assisi là một trong những vị thánh được sùng kính nhất trong lịch sử Giáo hội. Xuất thân từ một gia đình thương nhân giàu có, nhưng Thánh Francis đã chọn con đường sống với và sống vì người nghèo.

Được đào tạo thành một nhà hóa học, nhưng Hồng y Bergoglio lại dạy về văn chương, tâm lý, triết học và thần học trước khi trở thành Tổng giám mục Buenos Aires. Ngài được tấn phong Hồng y năm 2001 giữa khi nền kinh tế Argentina đang sụp đổ.

Hồng y Bergoglio đã nỗ lực khôi phục lại hình ảnh của Giáo hội Argentina trong mắt chính giáo dân của mình. Cho tới nay, nhiều người Argentina vẫn bất mãn về thái độ nhân nhượng của giáo hội trước các hành động bạo tàn của chế độ độc tài sau cuộc đảo chính năm 1976, bắt cóc và giết chết hàng ngàn người. Đó là lý do vì sao có tới 2 phần 3 số dân Argentina theo đạo Công giáo nhưng chỉ có chưa tới 10% thường xuyên đi lễ nhà thờ. Trong một nỗ lực hòa giải, năm 2012, các giám mục Argentina đã đưa ra một lời xin lỗi tập thể về thái độ của giáo hội dưới chế độ độc tài, nhất là việc không bảo vệ được các giáo dân của mình.

Một số nhà quan sát nói rằng: Giáo hoàng Francis tuy là giáo sĩ của người nghèo, nhưng ngài không phải là giáo sĩ của thế giới thứ ba. Ngài cũng chỉ rõ rằng chính chủ nghĩa tư bản đang làm nghèo hàng triệu người Argentina. Trong khi chống chế độ độc tài, ngài cũng không thích các phong trào du kích cánh tả. Mối quan hệ giữa ngài và nữ Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner ngày càng xấu đi. Ngài quyết liệt chống tự do phá thai và hôn nhân đồng giới. Trong một thông điệp năm 2012, Hồng y Bergoglio nói rằng Argentina đang bị tổn hại bởi chính sách mị dân, chế độ cực quyền, tệ nạn tham nhũng và những âm mưu thâu tóm quyền lực không hạn chế. Những lời chỉ trích của ngài vang đội ở một nước mà tổng thống cầm quyền bằng sắc lệnh, các scandal chính trị hiếm khi bị trừng phạt và các bộ trưởng hàng đầu công khai vận động cho Tổng thống Fernández cầm quyền vô hạn định. Nữ Tổng thống Fernández từng nói rằng giọng điệu của Hồng y Bergoglio giống như ở thời Trung cổ và của các tòa án dị giáo!

Liệu các cá tính và quan điểm của Hồng y Bergoglio khi ở Argentina có ảnh hưởng gì tới vị thế Giáo hoàng Francis hiện nay?

Giới quan sát nhận xét: Phong cách sống và hành đạo khiêm tốn và khó nghèo của Hồng y Bergoglio – nay là Giáo hoàng Francis – có vẻ lạc lõng và đối chọi với sự sang trọng và lộng lẫy ở Vatican. Khi họp các giám mục, ngài luôn muốn ngồi ở hàng cuối cùng. Ngài luôn thấm nhuần lời Chúa Jesus dạy các môn đồ: Hãy chọn chỗ ngồi sau rốt, nếu con xứng đáng, tự khắc người ta sẽ mời con lên hàng cao nhất!

Các hồng y hy vọng Giáo hoàng Francis có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề đang tồn tại bên trong giáo hội, cũng như trong mối quan hệ giữa giáo hội và thế tục. Họ hy vọng ngài sẽ có đủ cá tính và sức thu hút như của Giáo hoàng John Paul II để thu phục lòng người.

Nhưng sẽ có một điều thật là tế nhị khi Vatican có lẽ là lần đầu tiên có tới 2 vị giáo hoàng. Không giống như hầu hết bậc tiền nhiệm khác, Giáo hoàng Francis sẽ phải “chung sống hòa bình” với một cựu Giáo hoàng là Giáo hoàng Benedict XVI, người sau khi từ chức được phong là Giáo hoàng Danh dự và vẫn sống tại Vatican. Cựu Giáo hoàng Benedict XVI đã tuyên bố sẽ sống đời ẩn dật và vâng phục vị giáo hoàng chính tòa.

Từ nay, sau 2 tuần bỏ trống, lời cầu nguyện trong các thánh lễ của Giáo hội Công giáo trên toàn cầu sẽ bắt đầu có tên “Đức Thánh cha Francis”. Cả giáo hội 1,2 tỷ thành viên luôn cầu nguyện cho ngài làm tròn nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Chúa, nhất là vững vàng tay lái đưa con thuyền Giáo hội qua khỏi các trận phong ba bão tố cả từ bên trong lẫn bên ngoài.

“Habemus Papam” – chúng ta đã có giáo hoàng mới.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-3-2013)

Tối 13-3-2013, khói trắng tỏa rabtừ ống khói nhà nguyện Sistine báo hiệu đã bầu được giáo hoàng mới.

Tới 13-3-3013, Hồng y Jean-Louis Tauran – chức sắc cao cấp của Giáo hội – đã bước ra balcon của nhà thờ St. Peter’s Basilica tuyên bố: “Habemus Papam” – chúng ta đã có giáo hoàng.

Quảng trường St. Peter ở Vatican đông nghẹt người vào đêm tân Giáo hoàng Francis ra mắt lần đầu tiên 13-3-2013.

Tối 13-3-2013 (giờ Ý), tân Giáo hoàng Francis đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng và ban phép lành Giáo hoàng đầu tiên từ trên balcon Đền thờ St.Peter.

Chuẩn bị nghi thức ban phép lành Giáo hoàng lần đầu tiên.

Tân Giáo hoàng Francis ban phép lành Giáo hoàng lần đầu tiên của mình.