Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Cựu Tổng thống Musharraf liệu có thành công khi trở lại chính trường Pakistan?


 

Sau nhiều năm tự sống lưu vong ở Luân Đôn (Anh) và Dubai (UAE), cựu Tổng thống Pervez Musharraf hồi hạ tuần tháng 3-2013 đã trở về Pakistan trong thời gian nước Nam Á này đang có chính quyền chuyển tiếp sau khi Quốc hội hiện nay mãn nhiệm kỳ. Người từng là cựu tư lệnh quân đội cho biết mình sẽ về “cứu đất nước” khỏi tình trạng rối ren và bạo lực như hiện nay.

Hồi trung tuần tháng 3-2013, Quốc hội Pakistan đã đi vào lịch sử khi là quốc hội đầu tiên của nước Hồi giáo này hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỷ 5 năm của mình. Kể từ khi độc lập từ Anh năm 1947, Pakistan luôn bị can thiệp bởi giới chỉ huy quân đội và ở dưới các nhà cầm quyền quân sự. Tổng thống Musharraf cũng bị gọi là một “nhà độc tài quân sự”.

Việc chuyển giao quyền lực giữa quân đội và dân sự vừa qua ở Pakistan được giới phân tích đánh giá là dấu hiệu cho thấy nền dân chủ và giới chính trị của nước này đã trưởng thành.

Quốc hội vừa mãn nhiệm hồi năm 2008 đã đe dọa kết tội ông Musharraf. Và ông đã chọn giải phảp rời khỏi Pakistan với tư cách một tướng lĩnh về hưu. Bây giờ, khi nước này đang ở trong khoảng trống quyền lực, ông trở về với tư cách một nhà chính trị mà đảng của ông sẽ tham gia trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 11-5-2013.

Năm 2010, ông Musharraf đã thành lập đảng Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML) trong khi đang ở Anh. Tuy nhiên sự nghiệp chính trị của ông trong thời lưu vong chẳng mấy thành công. Nhiều thành viên của đảng đã ra đi sau khi ông Musharraf không chịu hồi hương. Tất nhiên, trong hoàn cảnh lúc đó, ông này có thể gặp nhiều nguy hiểm khi về nước.

Tổng thống dân sự hiện nay của Pakistan là Asif Ali Zardari, chồng của cố nữ Thủ tướng Benazir Bhutto. Ông đã từ Dubai, nơi lưu vong từ năm 2004, trở về nước hồi tháng 12-2007 sau khi bà Bhutto bị ám sát. Là đồng chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP), ông đã lãnh đạo đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008 rồi đứng đầu liên minh buộc Tổng thống Musharraf phải từ chức. Ông được bầu làm Tổng thống thứ 11 của Pakistan vào tháng 9-2008.

Trong tham vọng trở lại chính trường lần này, ông Musharraf và đảng APML sẽ phải đương đầu với ông Zardari và đảng PPP. Tuy nhiên, giới bình luận chính trị đánh giá, cho tới hiện nay, ảnh hưởng của ông Musharraf là không nhiều.

Ngay trong ngày trở về 24-3, ông Musharraf đã phải hủy bỏ cuộc mít tinh tuần hành của những người ủng hộ mình tại Karachi vì bị cảnh sát địa phương rút giấy phép tổ chức.

Hiện nay, chính trường Pakistan là cuộc so cựa giữa đảng PPP cầm quyền và đảng đối lập Liên đoàn Hồi giáo Pakistan – Nawaz (PMLN) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, đối thủ đáng gờm của cả hai đảng này không phải là đảng APML của ông Musharraf mà là đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf của Imran Khan, một ngôi sao thể thao cricket trở thành chính trị gia, đang nổi lên.

Ông Musharraf lên cầm quyền ở Pakistan sau cuộc đảo chính quân sự năm 1999 lật đổ chính quyền của ông Nawaz Sharif. Mặc dù tuyên bố là để khôi phục nền dân chủ, nhưng trong 9 năm cầm quyền, Tổng thống Musharraf vẫn là tổng chỉ huy quân đội.

Cựu Tổng thống Pervez Musharraf khi về tới sân bay Karachi ngày 24-3-2013.

Cho dù trước đây ông Musharraf là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống hệ thống khủng bố quốc tế al-Qaeda, nhưng nay Washington tỏ ra hững hờ với sự quay lại của ông. Các nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội, giới chính trị và quân sự ở Pakistan từng ủng hộ ông Musharraf giờ đã có các ứng cử viên khác sáng giá hơn, trong đó có Imran Khan.

Có lẽ ông Musharraf sẽ chọn Karachi – thủ phủ kinh doanh của Pakistan làm căn cứ chính trị. Những người ủng hộ ông này nói rằng giới doanh nghiệp vẫn còn thích Musharraf, chủ yếu do nền kinh tế nước này đã tăng trưởng nhảy vọt sau khi Musharraf trở thành đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến tranh Afghanistan. Ngoài ra, Musharraf cũng có mối quan hệ tốt với phong trào Muttahida Qaumi Movement (MQM), một đảng có ảnh hưởng lớn ở Karachi. Có người nói rằng MQM nợ ông Musharraf do ông này từng giúp MQM hồi sinh sau khi bị hai đảng PPP và PMLN tấn công.

Cựu Tổng thống Musharraf tuyên bố mình trở lại chính trường “là vì dân nghèo Pakistan”. Vấn đề là liệu dân nghèo Pakistan có cứu được ông?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-4-2013)

 

Ông Musharraf làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Karachi ngày 24-3-2013.

Ông Musharraf ra mắt những người ủng hộ tại Karachi ngày 24-3-2013.

VIDEO CLIPS:

Pakistan: Musharraf sets sights on political comeback.

Musharraf returns to Pakistan after self-exile, faces death threat

Why Pervez Musharraf Coming back to Pakistan Despite of Life Threats?