Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Có phải là nhất bên trọng, nhất bên khinh không?

Có một số bạn thắc mắc: liệu có thiên vị hay bất công không khi cả hệ thống truyền thông trên thế giới tập trung vào vụ đánh bom kép ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ) mà ít quan tâm tới những vụ đánh bom tự sát ở Trung Đông, Nam Á? Vụ ở Mỹ chỉ chết có 3 người, trong khi những vụ kia chết hàng chục người, có vụ hơn 30 người.

Chẳng cần nói đâu cho xa xôi hay lâu lắc. Báo Tuổi Trẻ (TP.HCM) ngày thứ Bảy 20-4-2013 dành trọn trang bìa lưng (trang 20) cho vụ Boston, nhưng chỉ dành đúng 5 dòng trong mục Tin vắn 1 cột ở trang áp chót (trang 19) để đưa tin về một vụ đánh bom tự sát tại một quán cà phê ở thủ đô Baghdad (Iraq) giết 32 người và làm bị thương 65 người.

Tôi lang thang trên báo chí thế giới thì cũng thấy họ theo cái bài bản như vậy thôi. Có lẽ chỉ có báo chí Iraq mới đưa tin này lên trang nhứt giựt tít bự tổ.

Phải chăng kiểu đưa tin này là nhất bên trọng, nhất bên khinh, theo kiểu mà ông bà ta nói rằng: “nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Theo tôi, so sánh hai đối tượng đó là “bằng” chỉ vì ông bà mình khiêm nhượng và chạnh lòng thôi, chớ tôi thì phải dùng từ “hơn” mới chính xác. Thiệt ra thì cũng chẳng có chi mà phải lăn tăn, bởi nó là thực tế trong cuộc đời, phản ánh đúng tâm lý của xã hội bất kể Đông Tây kim cổ, chỉ đáng trách khi nó bị lạm dụng mà thôi. Đây nè, cùng họ Phạm mà Phạm Hồng Phước có bịnh nằm liệt giường liệt chiếu dứt bữa mấy ngày cũng chẳng hơi đâu mà thiên hạ quan tâm bằng chuyện Phạm Quỳnh Anh hắt xì hơi một cái. Phải chịu thôi mà!

Vì sao chuyện ở Mỹ được người ta quan tâm hơn? Mỹ là một siêu cường quốc có ảnh hưởng tới toàn cầu, là một thiên đường trần gian đối với không ít người, là một xã hội văn minh và hiện đại, là nơi trước nay nổi tiếng là an lành, là nước tự nhận sứ mạng bảo vệ thế giới và chống cái ác toàn cầu. Bởi vậy, chuyện một vụ bạo lực chết người xảy ra ở Mỹ gây được sự chú ý của toàn cầu. Hơn nữa, năm thì mười họa mới xảy ra một vụ gây chấn động. Chỉ cần nghe người ta kêu lên ngạc nhiên: Mỹ cũng có người chết vì khủng bố sao là đủ để đo lường sự quan tâm đó như thế nào. Ở đây không phải là chuyện định lượng, mà là định tính. Và cái quan trọng hơn cả là đưa tin có trung thực, chính xác và không hề ác ý không?

Trong khi đó, ở những điểm nóng xung đột của Trung Đông và Nam Á, chuyện người chết vì bạo lực, vì khủng bố xảy ra như cơm bữa, ngày nào cũng có, tới mức khiến người ta coi đó là bình thường. Có nhiều lần mở các trang thông tin lên thấy tràn ngập các vụ tấn công khủng bố ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ,… tôi tự hỏi làm sao người dân ở đó có thể sống được. Nhưng thực tế là ở đó, ai tới số cứ chết, ai còn sống cứ phải sống, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường ngày này qua ngày nọ.

Có người lại càm ràm: hình như mạng sống của người Mỹ, người châu Âu được coi trọng; còn mạng sống của người Nam Á, người Trung Đông bị rẻ rúng. Tôi thì không cho là như vậy. Dù là da trắng, da đen, da vàng… gì thì cũng đều là con người như nhau và có sinh mạng đáng quý trọng và cần được quý trọng như nhau. Chỉ có loài ác thú mới không biết quý trọng sinh mạng của một con người. Nhưng nói đi thì cũng cho nói lại. Người ta cũng cần phải biết quý trọng sinh mạng của mình và của người khác. Tôi thấy dường như người châu Á, châu Phi tự rẻ rúng mạng sống của bản thân mình và của nhau hơn.

Theo tôi, nhà báo chuyên nghiệp và làm báo trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt (tôi không nói về cái chuyện làm báo kiểu thị trường đâu nhé) phải biết xử lý thông tin dựa theo nhu cầu của người đọc. Nắm bắt được đúng nhu cầu của người đọc có nghĩa là thành công. Đó là sự nhạy cảm báo chí và nhạy bén báo chí. Hơn thua nhau là ở chỗ đó. Bây giờ đâu có còn làm báo thời bao cấp khi báo cho gì, người ta đọc nấy. Muốn tồn tại, người làm báo phải hiểu và đáp ứng được nhu cầu người đọc. Tất nhiên, việc đáp ứng nhu cầu người đọc như thế nào để mình vẫn có thể tồn tại được lại là cả một bản lĩnh và nghệ thuật của người làm báo. Mà thì là rằng “đáp ứng” thì có nhiều mức độ, nhiều khi “đáp ứng” không có nghĩa là “thỏa mãn” nhu cầu đâu. Bất cứ người làm báo chân chính nào cũng đều có sứ mạng và coi đó là hạnh phúc nghề nghiệp khi có thể cung cấp tốt nhất các thông tin mà người đọc đang mong đợi. Miễn là đừng có ác ý hay ý đồ gì. Thí dụ như vụ ở Boston, người ta đề cập nhiều tới nó có người thì đồng cảm với nạn nhân, có người muốn có thêm hiểu biết về thế giới chung quanh, nhưng cũng có kẻ hả hê. Cũng riêng trong vụ Boston này, công chúng thế giới có nhu cầu quan tâm chính đáng. Bởi khủng bố là một nguy cơ toàn cầu. Vả lại, khi ngay cả ở nước Mỹ mà bọn khủng bố còn ra tay được thì các nước khác sẽ ra sao?

Nhu cầu người đọc thì đa dạng và minh mông. Không thể và cũng chẳng nên đáp ứng tất tần tật các nhu cầu. Làm sao nhận ra được đâu là nhu cầu chính đáng và thiệt sự mà mình cần đáp ứng tùy thuộc vào cái tầm và cái tâm của người làm báo. Số đông không phải lúc nào cũng đều là chân lý.  

Người đọc, người xem đài, người nghe đài bây giờ có toàn quyền không thích thì không đọc, không xem, không nghe một báo, một đài nào đó. Bí quá thì lôi tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình ra mà luyện cùng đại hiệp hay mở phim tình cảm Hàn Quốc ra mà mơ cùng sao. Chán hết biết thì tắt đèn ngủ sớm cho nó khỏe!

Cũng giống như bạn nè, nếu giờ chán đọc mấy cái tào lao bát xế “mua vui cũng được một vài trống canh” của tôi thì chắc chắn bạn “off” tôi ra ngay thôi mà. Đáng đời kẻ nhiều chuyện!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 21-4-2013)