Xe lội nước ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ
Nhiều vùng ở các bang thuộc miền Trung Tây (Midwest) của Hoa Kỳ đang bị nhận chìm trong trận lũ lụt khủng khiếp.
Ở bang Illinois, nước sông Rock tại Moline đã dâng lên cao tới mức kỷ lục 16,53 feet (5,03m) vào hôm Chủ nhật 21-4-2013 (trong khi mức được coi là lũ ở 12 feet – 3,65m). Đỉnh lũ tệ hại lớn thứ hai đã xảy ra ngày 6-3-2008 khi mực nước dâng lên 16,38 feet.
Còn tại thành phố Chicago (bang Illinois), sau trận mưa dữ dội, nhiều khu vực đã bị ngập nước. Chiều 17-4, Thống đốc bang Pat Quinn đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Hạt Cook County. Nước lũ đặc biệt tệ hại ở vùng ngoại ô phía tây của Chicago.
Tại khu vực Quad Cities (gồm nhóm thành phố ven sông Mississippi nằm ở biên giới của hai bang Iowa và Illinois), nhiều con đường đã bị nước lũ nhận chìm sâu tới mức các cư dân phải dùng cano và thuyền đáy bằng để đi lại. Mức lũ trên sông Mississippi là 15 feet (4,5m), nhưng vào ngày 21-4 đã lên tới 19,13 feet (5,83m). Mực nước kỷ lục của sông này là 22,63 feet (6,89m) xảy ra năm 1993 – khi ấy Tổng thống Bill Clinton đã tới thị sát và đứng trên cầu I74 (ở xa lộ Interstate 74), không biết lúc đó Sir có tức cảnh sinh tình mà ngâm nga: “ôi nước chảy qua cầu! ôi nước chảy về đâu?”. Vào ngày 28-4-1965, mực nước sông Mississppi lên tới mức 22,48 feet.
Tại Grand Rapids (bang Michigan), nước lũ khiến nhà chức trách phải đóng cửa nhiều con đường. Cư dân thành phố lâm vào tình cảnh nước cống dâng lên, các vấn đề vệ sinh phát sinh, nước uống bị ô nhiễm. Đỉnh lũ xảy ra hôm 23-4-2013 và dự báo sẽ kéo dài tới hết cuối tuần, sau đó nước sẽ dồn về các hồ và sông bên ngoài, nhưng mực nước sẽ vẫn còn ở trên mức lũ – nghĩa là ở cao hơn các con đê chắn lũ bên trong thành phố Grand Rapids.
Thành phố này trong tuần qua nhận được lượng mưa tới 10 inch, mức bình quân hàng ngày là 2,3 inch, vượt qua mọi kỷ lục trước đây. Ngày 17-4-2013 có lượng mưa tới 3,3 inch (trong khi kỷ lục vào ngày 17-4 trước đó chỉ có 1,4 inch hồi năm 1939).
Con sông chảy qua Grand Rapids cũng dâng cao, đã đạt tới mức 21,8 feet (6,64m).
Michigan cũng đã bắt đầu công việc dọn dẹp, làm vệ sinh ở các nơi nước rút. Nhiều người tình nguyện đã đắp những bao cát để chuyển dòng chảy của nước lũ ra khỏi nhiều ngôi nhà và doanh nghiệp. Người dân Michigan vẫn có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc xảy ra hoạn nạn, thiên tai, thảm họa. Mà hình như cái truyền thống tốt đẹp này tồn tại trên khắp nước Mỹ góp phần hình thành một nhân văn Mỹ.
Tại thành phố Kokomo (bang Indiana), mưa lớn suốt 2 ngày liền với lượng mưa tới 10 inch – điều mà nhiều người mới trải qua lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua. Mực nước sông Wildcat Creek dâng cao tàn phá nhà cửa ven sông, nhận chìm Sea Shore và quậy cho những chiếc xe ôtô hết còn sửa chữa nổi nữa. Các khu vực gần con sông nhánh này – đặc biệt là những con đường trong thung lũng hay vùng thấp, đã bị chìm trong biển nước. Khoảng 10 giờ đêm thứ Bảy 20-4, sông Wildcat Creek dâng nước lên tới mức 18,69 feet (5,69m). Sở cứu hỏa và các tổ chức ở thành phố có nickname là City of Firsts (thành phố của những cái nhất) đã phân phát thực phẩm, quần áo và đồ dùng cho những nạn nhân bị mất hết tài sản cá nhân.
Tại thành phố Lafayette (bang Indiana), con sông Wabash hôm 23-4 vẫn còn dâng cao ở trên mức lũ tới hơn 7 feet. Hôm 20-4, mực nước sông đạt tới 25,61 feet (7,8m) – gần đạt mức lũ lịch sử. Tới ngày 22-4, mực nước sông là 18,6 feet (cao hơn mức lũ 7,6 feet). Mới mùa hè vừa rồi, con sông Wabash đã khô kiệt nước tới mức kỷ lục.
Ở các khu vực bị lũ thuộc vùng Trung Tây, các ngôi nhà có tầng hầm là bị thiệt hại nặng nhất vì nước tràn vào làm hư hỏng các vật dụng, tài sản trong đó. Việc dọn dẹp sau lũ ở tầng hầm cũng thiệt là chua.
Cho tới ngày 24-4-2013 nhà chức trách các địa phương ghi nhận được 4 người chết vì mưa lũ ở các bang Illinois, Missouri và Indiana.
Vùng Trung Tây Hoa Kỳ gồm 12 bang: Illinois, Indiana, Iowa, Kansas, Michigan, Minnesota, Missouri, Nebraska, North Dakota, Ohio, South Dakota, và Wisconsin. Đây là quê hương của các thổ dân da đỏ Mỹ (American Indian), trong đó có bộ tộc Sioux hùng mạnh nổi tiếng mà ta thường gặp trong các bộ phim cao bồi Viễn Tây.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 25-4-2013)
VIDEO CLIPS: