Chủ nhật ngày 06 tháng 10 năm 2024

Hơn 300 người chết trong vụ đổ sập nhà xưởng ở Bangladesh

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-04

Số người chết trong vụ sập tòa nhà xưởng 8 tầng ở Bangladesh tính tới nay đã vượt qua con số 300 nạn nhân, theo tin của hãng tin Mỹ AP đưa lúc 2g45ph chiều 26-4-2013 (giờ EDT Hoa Kỳ, tức 1g45ph sáng 27-4 theo giờ VN).

Cuối ngày 26-4 (theo giờ địa phương, sau VN một giờ), người phát ngôn quân đội Shahin Islam cho biết đã tiếp nhận được 304 thi thể nạn nhân. Số người bị thương rất đông, có tin nói là hơn 1.000 người.

Cho tới ngày hôm qua, hơn 2 ngày sau khi xảy ra tai nạn, các nỗ lực tìm cứu các nạn nhân bị kẹt trong đống đổ nát khổng lồ vẫn được tiến hành. Lực lượng cứu hộ làm cả ban đêm để chạy đua với thời gian. Chuẩn tướng Chowdhury Hasan Suhrawardy cho biết công việc tìm cứu sẽ tiếp tục ít nhất là trong ngày thứ Bảy 27-4, vì “chúng ta biết rằng con người có thể sống được tới 72 giờ trong tình trạng bị vùi lấp như thế này”.

Thực tế là trong ngày 26-4, một số nạn nhân vẫn còn sống – dù kiệt sức – khi được lôi ra từ đống đổ nát. Tại hiện trường nồng nặc mùi tử thi từ dưới đống gạch vụn – có nghĩa là số tử vong sẽ còn tiếp tục tăng lên. Trong thời gian đầu có những tiếng rên rỉ, kêu cứu từ dưới đống gạch vụn. Đêm 25-4, lực lượng cứu hộ phải cưa bàn tay phải của cô công nhân xưởng may 18 tuổi Mussamat Anna mới kéo được nạn nhân ra ngoài. Vào chiều tối 25-4, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được 40 người bị kẹt ở tầng 4 và sau đó đã cứu sống được toàn bộ nạn nhân trong tiếng vỗ tay của mọi người có mặt. Cho tới đêm 26-4, người ta đã tìm cứu được hơn 80 người. Khả năng sống sót của các nạn nhân bị kẹt giảm dần theo thời gian. Họ dễ bị mất nước, nhất là khi nhiệt độ ban ngày tới 35 độ C (95 độ F) và vào ban đêm khoảng 24 độ C (75 độ F).

Tòa nhà Rana Plaza ở Savar, 30km (20 mile) bên ngoài thủ đô Dhaka bị đổ sập vào lúc 9 giờ sáng (giờ địa phương, tức 03:00 GMT) ngày 24-4-2013. Tòa nhà này là nơi đặt 5 xưởng may gia công hàng xuất khẩu cho các hệ thống bán lẻ quốc tế của Mỹ và châu Âu (như Tesco, Wal-Mart, JC Penney, Kohl’s, Carrefour, Sears,…), 1 trung tâm mua sắm và 1 ngân hàng. Số lượng người làm việc trong tòa nhà này theo báo cáo có 3.122 người. Không rõ lúc xảy ra tai nạn có bao nhiêu người ở bên trong. Chuẩn tướng Mohammed Siddiqul Alam Shikder, người chỉ huy cuộc tìm cứu, cho biết có 2.200 người đã chạy thoát được.

Nhà chức trách cho biết tòa nhà Rana Plaza được xây dựng trái phép, không bảo đảm an toàn. Vào ngày trước khi xảy ra tai nạn, người ta đã phát hiện có những vết nứt nguy hiểm nơi tòa nhà và nhà cảnh sát đã khuyến cáo các hãng xưởng sơ tán công nhân. Video quay cảnh giám sát ngày 23-4 cho thấy cảnh sát đang làm việc với những người quản lý tòa nhà, hình ảnh những vết nứt được trám lại tạm thời và những cột nhà bị bong từng mảng bê tông. Sáng hôm sau, chỉ có ngân hàng là đóng cửa, còn toàn bộ các xưởng may đều hoạt động bình thường. Chủ các hãng nói rằng họ được chủ tòa nhà bảo đảm là mọi việc an toàn, có thể cho công nhân vào làm việc. Hậu quả là công nhân vào làm lúc 8 giờ sáng và tòa nhà bắt đầu đổ sập chỉ 1 giờ sau đó.

Đây là tai nạn thảm khốc nhất kể từ khi ngành may mặc xuất khẩu bùng nổ ở Bangladesh. Nữ Thủ tướng Sheikh Hasina đã ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ chủ tòa nhà và chủ các hãng xưởng thuê tòa nhà càng sớm càng tốt. Cơ quan công trình ở Savar cho biết tòa nhà Rana Plaza chỉ được phép xây 5 tầng, nhưng chủ nhân đã xây thêm 3 tầng nữa. Có tin nói rằng chủ nhân tòa nhà là Mohammed Sohel Rana, thủ lĩnh địa phương của mặt trận thanh niên thuộc đảng Awami League cầm quyền. Hai người thân của Rana đã bị cảnh sát tạm giữ để điều tra. Phải chăng đây lại là một vụ cậy thế, cậy quyền để trục lợi bất chấp sinh mạng của người lao động?

Với giá nhân công rẻ mạt, khoảng 37 – 38 USD/tháng (trên dưới 800.000 đồng), Bangladesh trở thành một nguồn gia công hàng may mặc hấp dẫn của các hệ thống bán lẻ nối tiếng nước ngoài. Nước Nam Á này hiện có ngành công nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc). Với tổng doanh số 20 tỷ USD, xuất khẩu hàng may mặc chiếm tới  80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD của Bangladesh.

Nhiều xưởng may nằm trong những ngôi nhà xây dựng trái phép có điều kiên an toàn lao động rất tồi tệ. Từ năm 2006 tới nay, tai nạn, cháy, sập,… đã làm chết hơn 300 công nhân may mặc. Hồi tháng 11-2012 có 2 vụ cháy xưởng may chết người đã xảy ra tại khu vực Dhakar. Trong đó nổi cộm là vụ cháy xưởng may thời trang Tazreen Fashions Factory gia công cho hai hệ thống bán lẻ nổi tiếng của Mỹ là Wal-Mart và Sears đã làm 112 người chết và ít nhất 200 người bị thương.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-4-2013)

 

+ PHOTO: Thêm nhiều nạn nhân được tìm thấy và cứu sống trong ngày 26-4-2013. Thêm một số thi thể cũng được đưa ra khỏi đống đổ nát. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-01

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-02

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-03

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-05

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-06

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-07

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-08

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-09

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-10

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-11

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-12

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-13

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-14

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-15

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-16

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-17

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-18

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-19

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-20

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-21

130426-bangladesh-building-collapse-aftermath-22

VIDEO CLIPS: