Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

e-CHÍP ơi, dù sao vẫn buồn mà…

060507-echip-phankebinh-01

Vậy là chuyện từng nghĩ tới cũng đã xảy ra. Tạp chí e-CHÍP ngày 21-6-2013 đã chính thức thông báo việc từ đầu tháng 7-2013 sẽ không tiếp tục phát hành dạng in hai tờ e-CHÍP – Tin học trong tầm tay (e-CHÍP màu) và e-CHÍP – Đọc xong vọc liền (e-CHÍP thứ Ba). Trong ba ấn phẩm hiện hành của e-CHÍP sẽ chỉ còn tồn tại tờ e-CHÍP M (e-CHÍP Mobile) tiếp tục được in.

Nguyên nhân của sự chia tay sạp báo của e-CHÍP cũng giống như cảnh ngộ của biết bao tờ báo khác ở Việt Nam lẫn trên thế giới đã và sắp lâm vào. Cái chính là yếu tố kinh tế, tòa soạn không còn có khả năng gồng gánh khi mà nguồn thu từ quảng cáo bị giảm quá mạnh.

Có thể nói rằng trên cả thế giới, hầu như chẳng có tờ báo nào sống nổi chỉ bằng tiền bán báo. Báo phải sống bằng nguồn thu quảng cáo. Nhưng báo công nghệ lại chịu nhiều thiệt thòi hơn các báo thời sự, tiêu dùng, thời trang, sắc đẹp, gia đình. Các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là máy tính, giờ đây có margin lợi nhuận rất slim, ít hơn rất nhiều so với các ngành hàng tiêu dùng, thời trang, sắc đẹp, nên ngân sách dành cho quảng cáo cũng hạn hẹp. Hàng công nghệ và máy tính lại không phải là thứ nhu yếu phẩm, không mua không được. Quảng cáo công nghệ bình thường đã ít hơn, khi lâm vào cơn suy thoái kinh tế lại càng hẻo hơn do hàng hóa ế ẩm, tiền đâu cho quảng cáo (mà thiệt tình thì có quảng cáo cũng đâu dễ bán được hàng khi sức mua của xã hội sụt giảm)! Chưa hết, giá quảng cáo trên báo công nghệ thường thấp hơn các loại báo thời sự và tiêu dùng, trong khi chi phí in ấn lại như nhau. Quả là thiệt đơn, thiệt kép!

Nhưng còn có nguyên nhân đại cồ bự là yếu tố xu thế thời đại khi mọi chuyện giờ đây đã được đưa lên Internet hết trọi rồi, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và tin học.

Anh Nguyễn Hữu Thiện, Tổng thư ký tòa soạn e-CHÍP, cho biết: “Chúng tôi chuyển từ e-CHÍP trên tay sang e-CHÍP trên mây và sẽ có những bước phát triển mới trong không gian mới, sẵn sàng cho một cuộc sống trực tuyến”.

Như vậy là e-CHÍP không phải mất đi mà là một sự chuyển đổi, một sự biến hình kiểu transformer từ trên giấy sang trên Internet. Tòa soạn đã chính thức hẹn gặp bạn đọc của mình trên e-CHÍP Online phiên bản mới với bản Beta ra mắt vào ngày 1-7-2013. Địa chỉ của e-CHÍP Online là www.echip.com.vn (đáng tiếc là cả hai domain www.echip.comwww.echip.vn đều do người khác sở hữu).

Cũng giống như các tờ báo công nghệ khác – đặc biệt là trong lĩnh vực IT, e-CHÍP có những bất lợi và thuận lợi đặc thù trong thời đại công nghệ cao. Bất lợi lớn nhất là bạn đọc đều là dân máy tính và đang theo xu hướng “tất cả đều có trên Internet”. Thuận lợi lớn nhất cũng là bạn đọc đều là dân máy tính, ai cũng có máy tính để lên Internet. Trong xu thế các loại hình và thiết bị công nghệ ngày càng xóa mờ và chồng lấn các lằn ranh phân biệt (gọi là hội tụ – convergence), bất lợi cũng chính là thuận lợi của các báo công nghệ là bạn đọc ai cũng có máy tính và các thiết bị khác như tablet, smartphone, cũng như quen với cuộc sống trên Internet. Ngày xưa khi trình độ IT trên mặt bằng chung của xã hội còn thấp và việc kết nối Internet có giới hạn, các thông tin và chia sẻ kỹ năng sử dụng phần mềm, phần cứng trên báo là bửu bối gối đầu giường. Còn bây giờ, cần bất cứ gì, người ta có thể tìm thấy trên Internet với những lợi thế không báo in nào có được (như tính tương tác, cập nhật, link trực tiếp,…) Thí dụ, đọc được một phần mềm lý thú do báo giới thiệu, ta phải ghi lại địa chỉ rồi tìm máy tính vào Internet kiếm để download về hay chạy ra các tiệm bán đĩa vi tính tìm mua. Còn trên Internet, nếu “kết model” cái gì thì có ngay các link để download, thậm chí có đủ các loại “thuốc” (crack, key, patch tình thương mến thương).

Vì vậy, việc e-CHÍP chuyển mình sang trang từ dạng in sang dạng điện tử là tất yếu. Nó phù hợp với xu thế thời đại và quy luật tiến hóa. Thực tế báo e-CHÍP chỉ là một tân binh trong đạo quân chuyển hình ngày càng đông này thôi. Cuối năm ngoái ở Singapore, khi gặp lại anh chàng tổng biên tập tạp chí HWM (Hardware Mag.) phiên bản Indonesia, tôi hỏi mấy ấn phẩm của ông giờ sao rồi? Anh nói chuyển hết lên Internet rồi, còn ông? Tôi cười: Cũng giống ông thôi mà!

Vậy là đúng vào năm thứ 10 của mình, tạp chí e-CHÍP lại làm một cuộc lột xác. Khoảng đầu quý 4-2002, anh Hữu Thiện và nhóm thân hữu, trong đó có anh Lê Hoàn, Đồng Phước Vinh và tôi đầu quân vào Công ty Phát triển Phần mềm VASC (sau này là Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC) do anh Nguyễn Anh Tuấn làm giám đốc. Lúc đó, công ty này đã gầy dựng được báo điện tử VietNamNet do anh Tuấn làm tổng biên tập. Chúng tôi về đây để cùng anh Tuấn thực hiện dự án ra một tờ báo tin học cho quảng đại công chúng. Vào thời điểm đó, ở Việt Nam chỉ có tờ PC World, chủ yếu dành cho dân chuyên nghiệp. Và anh em chúng tôi hăm hở tự cho mình cái sứ mạng “tin học hóa xã hội” (cũng có người gọi là “xã hội hóa tin học”) – cụ thể là phổ cập tin học cho cộng đồng người Việt.

Tờ e-CHÍP số 1 (lúc ấy gọi là tuần tin) phát hành vào ngày thứ Sáu 21-2-2003 tạo ra một cơn sóng trong làng công nghệ Việt bởi cái sự khác lạ từ hình thức tới nội dung của một tờ báo tin học kèm theo cái slogan rất “sốc” là “Tin học như cơm bình dân”. Số 1 còn thu hút dân mê tin học khi tặng kèm một đĩa CD chứa phần mềm và nhiều món hấp dẫn khác.

Phải mất mấy cuộc họp, nhóm thực hiện và nhóm cố vấn mới thống nhất được cái slogan “Tin học như cơm bình dân”. “Cơm bình dân” ở đây không hàm nghĩa là “rẻ tiền” mà là “phổ cập, dễ ăn, ai cũng có thể ăn được”. Sau này, trong lần một vị giáo sư Mỹ tới thăm trụ sở Công ty VASC ở Hà Nội, một bạn nữ du học từ Anh làm phiên dịch đã phải lúng túng khi dịch cái slogan này sang tiếng Anh. Khi được giải thích ý nghĩa, vị khách hàn lâm đó ồ lên rồi tự dịch “IT like hamburger”. Mấy năm sau, tình hình đã thay đổi, tin học đã được phổ cập, nhiều bạn đọc muốn e-CHÍP phải nâng tầm lên thành “cơm xá xíu”, “cơm Dương Châu”. Trong khi đó, thị trường công nghệ cũng chuyển lên level mới, high-end và thời trang hơn. Các bạn ở phòng kinh doanh báo rằng nhiều hãng công nghệ nói rằng họ không muốn quảng cáo sản phẩm công nghệ cao của mình trên e-CHÍP với cái slogan của một tờ báo bình dân. Tôi đã phải vắt chân lên trán mấy đêm, rụng thêm một mớ tóc mới tìm được slogan mới và thuyết phục được anh Tuấn chấp thuận. Từ đó, e-CHÍP có slogan “Tin học trong tầm tay” – xét về ý nghĩa thì không có gì khác với “Tin học như cơm bình dân”, nhưng cách thể hiện thì “hợp thời” và “sang” hơn.

Tôi là một người nặng duyên nợ với e-CHÍP. Ngôi nhà của tôi trên đường Nguyễn Tri Phương là nơi diễn ra những cuộc họp đầu tiên của nhóm sáng lập e-CHÍP. Từ nhiệm vụ một thư ký tòa soạn, tới giữa năm 2003, sau khi báo phát hành được vài tháng, tôi được anh em tín nhiệm đề cử và được anh Tuấn bổ nhiệm làm phó tổng biên tập phụ trách e-CHÍP. Tên của anh Tuấn (tổng biên tập) và của tôi (PTBT) có trên giấy phép thành lập tạp chí e-CHÍP do bộ cấp hẳn hòi như một vật chứng lịch sử. Vì vậy, e-CHÍP giống như một đứa con của tôi – đứa con báo chí xinh giai nhất trong những đứa con báo chí của tôi. Tôi đã cùng sinh ra nó, nuôi dưỡng nó rồi đau đáu dõi theo từng bước trưởng thành của nó. Chỉ mới 8 tháng sau khi ra đời, e-CHÍP đã được bộ cho phép tăng thêm một kỳ để có thêm tờ e-CHÍP Đọc xong vọc liền ra vào thứ Ba hàng tuần. Anh em chúng tôi quyết tâm không bao giờ để trở thành một gánh nặng cho VASC. Chỉ vài ba năm sau, e-CHÍP đã hoàn lại vốn đầu tư và bắt đầu có lãi, năm sau cao hơn năm trước. Trong 3 năm liền (2003, 2004 và 2005), Trung tâm e-CHÍP luôn là lá cờ đầu của VASC và được Tập đoàn VNPT trao cờ đơn vị thi đua xuất sắc của năm. Đó là công sức của một tập thể gắn bó với nhau như một gia đình, mà chúng tôi gọi là cái “chuồng gà e-CHÍP”. Đó là hoa quả của việc chúng tôi xác định và luôn kiên trì với sứ mạng của mình là đồng hành cùng bạn đọc và các doanh nghiệp CNTT. Tất cả cùng dựa vào nhau để cùng nhau phát triển. Trong cái “thời của mình”, tôi luôn cùng đàn gà e-CHÍP tâm đắc rằng: hãy chủ động và chân thành đến với mọi người bằng cả tấm lòng, mọi người cũng sẽ đáp lại với mình bằng cả tấm lòng.

Tất nhiên, cuộc đời vẫn là cuộc đời, có những thứ không phải lúc nào cũng như mình mong muốn. Đó là lý do tôi và hàng loạt anh em nòng cốt khác phải chia tay với e-CHÍP vào đầu năm 2008. Dường như nó ứng với cái điềm mà thuở đưa e-CHÍP ra chốn giang hồ võ lâm, anh em khoái ví mình như những hảo hán Lương Sơn Bạc – vốn có kết cục tan đàn xẻ nghé.

Tôi là một người đi trước, lại có nhiều điều kiện nghiêng ngó bốn phương tám hướng nên hiểu rằng: mặc dù chuyển sang online là phù hợp và là tất yếu, nhưng nó cũng là một thách thức cực kỳ lớn với tập thể e-CHÍP. Báo online không phải đơn giản là phiên bản điện tử của báo giấy. Nó có những đặc trưng riêng cả về công nghệ lẫn cách thể hiện. Và điều quan trọng nhất, cũng là nhạy cảm nhất, không phải báo online nào cũng có thể kiếm ra được nhiều tiền. Ở Việt Nam, hầu hết báo điện tử đều vẫn còn phải vật vã với bài toán cân đối thu chi.

Báo điện tử cũng phải sống bằng nguồn thu quảng cáo thôi. Bởi vậy, họ phải làm sao cho có thiệt nhiều người đọc để thu hút được quảng cáo. Người Việt Nam mình không có thói quen bỏ tiền ra để được đọc báo trên Internet đâu. Trong khi đó, có một số báo ở Mỹ, nhất là các thương hiệu lớn, vẫn bán phí đọc những bài viết hot, quan trọng trên website của mình. Họ chỉ cho coi free bản tóm tắt thôi. Nhưng người dân các nước phát triển đã được giáo dục từ nhỏ và coi là một văn hóa sống đối với việc bỏ tiền trả cho việc được phục vụ. Kinh nghiệm của tôi, các báo in khi chuyển sang dạng điện tử, mục tiêu trước tiên cứ phải là để cắt giảm chi phí và tăng độ phủ. Sau đó mới tính tới mục tiêu kinh doanh quảng cáo. Với thực tế ở Việt Nam, việc đầu tư có những tin bài hot, có giá trị chủ yếu là để thu hút người đọc chớ không phải để bán phí đọc báo.

Tôi hy vọng là những kinh nghiệm của anh Hữu Thiện trải nghiệm từ các báo điện tử như VietNamNet, Zing, VTC News sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản e-CHÍP Online. Nhưng cũng phải nhìn thấy rõ rằng trong lần thứ ba quay lại e-CHÍP này, “gà trưởng” Hữu Thiện có quá nhiều bất lợi và cả bất trắc. Chỗ dựa của anh là những người bạn cùng thời như khi e-CHÍP ra đời giờ không còn nữa. Ngay cả những “chiến hữu doanh nghiệp” của anh giờ hoặc nghỉ hưu, hoặc chuyển nghề hết ráo rồi. Là một người bạn lâu năm, từng cùng anh thăng trầm phiêu lưu ký qua nhiều vùng đất, chí ít cũng hiểu anh hơn 50%, tôi chỉ có thể cầu mong cho anh lần này thỏa được chừng 70% ước nguyện của mình, và đừng có như anh chàng cowboy Lucky Luke có khi bị tự bắn vào cái bóng của mình!

Cho dù e-CHÍP là báo in hay online, đối với tôi, nó vẫn là đứa con mà tôi yêu thương nhất trong đời làm báo của mình. Xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn cho tới nay vẫn giữ cho e-CHÍP được tồn tại. Cho dù ở bất cứ dạng thức nào, e-CHÍP vẫn cứ phải là e-CHÍP, đừng lẫn vào đâu thì mới có thể tồn tại và phát triển.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-6-2013)

phathanh echip

Tòa soạn e-CHIP những ngày đầu, năm 2003.

poster echip o sapbao luc moi ra doi

Poster giới thiệu e-CHÍP số ra mắt ngày 21-2-2003.

echip_server_hub_nhung ngay dau tien

Server của e-CHIP những ngày mới ra đời. Đây là phòng Network của tòa soạn sau này phát triển hoành tráng hơn.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Hội chợ triển lãm “Ngôi nhà Công nghệ thông tin” do e-CHÍP tổ chức hồi tháng 2-2004 nhân mừng thôi nôi e-CHÍP.

040221-echip-1year 

Ngày e-CHÍP tròn 1 tuổi.

040221-echip-1year-phphuoc

Tại “Ngôi nhà Công nghệ thông tin” do e-CHÍP tổ chức hồi tháng 2-2004 nhân mừng thôi nôi e-CHÍP.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Anh Lê Hoàn (đứng bên trái) và PHP trong sự kiện trao biểu tượng Hiệp sĩ CNTT năm 2005 tại Hà Nội. Người ngồi bên phải là Hiệp sĩ CNTT Công Hùng vừa qua đời.

060507-echip-phankebinh-01

Tờ tạp chí e-CHÍP khổng lồ tại tòa soạn đầu tiên ở 49 Phan Kế Bính, Q.1 năm 2006.

070621_php_echip05-2000

Ngày Nhà báo Việt Nam cuối cùng của PHP tại e-CHÍP (21-6-2007).

080201-echip-ict-awards-01

Lễ trao giải thưởng e-CHIP ICT Awards lần cuối cùng của tạp chí e-CHÍP 1-2-2008.

080201-echip-ict-awards-02

 

MỜI XEM VIDEO CLIP:

e-CHÍP thuở ban đầu.