Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Bữa nay sĩ tử tựu trường thi

 

Sáng nay, hơn 800.000 học sinh trên cả nước bước vào đợt 1 của cuộc tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2013. Ngày hôm qua, các bạn đã tới các điểm thi để làm thủ tục.

Năm nay, tuyển sinh cũng gồm 3 đợt (2 đợt thi đại học và 1 đợt thi cao đẳng). Trong đợt 1 (ngày 4-7 và 5-7); thi ba khối A, A1, và V; có 132 trường ĐH tổ chức thi. Đợt 2 (ngày 9-7 và 10-7) thi các khối B, C, và D; có 124 trường thi. Đợt 3 (ngày 15 và 16-7) thi cao đẳng tất cả các khối. Các trường đã bố trí 2.513 điểm thi, 58.083 phòng thi và huy động 166.337 lượt cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh.

Theo số liệu do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) công bố,  tổng hợp ba đợt thi toàn quốc có 2.031.903 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm khoảng 6% so với năm ngoái.

Sáng nay đi ngang qua các điểm thi, tôi chứng kiến cảnh “con thi trong lớp, mẹ thi vỉa hè”, rất đông phụ huynh tụ tập bên ngoài cổng hồi hộp chờ con em thi ra. Tôi chợt như nghe văng vẳng đâu đây câu hát ru ầu ơ ví dầu: “Khó đi mẹ dắt con đi. Con thi trường học, mẹ thi trường đời.” Áp lực thi cử không chỉ đè nặng trên các thí sinh mà còn đè bẹp cả các phụ huynh. Gánh nặng của 12 năm dùi mài kinh sử, gánh nặng của 12 năm tần tảo nuôi con ăn học, gánh nặng của tương lai.

Thi tuyển khó gấp bội thi tốt nghiệp nên khả năng “cá vượt vũ môn” thấp tủn. Theo những số liệu thống kê, “tỷ lệ chọi” đại học năm nay từ 1/1 tới 1/47 (ĐH Cần Thơ). Cụ thể, năm 2013, ĐH Cần Thơ có 73.109 hồ sơ đăng ký dự thi; trong khi chỉ tiêu tuyển 8.120 bậc đại học và 200 bậc cao đẳng. Nhìn chung năm nay, “tỷ lệ chọi” của tốp trên giảm, trong khi của tốp giữa tăng.

Quy luật muôn đời mang tính toàn cầu là số lọt được vào ngưỡng cửa ĐH và CĐ luôn chiếm rất ít so với số thí sinh. Có nghĩa là số bạn trẻ phải bước vào đời lập nghiệp không qua đào tạo đại học luôn là đại đa số. Nếu không thì xã hội chỉ toàn là thầy, lấy đâu ra thợ mà làm.

Suy cho cùng, từ lý luận cho tới thực tế, tương lai của các bạn trẻ không chỉ duy nhất đơn thuần là cánh cổng trường đại học. Nói thẳng, nói thiệt, không phải không vào được đại học là mất hết tương lai!

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây có biết bao điển hình cho sự thành công của những người không một mảnh bằng lận lưng. Nói cách nào đó, nếu như Bill Gates giống như phần đông các bạn cùng trang lứa không đứt gánh nửa chừng thì giờ đây nước Mỹ chỉ có một kỹ sư hay thậm chí một giáo sư Bill chớ đâu phải cả thế giới có được một ông chủ Microsoft thuộc nhóm tỷ phú giàu nhất hành tinh. Mà nè, tôi nói vậy không hàm ý ủng hộ chuyện bỏ học nửa chừng hay không học lên cao đâu nghen. Tri thức luôn là chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa trong cuộc sống con người quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi có điều kiện thì phải học cho tới khi nào không còn học được mới thôi. Thậm chí không có điều kiện thì phải xoay xở mọi cách để tìm điều kiện mà học hành, chỉ khi nào thiệt sự bó tay mới thôi. Không phải là những người không có bằng cấp mà thành đạt đều là những kẻ thất học đâu nghen. Để đạt được thành công, họ cần ý chí và sự may mắn. Nhưng để giữ cho thành công được vững bền, họ phải là những bậc thầy trong lĩnh vực của mình. Họ phải học dữ lắm, chỉ có điều là có thể không có bằng cấp mà thôi!

Cũng hỗng phải hễ có được bằng cấp là người ta có thể vênh vang, khinh rẻ người không có bằng cấp như mình. Người không có bằng cấp không hẳn đều là những người học vấn thấp kém. Người xưa dạy: cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Sách Luận Ngữ dẫn lời Đức Khổng Tử nói rằng: trong 2 người bất kỳ cùng đi trên đường với ông ắt có 1 người là thầy ông. Từ thời mới cắp sách tới trường, ta đã được dạy rằng: nhất tự vi sư, bán tự vi sư – chỉ cần dạy ta nửa chữ thì người đó cũng xứng đáng là thầy ta rồi. Suy ra, trong đời người, ta chỉ có thể dạy cho người khác trong một vài lĩnh vực chuyên môn của mình, nhưng phải học lại vô số người khác về những bài học để sống trên đời.

thihuong-01

Một trường thi Hương ngày xưa. Nguồn: Internet. Thanks.

Đi thi – thi gì cũng vậy – kết quả tùy thuộc 90% vào tài năng và 10% vào sự may mắn. Bởi vậy, ông bà ta mới đúc kết: học tài, thi phận. Bác Tú Trần Tế Xương văn hay chữ tốt đến như vậy mà phải sau 3 lần trượt vỏ chuối (các khoa thi năm 1886, 1888 và 1891), mãi tới lần lều chõng thứ 4 (năm 1894) mới đậu được tú tài (mà lại là “tú tài vớt” mới quê độ chớ). Sau đó ông còn kiên trì thi thêm 4 khoa nữa mà vẫn chẳng đậu nổi cử nhân. Nếu không thì bây giờ con cháu đã có đường tên Cử Xương chớ đâu phải là Tú Xương. “Chuyên gia thi rớt” này từng cay đắng viết rằng:

“Học đã sôi cơm, nhưng chửa chín,

Thi không ăn ớt thế mà cay!”

Nói về sự may mắn, tuy là một thực tế, nhưng cũng chỉ nên để an ủi khi mình thi rớt thôi. Cái cốt lõi là sĩ tử nào cũng phải sôi kinh, nấu sử cho thiệt nhừ, nắm thiệt vững kiến thức được thầy cô dạy. Hành sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nhưng nếu con người hỗng chủ động làm thì ông Trời dù có muốn giúp cũng chẳng biết phải làm gì!

Giống như cái ngữ của tôi mà bây giờ đi thi thì có nước chở về nhà cả ghe… chuối! Bởi vậy, tôi mới tự trào rằng:

Hôm nay sĩ tử tựu trường thi

Ta chẳng đi thi thấy cũng kỳ

Bụng đói rỗng không nào có chữ

Viết thì cứ viết, thi thì thi.

Sau khi thi xong, thay vì “kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau”, tôi chắc cú “kiệu em đi trước, võng chàng theo sau” cho nó hợp với cái thân phận bẩm sinh “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”.

Còn hôm nay, ta xin cầu chúc cho các sĩ tử thi thiệt tốt và thiệt may mắn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-7-2013)

MỜI ĐỌC THÊM:

Ngày đầu tiên thi đại học 4-7-2013.