Washington Post, que sera sera…
Với những tâm trạng đa dạng, cả giới công nghệ lẫn giới báo chí đều đang theo dõi vụ tờ báo đứng hàng thứ 7 của làng báo Mỹ và có 135 tuổi thâm niên Washington Post ngày 5-8-2013 đã được chủ nhân là Công ty Washington Post (Post Co.) bán lại cho nhà tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập của hệ thống thương mại điện tử Amazon. Và tất cả đều có một câu hỏi chung: tờ báo WaPo (một tên quen dùng để gọi Washington Post) “sẽ ra sao ngày mai”?
Không ít người trong làng báo thế giới còn kỳ vọng đây là một sự kiện đột phá có thể mở ra một “con đường máu” giải thoát làng báo in thế giới trước nguy cơ bị các loại hình truyền thông điện tử (Internet và truyền hình) xóa sổ. Vô tình, Bezos bị gán cho cái sứ mạng một vị cứu tinh (saviour).
Tội nghiệp chưa, tội nghiệp cho cả hai bên. Theo thiển ý của tôi, người ta sẽ chẳng bao giờ kỳ vọng như vậy nếu như chịu hiểu rõ căn nguyên bệnh tình của làng báo in thế giới. Cái làm cho họ bị thua lỗ, chịu đời không thấu, chẳng phải do họ kém tài – cả về nghiệp vụ báo chí lẫn kinh doanh, mà chính là thời đại. Các thương hiệu báo sẽ không bị mất đi và các nhà báo không hề bị thất nghiệp, chỉ có điều là tất cả phải chuyển sang một loại hình mới phù hợp với thời đại.
Đây đâu phải là lần đầu tiên loài người chuyển đổi hình thức thông tin trong quá trình tiến hóa của mình. Từ những tín hiệu bằng lửa, bằng khói, tới những ký hiệu trên đá, trên thực vật, trên kim loại, trên da rồi trên giấy để bây giờ chuyển sang các hình thái điện tử. Chẳng thể cưỡng lại xu thế thời đại đâu. Vấn đề có chăng là ở chỗ ai chuyển được, ai không chuyển được mà thôi.
Thiệt ra, như anh bạn nhà báo kỳ cựu Đoàn Khắc Xuyên “ngậm ngùi” kể rằng: “Cách đây mấy năm tui từng vào thăm chỗ này (tòa soạn WaPo) cũng như tòa soạn NYT kế bên Times Square. Lúc đó đã cảm thấy áp lực của thông tin mạng rồi, nhưng không nghĩ tình hình đi nhanh như vậy.” Từ lâu người ta đã dự báo được số phận của làng báo in rồi. Đã là quy luật thì chỉ còn liệu bề phục tùng sao cho nó êm ái nhẹ nhàng thôi. Có ngạc nhiên chăng và có thể cả nghẹn ngào cũng chẳng sao là cái thời điểm đó đã được rút ngắn bởi tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài dai như thịt trâu già.
Báo chí thật sự sống dựa vào thị trường (ở đây là kinh doanh tin tức – news business – không phải là dạng cơ quan thông tin tuyên truyền của chính quyền hay các cơ quan, doanh nghiệp được bảo chi cứ ung dung rung đùi mà tồn tại cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ). Hai nguồn thu chính của báo là quảng cáo và phát hành, trong đó quảng cáo là sống còn. Hễ cạn hai bầu sữa có đặc tính “bình thông nhau” đó thì báo chết. Mà cội nguồn của hai bầu sữa này lại là nền kinh tế chung. Kinh tế sa sút sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh ế ẩm phải cắt giảm ngân sách cho quảng cáo. Thu nhập giảm sẽ khiến người ta phải giảm khoản chi mua báo. Số lượng người đọc giảm sẽ khiến giá trị quảng cáo giảm theo. Vậy là báo tiêu đời!
Xin dẫn chứng bằng trường hợp tờ WaPo. Công ty Post Co. cho biết trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành báo chí của nó đã bị lỗ 49,3 triệu USD. Năm ngoái, nhóm báo Post, trong đó có Slate Media Group, công bố lỗ 53,7 triệu USD (năm trước lỗ 21,2 triệu USD). Doanh thu giảm 7% chỉ còn 581,7 triệu USD. Số liệu của trang Breitbart.com (4-5-2013) cho biết: số lượng phát hành của WaPo giảm hơn 7,2% (báo ngày) và 7,7% (số chủ nhật); trong khi doanh thu quảng cáo giảm 8%. Số lượng phát hành vào tháng 3-2013 chỉ còn 474.767 tờ/ngày. Nói tóm lại là “lão già bách niên” WaPo mấy năm nay càng ngày càng thêm thua lỗ nặng hơn.
Sở dĩ người ta kỳ vọng vào Bezos vì nhà tỷ phú 49 tuổi này được coi là một thiên tài về thương mại điện tử. Ông đã bán được sách in qua Internet trên trang web Amazon.com mà mình thành lập năm 1994 từ garage nhà ông và nhanh chóng trở thành “vua bán sách” qua mạng. Nhưng báo chí không phải là sách. Báo chí có tính định kỳ và tính thời gian. Sở dĩ hồi đó Bezos thành công trong việc kinh doanh sách qua mạng là vào thời đó Internet chưa được phổ cập để ai cũng có thể đọc ngay trên mạng, thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) hiếm hoi và cực đắt. Còn bây giờ là thời đại của truyền thông điện tử. Amazon cũng đã sản xuất dòng thiết bị đọc sách báo điện tử riêng là Kindle và là một trong những “ông trùm sách điện tử” (e-book).
Khó ai tin rằng Bezos với tài sản trị giá 25 tỷ USD đã bỏ tiền túi 250 triệu USD để mua tờ WaPo là để kinh doanh báo in. Trong một bài tới, tôi sẽ nói tới những cách Bezos có thể làm với tờ WaPo. Ngay trong ngày 5-8-2013 sau khi ông chủ Bezos mua tờ WaPo, ứng dụng Washington Post for Kindle (Ad-Free) đã thấy được chào bán trên hệ thống Amazon.com với giá 23,99 USD/tháng (miễn phí 14 ngày đầu). Ứng dụng đọc WaPo kèm quảng cáo đã được cung cấp miễn phí từ tháng 4-2012.
Khoản tiền 250 triệu USD bỏ ra mua tờ WaPo cứ coi như một thương vụ đầu tư mạo hiểm. Đó là cái giá của thương hiệu WaPo mà các thế hệ nhà Graham đã gầy dựng sau khi mua lại nó trong một cuộc bán đấu giá năm 1933, và phần nào cũng với cái thâm tình 15 năm bạn bè thân thiết giữa Bezos và Donald Graham, CEO của Công ty Post Co. Còn đối với nhà Graham, mặc dù trị giá thị trường trước đó của WaPo được định giá tới 4,2 tỷ USD, nhưng bán được với giá 250 triệu USD vẫn là quá hời rồi. Ngay cuối tuần trước, Công ty New York Times đã phải bán tờ Boston Globe cho John Henry, ông chủ của đội bóng chày nhà nghề Boston Red Sox, với giá 70 triệu USD (trong khi hồi năm 1993 đã phải mua nó với giá gần 1,1 tỷ USD). Càng chua hơn nữa vì trong thương vụ này, Times thực tế bị mất 40 triệu đồng do phải gánh thêm khoản lương hưu tới 110 triệu đồng. Ngay chính Công ty Post Co. hồi tháng 8-2010 đã bán tháo tờ tuần báo thời sự nổi tiếng Newsweek (ra đời năm 1933) cho nhà tỷ phú audio Sidney Harman với giá chỉ… 1 USD.
Tờ WaPo thất bại không phải vì kém năng lực, vì thế cũng không có chuyện ai đó tài giỏi hơn sẽ cứu được nó để tiếp tục tồn tại dưới dạng báo giấy truyền thống. Bezos chỉ là vị cứu tinh của WaPo với ý nghĩa là người có khả năng cung cấp tài chính cho quá trình chuyển đổi từ phát hành trên tay sang trên mạng.
Các bạn đồng nghiệp trong làng báo giấy trên toàn thế giới ơi, xin cũng đừng chờ đợi các nhà đầu tư mua lại những đầu báo để tiếp tục in chúng. Các nhà kinh doanh thức thời có đầu tư cho làng báo cũng là để Internet hóa chúng thôi. Các nhà đầu tư thành công bao giờ cũng phải là những người nhạy bén, thức thời và hiểu rõ quy luật.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 8-8-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks