Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Tôi đã dìa xứ Việt rồi nghen nước Mỹ!

FlagUSImmigration

 

Bi kịch là tôi không thể la lên bài hãi như vậy, và cũng chẳng thể trực tiếp cho biết mình đang ở Việt Nam, mà chỉ có thể chứng minh bằng giấy tờ qua bưu điện cho cơ quan xuất nhập cảnh Mỹ biết rằng tôi đã rời khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ trong thời hạn cho phép.

Hồi giữa tháng 5-2013, tôi sang Mỹ và nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor (PHX, bang Arizona). Trên chuyến bay của hãng hàng không Mỹ American Airlines, mấy cô tiếp viên thay vì phát cho tôi 2 form: khai báo xuất nhập cảnh (mẫu I-94) và tờ khai hải quan như mọi lần, chẳng biết sao chỉ đưa tôi có tờ khai hải quan. Theo quy định trước nay, người có quốc tịch hay thẻ xanh (thường trú nhân) mỗi khi trở lại Mỹ chỉ cần khai báo hải quan. Còn khách vãng lai (non-citizen) thì phải khai cả 2 mẫu. Vậy thì cứ suy diễn theo hướng tích cực đi, có lẽ các cô tiếp viên Mỹ này tưởng tôi là công dân xứ Cờ Huê giống như họ. Xin nói rõ là trong suốt chuyến bay gần 14 tiếng đồng hồ từ sân bay Narita (NRT) ở Tokyo (Nhật Bản) sang Phoenix, tôi luôn rất ngoan hiền, đâu có mần gì khiến các nàng… phải lòng!

Tôi thì tưởng rằng bây giờ Mỹ đã thay đổi quy định, không cần form I-94 nữa, đề phòng tình trạng khách làm rơi mất cái “đuôi” của tờ khai I-94. Cái sự tin tưởng đó càng được đổ thêm phụ gia bê tông cho vững mạnh khi tại sân bay Phoenix, nhân viên nhập cảnh chẳng hề hỏi han gì tới cái I-94 mà tôi không có (thiệt là mãi tới đêm qua mới biết làm gì mà có), anh chàng chỉ đóng mộc nhập cảnh có ghi thêm thời hạn được ở lại Hoa Kỳ vào ngay passport – điều mà trước đây chưa từng có. Tôi được phép ở lại 6 tháng, tới tháng 11-2013. Thế là tôi cứ tung tăng vô tư mà ngao du trên xứ Hoa Kỳ, chẳng bận tâm tới cái form I-94.

Tới chừng rời khỏi Mỹ, tôi được cô nhân viên check-in của hãng American Airlines tại sân bay Dallas/Fort Worth (DFW, bang Texas) hỏi có cái đuôi form I-94 không, tôi lắc đầu và chỉ vô passport có đóng dấu thời hạn được phép lưu trú. Rồi cũng gởi gió cho mây ngàn bay luôn cái sự I-94.

Theo quy định trước đó, khi nhập cảnh Hoa Kỳ, khách nước ngoài phải điền vào form I-94 gồm 2 phần Arrival và Departure, nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng (Customs and Border Protection, CBP) sẽ đóng dấu và xé cái phần Departure giao cho khách giữ. Trên phần Departure này có ghi rõ thời hạn được phép lưu trú. Tới khi rời nước Mỹ, khách phải đưa lại cái form I-94 Departure cho nhân viên CBP (nếu đi đường bộ) hay nhân viên check-in của hãng hàng không và hãng tàu biển mà mình đi. CBP hù rằng: nếu để mất hay không giao lại cái form Departure này, dữ liệu nhập cảnh của khách trong tàng thư của CBP sẽ không được clear, có nghĩa là khách vẫn còn ở lại nước Mỹ và có thể bị coi là ở quá thời hạn cho phép. Tới chừng đi xin lại visa mới hay quay trở lại Mỹ lần sau, khách nước ngoài có thể gặp rắc rối tại cửa khẩu vì có tên trong danh sách “những kẻ ở lỳ” và tệ nhất là có thể bị cấm vào Mỹ.

I-941

Form I-94 dành cho khách nước ngoài nhập cảnh Mỹ.

I-94A

Phần đuôi của form I-94 được giao cho khách nhập cảnh cất giữ.

Ngay từ lần đầu tiên qua Mỹ, tôi đã lăn tăn với ý nghĩ cái quy định nghiệt ngã và cách thực hiện lỏng lẻo này có nhiều nguy cơ cho khách nước ngoài. Chẳng hạn như cái form I-94 Departure bị nhân viên check-in của hãng vận chuyển làm thất lạc, bị mất trong quá trình chuyển giao cho CBP, bị nhân viên CBP cẩu thả làm mất hay bỏ sót,… Làm như ở các nước khác là chắc cú hơn, khi khách xuất cảnh, nhân viên ở cửa khẩu đóng dấu Departured lên passport và nhập vào hệ thống máy tính.

Ngộ cái kỳ đời à nghen. Mỹ chỉ quan tâm – và quan tâm một cách khắt khe tới khó chịu – khi khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Nhân viên CBP làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay thường hỏi tới hỏi lui, bắt khách phải trình những giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh và khả năng quay về (có vé khứ hồi). Theo luật của Mỹ (mà điều này có ghi rõ tại các cơ quan lãnh sự của Mỹ), việc xin được visa không hoàn toàn có nghĩa là khách nước ngoài có thể 100% được nhập cảnh Mỹ. Lý do là visa do Bộ Ngoại giao cấp, còn việc cho phép nhập cảnh (admission) lại thuộc thẩm quyền của Bộ An ninh Nội địa. Cho dù khách có visa, nhưng nếu không thuyết phục được nhân viên CBP ở cửa khẩu, bị họ coi là “cái mặt thấy ghét”, là có thể bị từ chối cho phép nhập cảnh. Nhân viên CBP chỉ cần đưa ra nguyên nhân: tui ngó thấy hắn ta có nguy cơ cho an ninh quốc gia hay có khả năng trốn ở lại Mỹ, là khách nước ngoài đời “đen như cái túi rác” (không dùng thành ngữ “đen như mõm chó” vì ở Mỹ, chó còn có giá hơn cả đàn ông). Khi xuất cảnh, khách nước ngoài nào “vô cùng khách sáo” có muốn tìm một nhân viên CBP nào để “bye-bye, see you” cũng khó thấy ai, không hề có cái màn đóng dấu Departured vào passport đâu. Cứ lặng lẽ mà về thôi nhé, Hoa Kỳ chẳng quởn vẫy tay chào đưa tiễn đâu!

Tôi về Việt Nam hồi đầu tháng 6-2013 và hơn một tháng sau thì cái nỗi ám ảnh I-94 bắt đầu hành hạ tôi. Số là trên kênh phim truyện Mỹ HBO có chiếu một bộ phim truyện có phần nói về cái nỗi gian nan, đoạn trường của những khách nước ngoài ở lại nước Mỹ quá hạn. Một cô gái Anh du học ở Mỹ thay vì phải về nước khi hết hạn visa đã nhẹ dạ nghe lời dụ khị của anh chàng người tình Mỹ ở nán lại vài ngày để hai người cùng đi du lịch hú hí với nhau (mùi còn hơn mít tố nữ nữa à nghen). Tới chừng quay trở lại Mỹ (Anh nằm trong số 36 nước và 1 vùng lãnh thổ tham gia chương trình miễn visa – Visa Waiver Program – của Hoa Kỳ), bay từ Anh vượt Đại Tây Dương sang tới Mỹ rồi, cô nàng bị nhân viên nhập cảnh từ chối cho vào Mỹ với lý do lần trước ở lại quá hạn. Chàng người tình đi đón, làm đủ trò cũng không xoay chuyển được tình thế. Cô nàng phải leo lên máy bay về Anh. Sau đó, chàng người Mỹ qua Anh làm đám cưới với cô gái, nhưng cô nàng vẫn bị nhân viên lãnh sự Mỹ từ chối cho phép vào Mỹ vì hồ sơ chưa được xóa. Hai vợ chồng trẻ và cả đống người phải vật vã ngược xuôi, làm nhiều thủ tục, kéo dài hết cả một bộ phim thì cuối cùng cô người Anh kia mới được theo chồng về Mỹ.

Coi xong bộ phim, tôi nhớ lại cái vụ form I-94 mà phát hoảng. Vụ mình sao đây? Tôi bèn chui vào website của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Saigon và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam để tham khảo. Nơi đây hướng dẫn rằng với những trường hợp bị mất hay quên giao lại hoặc không có form I-94 như tôi, khách nước ngoài phải làm thủ tục chứng minh mình đã rời khỏi nước Mỹ trước thời gian. Vậy là tôi phải viết một lá thư trình bày sự việc, kèm theo các boarding-pass của các chuyến bay đi khỏi Mỹ, photocopy passport và trang có cái mộc nhập cảnh Việt Nam hay một nước nào đó sau khi rời Mỹ, hóa đơn một lần xài thẻ credit card ở một nước nào đó sau khi rời Mỹ,… rồi gởi bưu điện sang Mỹ cho Văn phòng CBP tại bang Kentucky. Cô nhân viên bưu điện Quận 10 hỏi tôi gởi thường hay gởi nhanh, gởi thường 3 tuần tới tốn 62.000 đồng, còn gởi nhanh một tuần tới tốn hơn 1 triệu đồng. Dĩ nhiên tôi chọn option nào êm ái nhẹ nhàng nhất cho cái hầu bao thời kiệm ước. Và dù gởi thường, thực tế thư tới Mỹ chỉ mất có 9 ngày chớ không như lời cô nương kia hù dọa.

Nhưng cái số cầm tinh con thằn lằn của tôi cứ khoái trêu chọc mình. Đêm qua, trong khi thức chờ chuyến bay của một đối tác cực kỳ quan trọng tới Saigon vào lúc gần nửa khuya, tôi lang thang tới trang web của Cục CBP của Mỹ mới phát hiện rằng kể từ ngày 21-5-2013, CBP chính thức tự động hóa tất cả các form I-94 cho khách nước ngoài nhập cảnh bằng đường hàng không và hàng hải. Khách không cần tới cái form I-94 kia nữa, nhân viên CBP tại cửa khẩu sẽ đóng mộc ghi rõ thời hạn được phép lưu trú trên passport của khách. Khi khách rời khỏi nước Mỹ, CBP cũng tự động clear hồ sơ cho khách dựa trên dữ liệu chuyến bay của các hãng hàng không hay chuyến tàu của các hãng hàng hải. Trong thời gian lưu trú ở Mỹ, nếu cần chứng minh thời hạn mình được phép lưu trú (như nộp cho trường học, xin thi bằng lái xe, làm thủ tục an sinh xã hội, làm các thủ tục định cư,…), khách nước ngoài có thể vào website của CBP (www.cbp.gov/I94) để nhập các thông tin cần thiết và in giấy xác nhận lưu trú. Giàng ơi, nước Mỹ là “bá chủ võ lâm” khoa học kỹ thuật, công nghệ cao mà phải tới bây giờ mới hiện đại hóa cái vụ liên quan tới quá chừng người trên toàn cầu này sao ta?

phphuoc-visa-us-2012-2013b-clear

Kể từ ngày 26-4-2013, nhân viên CBP Mỹ đóng dấu thời hạn được phép lưu trú vào passport của khách nhập cảnh.

Thực tế là ngay từ ngày 26-4-2013, các cửa khẩu vào Mỹ đã bắt đầu áp dụng quy định mới. Và tôi đã được hưởng cái “lạc thú” thời công nghệ cao này khi sang Mỹ ngày 14-5-2013. Vậy mà làm tôi hết hồn và tốn công sức làm thủ tục clear dữ liệu của CBP! Thôi thì cứ tự an ủi mình: cầm tinh con thằn lằn nó là như vậy thì đành vậy! Kiếp này còn mớ thời gian ráng tu luyện để kiếp sau offer làm con kỳ nhông vừa làm ông của kỳ đà, vừa có thể đổi màu da tùy nơi tùy lúc một cách flexible hơn cho đời đỡ tủi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 31-8-2013)