Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

LANG THANG SAN FRANCISCO ĐẦU THU 2013: Tôi ăn gì, uống gì trong khách sạn 5 sao ở San Francisco?

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-033_resize

 

Nói chung thì ai thay lòng đổi dạ chớ tôi chưa bao giờ phụ (lòng) ai. Lần trở laị Mỹ này tôi vẫn kiên định living style như khi mới tới đây lần đầu, vẫn Việt – Mỹ hữu nghị, Mỹ – Việt giao hòa: ăn mì gói Việt và uống Coca Mỹ.

Các bạn “made in Vietnam” nào từng đi nước ngoài ắt hiểu hơn ai hết giá trị của hương vị mì gói quê nhà. Có lần một cô bạn đồng hành từ Saigon sang học master ở San Jose chở theo cả một kiện hàng 50 pound chứa toàn mì gói. Hôm đi từ Saigon sang Narita ngày 9-9-2013, chàng trai 22 tuổi tên Trai ở Bình Thạnh sang Houston học lấy MBA cũng cộ theo cơ man là mì gói. Mì ở nước ngoài vừa mắc, vừa không hạp khẩu vị.

Còn uống ư? Nếu ở Berlin, bia tươi rẻ hơn nước tinh khiết đóng chai, thì ở Mỹ, Coca Cola rẻ hơn nước đóng chai. Vậy thì theo bạn, tôi chọn loại đồ uống gì đây? Nước đóng chai ở Mỹ thì khó nói, chớ Coca do Mỹ sản xuất đậm đà hơn hẳn Coca “made in Vietnam”. Mà không chỉ có Coca, hầu như các sản phẩm nước ngoài sản xuất ở Việt Nam đều có chất lượng kém hơn hàng chính gốc. Có người giải thích là tiền nào của nấy và mỗi nơi có chuẩn riêng biệt. Riêng đối với những thứ có yếu tố nước (bia, nước ngọt,…), có thể còn tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước. Ngoài ra còn là chất lượng của nguyên vật liệu. Tất nhiên các hãng sẽ gân cổ lên mà cãi rằng họ tuân thủ chuẩn chất lượng toàn cầu, ở đâu cũng ngon, cũng tốt giống hệt nhau. Thực tế thì cho dù quy trình sản xuất có y chang nhau thì những yếu tố bản địa cũng không thể cho ra những sản phẩm đồng nhất giữa các nơi. Chuyện này thì tuyệt đại đa số người dùng vốn không có điều kiện đi nước ngoài hay không có hàng làm tại nước ngoài để đối chứng sẽ chẳng thể nhận ra. Mà có nhận ra thì cũng chẳng có lựa chọn nào khác hơn là vẫn phải xài nếu có nhu cầu!

Ngay ngày đầu tiên tới San Francisco, tôi đã vào siêu thị Walgreens trên đường Market Street thỉnh ngay một chai Coca Cola 2 lít về uống trong những ngày ở đây. Có lẽ để khuyến khích người tiêu dùng hạn chế tới mức thấp nhất dùng nhiều loại chai nhựa PET để đựng (vốn không có lợi cho môi trường, chủ yếu do có thời gian phân hủy rất lâu), các hãng Mỹ đưa ra mức giá chênh lệch tới mức người mua phải quyết định liền theo xu hướng chai càng lớn, giá càng rẻ hơn. Chai Coca 2 lít giá 1,99 USD, cộng thêm thuế bán lẻ 8,75% và thuế bang nữa thành 2,27 USD. Trong khi chai 591ml giá 1,79 USD. Hỏi tôi chọn chai nào đây?

Coca ở đây rẻ hơn nước đóng chai của những thương hiệu có tiếng, và bằng hay xấp xỉ giá nước đóng chai của những thương hiệu bình thường. Thí dụ như nước đóng chai Aquafina (thương hiệu có sản xuất ở Việt Nam) giá 1,79 USD cho chai loại 591ml; 1,99 USD chai 1 lít và 2,19 USD chai 1,5 lít.

Bia thì tùy thương hiệu mà có giá khác nhau. Một lốc 6 chai (six-pack) bia nhỏ giá từ 7,99 USD (loại Full Sail Anber) tới 10,99 USD (nhiều loại như Anchor Steam Beer, Big Daddy, Tallulah,…). Bia Heneiken giá 18,99 USD/lốc 12 chai.

Dạo này chuối rẻ hơn lần đầu tôi sang San Francisco tháng 9-2010. Lúc đó 2 quả chuối giá hơn 2 USD. Bây giờ, chuối già bán với giá 79 cent/quả, nếu mua 2 quả thì chỉ có 1 USD, và mua 4 quả giá 1,69 USD. Mỗi ly nho trái và trái cây xắt nhỏ (dưa hấu, đu đủ, lê, khóm,…) loại ly 142g giá 1,99 USD.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(San Francisco 10-9-2013)

ẢNH: PHP và chai Coca 2 lít. Nấu mì gói bằng máy pha cà phê trong khách sạn Hilton.

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-074_resize