Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Các bạn ta ở Mỹ bắt đầu ngủ muộn hơn, thức trễ hơn 1 giờ

usa-map-time-clock

 

Tới hẹn lại lên theo chu kỳ hàng năm, người Mỹ lại trở về với giờ chuẩn Standard Time – ST (hay còn gọi nôm na là giờ mùa đông). Vào lúc 2 giờ sáng Chủ nhật 3-11-2013 (lúc đó giác nửa khuya Chủ nhật hay đã qua ngày thứ Hai 4-11 ở Việt Nam), hầu hết nước Mỹ sẽ phải vặn ngược đồng hồ lui lại 1 tiếng đồng hồ, thành 1 giờ sáng. Từ nay, người Mỹ sẽ ngủ muộn hơn 1 tiếng và thức trễ hơn 1 tiếng đồng hồ so với hỗm rày.

Vậy là thời gian áp dụng giờ tiết kiệm ánh nắng Daylight Saving Time – DST (hay gọi là giờ mùa hè) của năm 2013 ở Mỹ đã kết thúc. Năm nay, vào lúc 2 giờ sáng ngày thứ Ba 10-3-2013, hầu hết nước Mỹ đã phải vặn đồng hồ nhanh hơn 1 tiếng đồng hồ, trở thành 3 giờ sáng.

Tại hầu hết tiểu bang của Mỹ (cũng như ở một số nước trên thế giới), một năm chia thành 2 thời gian có cách tính giờ khác nhau: DST kéo dài 8 tháng và ST trong 4 tháng. Việc thay đổi chuẩn thời gian này là để khai thác thực tế thời gian Trái đất được “phơi sáng” trước Mặt trời, chủ yếu nhằm tiết kiệm điện thắp sáng. Ở Việt Nam có câu tục ngữ dân gian “tháng năm chưa nằm đã sáng, tháng mười chưa cười đã tối” để chỉ hiện tượng thiên nhiên “ngày dài đêm ngắn” và “ngày ngắn đêm dài” này. Trong mùa hè ở Mỹ, có những nơi những lúc tới 8-9 giờ đêm vẫn còn… nắng. Hồi giữa tháng 5-2013, khi ở thành phố Phoenix (bang Arizona), tôi được hãng Intel mời đi coi trận đấu baseball giữa đội chủ nhà Arizona Diamondbacks với đội khách Atlanta Braves. Sân Chase Field ngoài trời của đội AD vào lúc hơn 7 giờ tối vẫn sáng trưng.

130514-phphuoc-phoenix-intel-isef-baseball-33_resize

 

Trên sân baseball Chase Field tại Phoenix (Arizona) tháng 5-2013, gần 7 giờ tối mà trời vẫn sáng trưng.

Như tên gọi của mình, Daylight Saving Time được áp dụng chủ yếu để tiết kiệm chi phí năng lượng thắp sáng. Các nghiên cứu do Bộ Giao thông Mỹ thực hiện hồi thập niên 1970 cho biết với DST, mỗi ngày nước Mỹ tiết kiệm được khoảng 1% mức sử dụng điện năng. Trong thời kỳ Washington cấm vận dầu lửa năm 1973, nhờ có DST mà nước Mỹ đã tiết kiệm được số năng lượng tương đương 10.000 thùng dầu lửa mỗi ngày.

Tư liệu lịch sử ghi rằng: khi đại diện nước Mỹ đi phó hội ở Paris (Pháp) năm 1784, ngài Benjamin Franklin (nhân vật lịch sử Mỹ mà tôi mê nhất vì khoái được nhìn thấy dung nhan ngài càng nhiều càng tốt trên những tờ giấy bạc 100 USD) đã đề xuất cái vụ Daylight Saving Time. Nhưng ý tưởng này không được quan tâm ngay ở Mỹ cho tới khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, lúc đó nó được coi như một nỗ lực để tiết kiệm chi phí thắp sáng nhân tạo. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, DST lại được áp dụng.

Sau thời chiến đó, mỗi tiểu bang muốn chọn thời điểm nào để áp dụng DST trong năm thì tùy hỉ. Chuyện này gây nhiều lúng túng, nhất là đối với những người thường phải đi lại giữa các bang, cũng như với giới báo chí thời sự. Năm 1966, Mỹ ban hành đạo luật Thời gian Đồng nhất (Uniform Time Act) đưa ra bộ khung cơ bản cho hai chuẩn thời gian DST và ST. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ thỉnh thoảng lại “xía vô” thay đổi nó theo tình hình năng lượng lúc đó. Chẳng hạn như năm 1973, DST được áp dụng trọn năm. Nó được kéo dài tới 10 tháng vào năm 1974 và 8 tháng năm 1975, rồi trở lại 7 tháng bình thường vào năm 1976 khi cuộc khủng hoảng năng lượng kết thúc. Tới năm 1986, Quốc hội công bố DST sẽ đươc bắt đầu từ 2 giờ sáng ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 4 và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 10. Ngày 8-8-2005, Tổng thống George W. Bush (Bush “con”) đã ký ban hành Luật Chính sách năng lượng (Energy Policy Act of 2005) do Quốc hội thông qua kéo dài thời gian áp dụng DST thêm 4 tuần kể từ năm 2007. Tới năm 2007, Quốc hội lại bỏ phiếu thông qua quy định kết thúc DST vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 11 mà Mỹ áp dụng cho tới nay.

Sở dĩ tôi nó hầu hết nước Mỹ phải chỉnh lại đồng hồ vì có một số ít bang và vùng lãnh thổ thuộc Mỹ không áp dụng DST gồm bang hải đảo Hawaii, American Samoa, Guam, Puerto Rico, quần đảo Virgin Islands, quần đảo Commonwealth of Northern Mariana Islands và bang sa mạc Arizona. Có một điều “đúng là tự do kiểu Mỹ”, trong khi bang Arizona không áp dụng DST, khu vực Navajo Nation của bang này lại áp dụng DST và khu bảo tồn người da đỏ Hopi Reservation nằm lọt thỏm trong Navajo Nation thì không dùng giờ DST này. Người ta hóm hỉnh gọi đây là “cái lỗ bánh rán” (doughnut hole) về thời gian ngay giữa bang Arizona bao la nắng và mênh mông cát sa mạc.

Còn ở Liên minh châu Âu (EU), giờ mùa hè (Summer Time) bắt đầu từ lúc 1:00 AM (theo giời GMT – Greenwich Mean Time vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và kết thúc vào giờ đó ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 10. Dân Âu thể hiện sự thống nhất cao độ là tất cả các múi giờ đều thay đổi cùng một lúc với nhau, hỗng có kẻ trước người sau với lý lẽ dựa theo múi giờ của địa phương mình.

Ở Nam Bán cầu (Southern Hemisphere), trong đó có nước Úc, do mùa hè và mùa đông đảo ngược với ở Bắc Bán cầu (Northern Hemisphere), các nước chuyển sang giờ DST trong khi Mỹ và châu Âu xài giờ ST. Mỹ đang mùa đông thì Úc là mùa hè. Năm 2013 này, giờ ST bắt đầu từ ngày Chủ nhật 7-4 và giờ DST đã được áp dụng từ ngày Chủ nhật 6-10.

Gần đây có một số nghiên cứu mới ở Mỹ cho rằng DST thực tế không còn có giá trị tiết kiệm năng lượng như hồi ban đầu. Thay vào đó, chúng cho thấy càng đi ngủ sớm chừng nào càng tiết kiệm được nhiều điện bấy nhiêu. Có nghĩa là càng dụ người ta đi ngủ sớm và dậy trễ chừng nào, càng tiết kiệm điện nhiều chừng nấy. Bởi lẽ, chỉ khi đi ngủ, người ta mới chịu tắt đèn, tắt tivi và những thiết bị gia dụng khác. Theo tính toán, trong một ngôi nhà trung bình, có tới 25% năng lượng điện được sử dụng cho cái vụ thắp sáng và xài những loại thiết bị nhỏ như TV, đầu máy,…

Do thay đổi khác bình thường (sớm hơn hay trễ hơn) 1 giờ, người ta khó tránh khỏi chập cheng trong thời gian đầu. Giống hệt như ta từ Saigon bay sang Singapore cách 1 múi giờ để chơi vậy đó.

Nói thiệt, tôi mà đang ở Mỹ thì mỗi năm sẽ có được 2 thời vụ mần ăn kiếm tiền là đi làm dịch vụ vặn đồng hồ thuê cho bà con. Đừng tưởng dễ ăn à nghen. Cái nghề này cũng nguy hiểm lắm đó, phải bảo hiểm sinh mạng nữa kìa, vì đồng hồ trong nhà thường treo trên tường, phải bắc thang, bắc ghế leo lên chớ. Rồi vặn kim nhiều cũng bị mòn… tay nữa chớ bộ!

Nhưng chắc chắn là tôi sẽ không kiếm được xu nào từ ông thầy thời trung học của mình Trịnh Đình Loạt định cư tại San Jose (bắc California). Để khỏi mất công mỗi năm 2 lần hành xác cái thân già đã được xã hội cho retired, thầy gắn 2 cái đồng hồ treo tường, ở cửa ra vào là giờ chuẩn ST, còn ở bên trong, chỗ nhà bếp là giờ DST. Lần tới thăm thầy cô hồi tháng 9-2011, tôi đùa: Vậy là nhà thầy có một quy luật: mùa ST 4 tháng nhìn đồng hồ cửa, mùa DST 8 tháng ngó đồng hồ bếp. Tôi hỏi thầy câu hỏi mà ngay lập tức biết là thừa: “Có khi nào thầy cô và người nhà bị lộn giờ không?” Bởi không có khi nào ngó lộn đồng hồ mới là chuyện lạ!

110917_thkt_trinhdinhloat_sanjose_2-clocks 

Hai chiéc đồng hồ trong nhà thầy Trịnh Đình Loạt ở San Jose: cái trên cửa chỉ giờ ST, cái ở bếp chỉ giờ DST. Ảnh chụp tháng 9-2011.

Trong năm 2014, giờ DST sẽ bắt đầu từ 2:00 AM ngày Chủ nhật 9-3 và giờ ST sẽ quay lại vào 2:00 AM ngày Chủ nhật 2-11.

Còn bây giờ thì: bớ các bạn tôi ở bên kia Thái Bình Dương ơi, chỉnh đồng hồ lại sớm hơn 1 giờ nghen!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-11-2013)