Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Nelson Mandela – người truyền cảm hứng cho những ai muốn thế giới tốt đẹp hơn

nelson-mandela-children-131206

 

Người ta gọi Nelson Mandela là một nhân vật huyền thoại châu Phi chứ không phải là “của châu Phi”, vì ông là một nhân vật của cả thế giới – một trong những người hùng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ngay cả đối với những người không quan tâm tới vấn đề chính trị, ông Mandela vẫn được coi là một biểu tượng cho phong trào đấu tranh vì nhân quyền và là người truyền cảm hứng cho những ai muốn thế giới tốt đẹp hơn.

Liên Hiệp Quốc vào tháng 11-2009 đã công bố chọn ngày 18-7 (ngày sinh của ông Mandela) làm ngày Quốc tế Nelson Mandela International Day (hay ngắn gọn là ngày Mandela Day) hàng năm, kể từ năm 2010. Mục đích của sự kiện này là để cổ vũ và truyền cảm hứng cho mọi người hành động nhằm giúp thay đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhân sinh nhật thứ 95 của ông Mandela hôm 18-7-2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thúc giục mọi người vinh danh huyền thoại châu Phi này “thông qua các hành động cá nhân và tập thể phục vụ cộng đồng”. Ông nói: “Trong suốt cuộc đời của chúng ta, bằng việc noi gương ông ấy, chúng ta có thể vinh danh người đã cho dân tộc mình và cả thế giới thấy con đường đi tới công lý, bình đẳng và tự do.”

Trong số hơn 250 giải thưởng của thế giới mà ông Mandela được trao tặng trong cuộc đời hoạt động của mình, có ý nghĩa nhất vẫn là Giải Nobel Hòa bình năm 1993 mà ông cùng chung nhận với Tổng thống Nam Phi da trắng hồi đó là Frederik Willem de Klerk. Hai kẻ đối đầu này cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung để thúc đẩy sự chấm dứt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid khét tiếng mà người da trắng áp đặt lên người da đen ở Nam Phi suốt từ năm 1948 tới 1994. Ông de Klerk là tổng thống da trắng cuối cùng của chế độ apartheid và ông Mandela là tổng thống da đen đầu tiên của một đất nước Nam Phi dân chủ.

Do lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid, ông Mandela bị chế độ này bỏ tù suốt 27 năm. Năm 1990, ông được trả tự do và trở thành nhà lãnh đạo của một Nam Phi mới sau cuộc tổng tuyển cử lịch sử năm 1994.

Trong số vô vàn những tấm ảnh mà thế giới chụp ông Mandela, tôi chỉ tâm đắc nhất với những hình ảnh ông giơ tay lên cao với bàn tay nắm chặt hay mở rộng. Nắm đấm là của một anh hùng dân tộc dành cho những cái xấu và những kẻ thù của dân tộc mình. Bàn tay mở rộng là của một người cha dân tộc dành cho tất cả mọi người.

nelson-mandela2

nelson_mandela-

Bây giờ, chúng ta cùng đi ngược dòng lịch sử về tới ngày 18-7-1918, lúc cậu bé Nelson Rolihlahla Mandela cất tiếng khóc chào đời tại Transkei (Nam Phi). Lớn lên, Mandela trở thành một luật sư có tiếng tăm tốt nghiệp từ trường cao đẳng University College of Fort Hare và đại học University of Witwatersrand.

Ông Mandela bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình vào năm 1944 khi gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress – ANC) và tham gia phong trào chống chính sách phân biệt chủng tộc của nhà cầm quyền hồi năm 1948. Tháng 6-1961, ban lãnh đạo ANC chấp thuận ý tưởng của Mandela là sử dụng các phương thức bạo lực cách mạng và khuyến khích các thành viên tham gia chiến dịch của ông. Không lâu sau đó, ông thành lập Umkhonto we Sizwe, cánh vũ trang của ANC và lãnh đạo nó.

Năm 1962, Mandela bị bắt và bị truy tố tội phá hoại và một số tội danh khác, lãnh án 5 năm tù khổ sai. Năm sau đó, Mandela bị đưa ra tòa lần nữa cùng với nhiều thành viên của Umkhonto we Sizwe bị truy tố về tội chống lại chính quyền và âm mưu lật đổ chính quyền bằng bạo lực. Vào ngày 12-6-1964, ông cùng 7 bị cáo khác lãnh án tù chung thân.

Vốn là một luật sư tài ba, Mandela đã hùng hồn tự bào chữa cho mình. Lịch sử đã ghi lại những lời bào chữa mà ông nói trước tòa án: “Trong suốt đời mình, tôi hiến dâng mình cho cuộc đấu tranh của người dân châu Phi. Tôi chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng cũng như của người da đen. Tôi khao khát lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do mà trong đó tất cả mọi người sống với nhau trong sự hòa thuận và với những cơ hội bình đẳng. Đó là một lý tưởng mà tôi kỳ vọng để sống cho nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, đó là một lý tưởng mà tôi sẵn sàng chết cho nó.”

Ông Mandela đã trải qua 27 năm tù, trong đó hầu hết thời gian là chịu án ở nhà tù khét tiếng Robben Island Prison ngoài khơi Cape Town. Trong thời gian ở tù, uy tín của Mandela ngày càng gia tăng và ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới như một nhà lãnh đạo da đen kiên cường ở Nam Phi. Mandela đã trở thành một biểu tượng đấu tranh nổi bật nhất khi phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phát triển ở Nam Phi và trên khắp thế giới. Trong nhà tù trên đảo này, ông và các tù nhân khác phải lao động trong một mỏ đá vôi. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hành hạ ông và các tù nhân da đen. Họ chỉ nhận được khẩu phần ăn ít nhất. Ông Mandela chỉ được phép tiếp 1 khách thăm mỗi năm và nhận 1 lá thư mỗi… 6 tháng.

Tháng 2-1985, Tổng thống Nam Phi hồi đó là P.W. Botha đề nghị sẽ trả tự do cho ông Mandela nếu như ông từ bỏ vô điều kiện việc sử dụng bạo lực như một vũ khí chính trị. Dĩ nhiên là ông đã từ chối. Trong một lá thư gửi qua con gái mình, ông Mandela viết: “Loại tự do gì mà tôi đang được đề nghị trong khi tổ chức của nhân dân tôi vẫn còn bị cấm đoán? Chỉ có những người tự do mới có thể thương thuyết. Một tù nhân thì không thể có những giao kèo.” Năm1988, Mandela được chuyển tới nhà tù Victor Verster và ở đó tới khi được thả 2 năm sau đó.

Trong suốt thời gian giam cầm ông Mandela, nhà cầm quyền Nam Phi đã chịu nhiều sức ép từ trong nước tới cộng đồng quốc tế yêu cầu thả ông ra. Câu khẩu hiệu “Tự do cho Nelson Mandela” (Free Nelson Mandela) đã trở thành lời hô chiến đấu mới của những người vận động chống chủ nghĩa apartheid. Cuối cùng người hùng châu Phi đã được trả tự do ngày 11-2-1990. Sự kiện chấn động này đã được trực tiếp truyền hình khắp thế giới.

Sau khi được tự do, ông Mandela trở lại làm việc, nỗ lực đạt cho được các mục tiêu mà ông và các đồng đội của mình đấu tranh từ 4 thập niên trước. Và một sự kiện lịch sử nữa – năm 1991, đại hội toàn quốc của đảng ANC đã được tổ chức ngay tại Nam Phi lần đầu tiên kể từ khi đảng này bị cấm hoạt động năm 1960.

Ông Mandela đã được bầu làm Chủ tịch đảng ANC, trong khi người bạn thân Oliver Tambo của ông trở thành chủ tịch quốc gia của tổ chức này. Những nỗ lực và thành quả của ông Mandela trong việc lãnh đạo phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid, cũng như mối quan hệ của ông với Tổng thống Nam Phi hồi đó là F.W. de Klerk, một người da trắng, đã được quốc tế công nhận khi họ cùng chung nhau nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1993. Cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc đầu tiên của Nam Phi đã diễn ra ngày 27-4-1994 với chiến thắng vang dội của ANC (chiếm 62% số phiếu) và ông Mandela trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước này.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình (từ tháng 5-1994 tới tháng 6-1999), ông Mandela đã lãnh đạo việc chuyển đổi bộ máy cầm quyền từ chủ nghĩa apartheid sang một nhà nước dân chủ, giành được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế cho sự xả thân vì đất nước của ông.

Cuộc sống cá nhân của ông Mandela có nhiều sóng gió, đặc biệt là đời sống tình cảm rất phong phú cũng gây cho ông lắm khổ đau. Có lẽ thừa hưởng cái gien của người cha có tới 4 bà vợ (mẹ ông là bà thứ 3), ông cũng phải lần lượt trải qua 3 cuộc hôn nhân mà hai lần đầu lắm phong ba bão táp, ngoài ra còn bị cho là có thêm những mối tình “ngoài biên chế”. Nhưng có hề chi, ông không phải là Thánh và cũng chỉ là một người đàn ông.

Điều làm ông Mandela trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại là sự xả thân toàn tâm toàn ý của ông dành cho dân tộc mình. Điều làm ông Mandela trở thành một nhà cách mạng huyền thoại là sự kiên định đấu tranh cho lý tưởng vì một xã hội dân chủ, tự do, bình đẳng và nhân quyền. Điều làm ông Mandela được coi là một người hùng dân tộc là sự vững vàng và chấp nhận hy sinh cho cuộc đấu tranh chính nghĩa. Điều làm ông Mandela trở thành một nhân cách vĩ đại của thế giới là ở tình yêu thương con người và sự tha thứ cho kẻ thù của mình.

Trong các hồi ức về thời gian ở tù của mình, ông Mandela viết rằng cho dù sau quá nhiều năm ở trong nhà tù của quỷ Satan trên đảo Robben, ông vẫn còn có niềm tin vào bản chất con người. Trong cuốn hồi ký “Long Walk to Freedom” (Cuộc hành trình dài tới tự do), ông viết: “Không ai sinh ra để căm thù người khác bởi vì màu da hay nền tảng hay tôn giáo của người đó. Mọi người phải học cách để căm thù, và nếu như họ có thể học cách để căm thù, họ có thể được dạy để yêu thương, vì tình yêu tới trái tim con người một cách tự nhiên hơn là ngược lại.”

Người dân Nam Phi yêu ông Mandela có lẽ nhiều hơn bất cứ người anh hùng dân tộc nào của họ. Họ trìu mến gọi ông bằng cái tên Madiba của bộ tộc Xhosa của ông hay kính yêu gọi ông là “Tata” (cha) với ý nghĩ ông là “người cha của dân tộc”. Chỉ nội bấy nhiêu cũng để ông Mandela quên đi mọi đau thương của cuộc đời để mà an nghỉ trong vòng tay của Thiên chúa và sự tiếc thương của cả dân tộc.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-12-2013)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.