Chủ nhật ngày 06 tháng 10 năm 2024

Hai tấm ảnh chân dung cuối cùng với 2 cung bậc tình cảm khác nhau của ông Mandela

IMG-20131023-WA000.jpeg

 

Khi chụp tấm ảnh này vào một buổi chiều thứ Bảy hồi thượng tuần tháng 5-2013, cha của cậu bé 3 tuổi Lewanika – chắt của ông Nelson Mandela có linh cảm đây là cơ hội cuối cùng để có được hình ảnh ông nội và con trai của mình vui đùa bên nhau.

Lúc đó ông Mandela đang ngồi trên ghế salon trong phòng khách nhà mình tại Houghton (Johannesburg) xem kênh National Geographic trên truyền hình thì nhìn thấy nhóc Lewanika, ông gọi cháu: “Lại đây, lại đây.” Nhóc Lewanika leo lên ngồi cạnh ông cố – người mà nó vẫn gọi là “Baba”. Hai ông cháu ôm lấy nhau. Nhìn ánh mắt và vẻ mặt của Mandela đủ biết ông yêu thương cháu mình tới chừng nào.

Chỉ chừng một tháng sau, hôm 8-6, ông Mandela đã được đưa vào bệnh viện ở Pretoria do nhiễm trùng phổi nghiêm trọng. Lúc đó, người ta từng nghĩ tới việc chuẩn bị cho lễ tang ông.

Cha của cậu bé là Ndaba Mandela, 30 tuổi, Chủ tịch của Quỹ Nổi lên châu Phi (Africa Rising Foundation) chuyên về phát triển kinh tế của giới trẻ Nam Phi. Gia đình anh sống chung ngôi nhà của ông Mandela – nơi huyền thoại châu Phi trút hơi thở cuối cùng lúc 22g50ph đêm 5-12-2013. Ndaba là con của con trai thứ của ông Mandela – Makgatho Lewanika Mandela, người mất năm 2005 vì bệnh AIDS.

Ndaba nói rằng: “Chúng tôi rất tự hào đã có thể lưu giữ được cái khoảnh khắc đặc biệt này và hân hạnh được công bố nó với thế giới.”  Anh nói thêm: “Một ngày nào đó tôi sẽ kể với con trai mình về ông cố nổi tiếng của nó và tấm ảnh này sẽ rất đặc biệt đối với nó, là kho báu đối với nó khi nó đủ lớn khôn để hiểu biết.”

Zindzi, 53 tuổi, con gái của ông Mandela và bà Winnie, cho biết cha mình rất thích có những con cháu nhỏ tuổi ở chung quanh mình. Khi mới được trả tự do sau 27 năm ở trong nhà tù của chế độ phân biệt chủng tộc Pretoria, ông Mandela đã năn nỉ con gái Zindzi thôi cho con trai cô bú sữa mẹ để ông có thể đưa nó vào phòng ngủ cùng mình và tự tay ông cho cháu bú sữa và chăm sóc nó mỗi đêm. Zindzi nhớ lại: “Cha tôi luôn rạng rỡ và tươi cười bất cứ khi nào có những đứa trẻ chung quanh mình. Ông cho phép chúng leo trèo lên khắp người mình.”

Đó là một tấm ảnh gia đình mà ông Mandela tuy đang bệnh thập tử nhất sinh vẫn tươi cười và thật hạnh phúc bên cháu chắt mình.

Còn một tấm ảnh nữa cũng được giới thiệu là tấm ảnh chân dung cuối cùng của ông Mandela được chụp tại nhà ông ở Johannesburg ngày 29-4-2013, tức 3 tuần sau khi ông xuất viện.

Nelson_mandela_Jacob_Zuma_LATEST.jpg

Lúc chụp ảnh ông Mandela ngồi trên chiếc ghế salon trong phòng khách bên cạnh đương kim Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Đứng phía sau là vợ chồng Cyril Ramaphosa, một người hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là bạn chiến đấu của ông Mandela.

Trong ảnh, Tổng thống Zuma ngồi ngó ống kính máy ảnh, tạo dáng để chụp ảnh. Còn ông Mandela với vẻ mặt xanh xao, mệt mỏi, hững hờ nhìn máy ảnh đầy miễn cưỡng.

Khi tấm ảnh này được công bố hồi đó, Tổng thống Zuma đã bị chỉ trích vì cho rằng ông lợi dụng tình trạng sức khỏe của vị “cha già dân tộc” để đánh bóng “hình ảnh chính trị” của mình.

Đây là hai tấm ảnh chụp cách nhau chừng 1 tuần, và 6 tháng trước khi ông Mandela ra đi. Và bất luận mục đích chụp làm gì, chúng đã trở thành những tư liệu lịch sử quý giá của nhà cách mạng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc – người mà trong khi cón sống vẫn được Liên Hiệp Quốc tôn vinh bằng cách lấy ngày sinh 18-7 của ông làm Ngày Quốc tế Nelson Mandela (Mandela Day) để cổ vũ và truyền cảm hứng cho mọi người hành động nhằm giúp thay đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng bản thân mình, tôi vẫn thích hình ảnh ông cháu ông Mandela vui đùa bên nhau hơn. Đó là một biểu tượng cho di sản mà ông Mandela đã để lại cho đời sau cả cuộc đời hy sinh, hiến dâng cho cuộc đấu tranh vì công lý, bình đẳng và nhân quyền. Nếu không có sự hy sinh cá nhân mà vĩ đại đó, làm sao những đứa trẻ da đen nghèo khó có được những nụ cười rạng rỡ để nhìn về tương lai?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-12-2013)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.