Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Đội phi hành gia thứ 39 trở về Trái đất sau 188 ngày sống trên quỹ đạo

The Expedition 39

 

 

Các phi hành gia thuộc sứ mạng nghiên cứu không gian thứ 39 của Cơ quan Hàng không – Không gian NASA (Mỹ) gọi là Expedition 39 (Cuộc thám hiểm thứ 39) đã trở về Trái đất sau 188 ngày sống trên quỹ đạo Trái đất.

Kể từ khi được đưa lên Trạm Không gian Quốc tế ISS hồi tháng 11-2013, đội bay này đã bay được hơn 3.000 vòng quỹ đạo với đường dài tổng cộng hơn 79 triệu dặm.

Tàu vũ trụ Soyuz TMA-11M của Nga chở họ về đã hạ xuống Kazakhstan lúc 7g58ph sáng (giờ địa phương, tức 9g58ph tới theo giờ quốc tế GMT) ngày 13-5-2014.

The Expedition 39=land-kazakhstan-140513

Đây là chuyến đưa phi hành gia lên Trạm ISS lần thứ 39 của NASA và là lần đầu tiên Trạm ISS được một người Nhật chỉ huy.

Tàu Soyuz TMA-11M đã tách khỏi module Rassvet trên phía hướng về Trái đất của Trạm ISS lúc 6g36ph (giờ GMT) chiều 13-5 khi trạm đang bay bên trên lãnh thổ Mongolia cách 261 dặm. Quá trình cháy nóng dài 4ph41gi bắt đầu lúc 9g04ph tối 13-5 khi tàu lao vào tầng khí quyển.

Trở về Trái đất là 3 nhà du hành vũ trụ: Koichi Wakata của Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản (JAEA) – chỉ huy Trạm ISS, Mikhail Tyurin của Cơ quan Không gian Nga Roscosmos – chỉ huy tàu Soyuz, và Rick Mastracchio của NASA (Mỹ) – kỹ sư phi hành. Họ là các phi hành gia lão luyện. Tới nay, Mastracchio đã có 228 ngày sống trên quỹ đạo qua 4 phi vụ. Wakata cũng có 4 phi vụ với 348 ngaỳ ở trên quỹ đạo. Còn Tyurin đã ở trên quỹ đạo tổng cộng 532 ngày trong 3 phi vụ và xếp thứ 13 trong danh sách các nhà phi hành gia ở trên quỹ đạo lâu nhất..

Ngày hôm trước (12-5-2014) trên Trạm ISS đã diễn ra lễ bàn giao quyền chỉ huy Trạm giữa Wakata của Đội bay 39 với phi hành gia Mỹ Steve Swanson để bắt đầu cho phi vụ Thám hiểm thứ 40 (chính thức bắt đầu khi tàu Soyuz rời khỏi Trạm. Sau thủ tục chia tay, 3 phi hành gia trở về Trái đất đã vào tàu Soyuz TMA-11M và đóng cửa sập lại lúc 3g15ph chiều 13-5. Họ đã phải ở trong đó suốt 3g21ph trước khi rời Trạm.

Trên Trạm ISS bây giờ còn 2 phi hành gia Mỹ (Steve Swanson và Alexander Skvortsov) và 1 phi hành gia Nga (Oleg Artemyev). Đội bay 3 người sẽ điều hành Trạm ISS trong 2 tuần cho tới khi 3 phi hành gia mới (Reid Wiseman của NASA, Max Suraev của Roscosmos và Alexander Gerst của Cơ quan Không gian châu Âu) lên hình thành đội Thám hiểm thứ 40. Ba kỹ sư phi hành này sau khi luyện tập tại Thành phố Ngôi sao của Nga đã được chuyển tới Tổ hợp Vũ trụ Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan hôm 15-5 để chuẩn bị cho chuyến lên Trạm ISS vào ngày 28-5 tới đây.

Các mẫu từ cuộc nghiên cứu microbiome (tập hợp thông tin di truyền mã hóa tất cả các vi sinh vật đang sống hài hòa trong cơ thể con người tạo thành một bộ gen thứ hai của con người) đang tiến hành cũng được đưa về Trái đất lần này. Nghiên cứu này nhằm tìm xem sự ảnh hưởng của việc du hành trong không gian đối với hệ miễn dịch và hệ microbiome của con người. Người ta cũng tiến hành lấy theo định kỳ các mẫu từ cơ thể các phi hành gia và môi trường trên Trạm ISS để giám sát các thay đổi trong hệ miễn dịch và hệ microbiome. Kết quả của nghiên cứu này có thể bổ sung cho các nỗ lực nghiên cứu về các ảnh hưởng sức khỏe đối với những người đang sống và làm việc trong những môi trường cực kỳ khắc nghiệt trên Trái đất, và giúp nghiên cứu về khả năng phát hiện sớm bệnh tật, những trục trặc trong chức năng trao đổi chất và hệ miễn dịch.

Trong chuyến thám hiểm thứ 39 này, các nhà du hành vũ trụ đã tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau. Ngoài nghiên cứu về hệ miễn dịch và hệ microbiome, họ đã nghiên cứu về sự gia tăng tinh thể protein để tìm hiểu xem protein phản ứng ra sao đối với bệnh Huntington (một căn bệnh di truyền làm sa sút trí tuệ ở người cao tuổi gây ảnh hưởng đến nhận thức hành vi và việc di chuyển của người bệnh) và những tình trạng suy thoái thần kinh (neurodegenerative) khác. Đội bay cũng đã lắp đặt một phòng trồng thực vật mới được thiết kế để mở rộng khả năng sản xuất thực phẩm ở trên quỹ đạo. Phi hành gia Mỹ Mastracchio đã thực hiện 3 cuộc đi bộ bên ngoài không gian, 2 lần đầu để gỡ bỏ và thay thế một bơm mát bị hỏng và lần thứ 3 để thay thế một hộp rơ-le máy tính sao lưu bị hỏng.

Trong phi vụ thứ 39, đội bay đã tiếp nhận 3 tàu chở hàng: tàu tiếp tế Tiến Bộ của Nga, tàu vận tải Cygnus của cơ quan Orbital Sciences và tàu SpaceX Dragon của NASA. Họ đã dỡ hàng từ tàu SpaceX-3 bộ chân leo mới cho người máy có hình dạng con người Robonaut 2 của NASA. Được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ có nhiều nguy cơ thay cho các phi hành gia, người máy Robonaut sẽ bước những bước đầu tiên để di chuyển sau khi được gắn bộ chân mới này và thử nghiệm trong những tháng tới. Các chuyên viên từ mặt đất cũng đã điều khiển cánh tay người máy của Trạm ISS để lắp đặt một hệ thống camera quan sát Trái đất mới với độ phân giải HD gọi là HDEV (high-definition Earth-viewing camera) bên ngoài phòng thí nghiệm Columbus. Với 4 camera HD, hệ thống này sẽ truyền trực tiếp hình ảnh quay Trái đất tới người xem online trên toàn thế giới.

Đáng tiếc là người Trái đất luôn để cho chính trị xen vào mọi lĩnh vực của cuộc sống con người. Công cuộc nghiên cứu khám phá vũ trụ vì lợi ích nhân loại cũng bị bầm dập bởi những dích dắc chính trị vốn chỉ vì lợi ích cho những cá nhân, nhóm người hay rộng hơn là một vài dân tộc. Hiện nay Mỹ phụ thuộc vào Nga trong việc đưa các phi hành gia Mỹ lên Trạm ISS cũng như đón họ về, do các tàu con thoi vũ trụ của Mỹ đã ngưng hoạt động từ ngày 31-8-2011. Nhưng bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng chính trị Nga – Mỹ, hoạt động này đang gặp khó khăn. Mỹ muốn gia hạn sự hợp tác tới sau năm 2020, ít nhất là tới năm 2024, nhưng Nga hiện nay không muốn chơi với Mỹ nữa, cho biết sẽ chấm dứt hợp tác khi hết hạn hợp đồng để tập trung vào chương trình nghiên cứu vũ trụ riêng của họ (Nga cũng có một phần sở hữu Trạm ISS). Bởi vậy, NASA đang chạy vắt giò lên cổ cho dự án phát triển tàu con thoi vũ trụ mới SpaceX mà nếu tới năm 2020 vẫn chưa thể đưa được con người lên quỹ đạo thì các phi hành gia Mỹ đành phải dõi mắt lên bầu trời từ… mặt đất. Tôi thì mắc bệnh tưởng tượng cấp độ Maximum nên lo rằng tới lúc đó sẽ có những “điệp viên vũ trụ” được đưa lên Trạm ISS để canh me, rình mò cuỗm các công trình nghiên cứu của nhau. Hỡi ơi con người ơi là con người!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Singapore 15-5-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

Video clip lúc tàu Soyuz TMA-11M rời khỏi Trạm ISS ngày 13-5-2014:

 

Video clip lễ bàn giao quyền chỉ huy Trạm ISS giữa Đội bay 39 cho Đội bay 40 ngày 12-5-2014: