Xin được ăn ké Ngày của Cha
Những người có chút ít Nho học vào cái thời trước khi cụ Tú Xương than rằng “Đạo học ngày nay đã chán rồi…” quan niệm là “quân sư phụ”, thể hiện 3 cấp cao thấp trong hệ thống tôn ti của xã hội. Còn đạo lý của người Việt từ xa xưa đã truyền dạy rằng “mẹ sinh, cha dưỡng, thầy dạy”, hàm ý cả ba nhân vật trong cuộc đời của mỗi con người đều có phần quan trọng ngang nhau, chẳng thể cân phân ai nặng ai nhẹ.
Đạo lý này đã được thể hiện qua biết bao câu ca dao, tục ngữ lan truyền trong xã hội, đi từ lời ru của mẹ tới bài giảng của thầy. Này nhé:
“Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Hay là:
“Ơn hoài thai, to như bể
Công dưỡng dục, lớn tựa sông”
Dạo sau này khi phong trào thi pháp được hồi phục, khi múa bút lông thảo chữ “Hiếu”, các thầy đồ thời đại thường “khuyến mãi” thêm 2 câu thơ đối: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ hơn cha.”
Thế nhưng trong thực tế thì người cha thường chịu nhiều thiệt thòi trong tình cảm gia đình và sự ghi nhận của xã hội. Trên thế giới có biết bao tác phẩm thi ca, nghệ thuật nói về tình mẹ, chỉ có một số ít ỏi thể hiện tình cha. Ngay bản thân nhiều người chúng ta, khi bình tâm ngồi nghĩ lại, chắc chắn ta thấy tình cảm của mình dành cho mẹ nhiều hơn, sâu hơn; sau khi cha mẹ khuất bóng thì hình ảnh của mẹ còn in lại đậm nét hơn bóng dáng cha. Thường thì trong ta nỗi nhớ về mẹ mình đầy tràn những sự thương yêu, vỗ về, ôm ấp; còn ý nghĩ về cha ngồn ngộn những sự nghiêm khắc, răn đe.
Cũng phải thôi, trong cái cơ cấu gia đình của người châu Á, người cha là cây cột cái trong nhà, là cây cột buồm trên chiếc thuyền gia đình. Người cha là tư lệnh trưởng xông pha trận tiền, còn người mẹ là tư lệnh phó chuyên trách hậu cần và chính trị. Do cơ chế phân công (xin hiểu cái nghĩa “thiên chức” là “trời định”), người cha phải bươn chải ngoài cuộc đời để cày bừa, trang trải gánh nặng cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. Nhiều khi người cha phải đi “chính chiến chiến trường xa” tóm cổ từng “quân tiền” nhét vào cái balô ngày càng cảm thấy trĩu nặng trên lưng, biền biệt lâu lâu mới đáo về thăm nhà. Thời gian người cha ở bên con mình sao bằng người mẹ. Đã vậy mỗi tối từ ngoài cuộc đời về, sau một ngày tả xung hữu đột, nhiều phen bầm giập, người cha xuất hiện trong nhà với hình ảnh một “tàn binh”, mệt mỏi, chán chường và dễ quạu quọ. Khoảng cách giữa cha và con cứ ngày một xa hơn.
Do đặc điểm cấu tạo tâm sinh lý do ông trời thiết kế, người cha không thể hiện tình cảm của mình giống như cách của người mẹ. Khi yêu người con gái nào đó, người đàn ông có thể mùi mẫn còn hơn mít tố nữ; nhưng tình cảm dành cho con – dù sâu nặng hơn nhiều, cũng hiếm khi được thể hiện một cách xúc động lòng người. Nhiều người cha thể hiện tình yêu con không phải bằng những cái hôn, sự ôm ấp vỗ về mà bằng cách thêm nai lưng cố kiếm thêm nhiều tiền hơn để cho con mình một cuộc sống tốt hơn, đủ đầy hơn, ít ra chẳng thua kém bạn bè của con.
Ông bà mình có câu: “có con mới biết lòng cha mẹ”. Xin tin tôi đi, mọi ông bố đều yêu thương con mình dữ lắm, không chỉ nhường nhịn cho con mà còn sẵn sàng chết thay con, hy sinh để bảo vệ con. Hổ dữ không ăn thịt con. Ngay cả những ông bố chẳng ra gì, 12 con giáp hổng giống con giáp nào, trong tận cùng con tim của họ vẫn có những khoảng dành cho tình cha con. Chuyện này không phải chỉ có trên phim, trong sách đâu.
Với những tâm tình đó, hôm nay tôi mừng Ngày của cha hay Ngày Hiền phụ (Father’s Day). Nhiều nước trên thế giới chọn ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 hàng năm để làm ngày tôn kính người cha và tôn vinh tình cha con. Cũng có một số nước chọn những ngày khác, như thứ Bảy hay Chủ nhật thứ 4 trong tháng 6.
Ngày của Cha xuất phát từ Mỹ hồi đầu thế kỷ 20 như một sự tương ứng (hay nói cách nào đó là “sự đền bù” cho quý ông bố khỏi ganh tị) đối với Ngày của Mẹ (Mother’s Day, ngày Chủ nhật thứ 2 trong tháng 5).
Ngày của Cha đầu tiên được tổ chức vào ngày Chủ nhật 19-6-1910 tại Spokane (bang Washington). Hồi đó chị Sonora Smart Dodd, người sinh ra ở bang Arkansas, muốn làm một sự kiện gì đó để bày tỏ lòng biết ơn cha mình. Người cha gà trống nuôi con William Jackson Smart này là một cựu binh thời Nội chiến của Mỹ. Ông đã một mình nuôi dạy 6 đứa con. Sau khi nghe nói về Ngày của Mẹ do chị Anna Jarvis tổ chức mừng mẹ mình hồi năm 1909 tại Grafton (bang Virginia), Dodd đã nói với cha xứ của mình rằng những ông bố cũng phải có một ngày tương tự để tôn vinh họ. Ban đầu, chị tính tổ chức vào ngày 5-6, sinh nhật của cha, nhưng do cha xứ không kịp thời gian chuẩn bị, nên ngày tôn vinh cha đã diễn ra vào ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 6 năm đó.
Trong thập niên 1920, do bận đi học đại học tại Học viện Nghệ thuật ở Chicago, Dodd tạm ngưng cuộc vận động cho Ngày của Cha. Mãi tới những năm 1930, sau khi trở lại Spokane, chị mới tiếp tục cuộc vận động, lần này ở cấp quốc gia. Năm 1938, Dodd giúp thành lập Hội đồng Ngày của Cha tại New York.
Con đường trở thành một ngày lễ quốc gia (national holiday) ở Mỹ như hiện nay của Ngày của Cha cũng lắm gian truân. Năm 1916, Tổng thống Woodrow Wilson đã đi tới Spokane để phát biểu trong Ngày của Cha và muốn nó là ngày lễ chính thức. Nhưng Quốc hội từ chối vì e rằng nó sẽ bị thương mại hóa. Năm 1924, Tổng thống Calvin Coolidge đưa ra khuyến nghị rằng nên tổ chức ngày lễ này trên cả nước, nhưng lại không ký sắc lệnh. Hai nỗ lực để chính thức công nhận Ngày của Cha cũng bị Quốc hội bác bỏ. Năm 1957, Thượng nghị sĩ Margaret Chase Smith thuộc bang Maine đã viết một kiến nghị thư cáo buộc Quốc hội đã phớt lờ những ông bố trong suốt 40 năm qua, trong khi vẫn tôn vinh những bà mẹ, nghĩa là nhất bên trọng, nhất bên khinh, chỉ “đánh giá cao” một trong song thân của người ta. Mãi tới năm 1966, Tổng thống Lyndon B. Johnson mới ký sắc lệnh tổng thống đầu tiên vinh danh những người cha, quyết định lấy ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 làm Ngày của Cha. Nhưng cũng phải đợi tới 6 năm sau, Ngày của Cha mới chính thức được coi là một ngày lễ quốc gia vĩnh viễn khi Tổng thống Richard Nixon ký ban hành thành luật vào năm 1972.
Sẵn dịp nói trước để quý lady chuẩn bị và quý gentleman đón chờ: nhiều nước đã chọn ngày 19-11 hàng năm là Ngày Quốc tế Đàn ông (International Men’s Day) dành cho mọi đàn ông trên Trái đất này. Cũng coi như một sự đền bù cho tương ứng với Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Thôi thì, tôi không còn có cha (cha tôi mất từ năm 1970 khi tôi mới 13 tuổi), nhưng có con, nên chào mừng Ngày của Cha bằng tình yêu thương các cháu nội của cha mình. Và tôi xin được gởi tới các bạn nam – đặc biệt là các ông bố – lời chúc mừng chân thành nhân Ngày của Cha. Ai may mắn còn có cha, xin mần ơn mần phước cho tôi gởi ké một chút lòng tri ân và những lời cầu chúc sức khỏe và an lành tới thân phụ của bạn.
Trong số những câu “lời hay ý đẹp” nhân Ngày của Cha, tôi thiệt là tâm đắc câu: “The greatest gift I ever had came from God, I call him Dad” (món quà vĩ đại nhất mà tôi nhận được từ Thượng đế cho tới nay, tôi gọi ông ấy là Cha). Đó là câu dành cho những người con. Còn đây là câu như lời nhắn nhủ cho những người cha: “My Father gave me the Greatest Gift, anyone could give another person, He believed in me!” (Cha tôi đã cho tôi món quà vĩ đại nhất mà bất cứ ai có thể cho người khác, ông tin vào tôi.)
Happy Father’s Day.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon, Ngày của Cha 15-6-2014)