Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Viên kim cương lớn bằng cỡ… Trái đất

WhiteDwarfStar

 

Bảo đảm mới nghe như vậy là những bạn có tâm hồn ái mộ kim cương, hột xoàn mắt sáng rỡ như đèn pha.

Mà cũng có thể gọi đó là kim cương với những gì mà nhà nghiên cứu David Kaplan và các nhà thiên văn của trường Đại học Wisconsin-Milwaukee (Mỹ) vừa phát hiện trong vũ trụ. Họ hình dung ra một thiên thể bằng cỡ Trái đất rực sáng như kim cương. Đó là một ngôi sao lùn trắng (white dwarf) lạnh tới mức có thể đã biến thành tinh thể như một viên ngọc lấp lánh trong không gian vũ trụ.

Sao lùn là loại sao đang trong giai đoạn già hấp hối. Thay vì vỡ tung ra thành mưa sao băng, nó có thể tự đổ sập lên chính mình để tạo thành những thiên thể có mật độ cực dày dặc gọi là sao lùn. Chúng chủ yếu gồm oxygen và carbon, và lạnh dần đi trong suốt hàng tỷ năm khiến chúng khó được phát hiện từ Trái đất, cho dù bằng thiết bị thiên văn mạnh nhất. Việc tìm thấy sao lùn như thế có thể nói là duyên hạnh ngộ.

Thật ra, việc phát hiện ra viên kim cương khổng lồ này chỉ nảy sinh từ việc tìm thấy một ẩn tinh (pulsar) mang ký hiệu PSR J2222-0137. Ngôi sao không thể nhìn thấy bằng mắt thường đó là một ngôi sao neutron đang quay cực nhanh được hình thành bởi những gì còn lại của một đám mây sao băng hay còn gọi là siêu tân tinh (supernova). Ngôi sao đó chính là một người bạn đường chịu lực hút của ngôi sao lùn này.

Khi phát hiện ra ẩn tinh PSR J2222-0137, các nhà nghiên cứu liền nghĩ tới một ngôi sao bầu bạn của nó. Ban đầu, họ đưa ra lý thuyết là còn có một ẩn tinh khác. Tuy nhiên sau khi quan sát 2 thiên thể này qua một số năm, họ nhận ra thiên thể thứ hai không thể là một ngôi sao neutron vì quỹ đạo của chúng quá nhanh, quay quanh nhau chỉ trong 3 ngày. Và họ đi tới kết luận rằng chỉ có một khả năng duy nhất khác đó là một ngôi sao lùn trắng.

Theo tính toán của các nhà khoa học, ngôi sao lùn trắng này cực kỳ lạnh, tới 4.900 độ F (hay 2.000 độ C). Không viết lầm đâu. Nhiệt độ này là cực nóng theo tiêu chuẩn con người. Tuy nhiên đối với một ngôi sao, cho dù là một ngôi sao chết, đó là nhiệt độ ở dưới độ đông lạnh.

Từ lý thuyết đó, các nhà thiên văn học tin rằng ngôi sao lùn mà họ vừa phát hiện thật sự được làm bằng carbon được tinh thể hóa. Nói cho mà ham, đó chính là một viên kim cương khổng lồ. Nhưng cũng nói cho mà buồn, ngôi sao lùn trắng đó ở cách Trái đất 900 năm ánh sáng. Mà một năm ánh sáng sơ sơ dài có hơn 5.800 tỷ dặm (9.400 tỷ km). Thôi đành hẹn gặp nhau trong mơ nhé!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-6-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile (http://m.tuoitre.vn) 29-6-2014