Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Cuộc chiến 2 đấu 1 trên đại dương

china-nvy-ship

 

Cách đây 2 năm, Chủ tịch Trung Quốc hồi đó là Hồ Cẩm Đào đã tới một căn cứ hải quân tại thành phố Đại Liên (Dalian) ở miền bắc để chứng kiến sự trỗi dậy của sức mạnh trên biển của Trung Quốc với chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này, đặt tên là Liêu Ninh (Liaoning).

Trước đó vào năm 1998, chính phủ Ukraine kẹt tiền đã bán chiếc tàu sân bay già nua Varyag được Nga chia lại từ Hạm đội Biển Đen của Liên Xô cho một công ty Trung Quốc với danh chính ngôn thuận là mua về làm sòng bạc nổi. Khi nó được kéo rời khỏi cảng Nikolayevsk hồi năm 2001, người ta đinh ninh nó sẽ được đưa tới Macau – thiên đường cờ bạc của Trung Quốc. Thực tế là nó được kéo về một xưởng đóng tàu ở Đại Liên để mông má lại thành tàu sân bay cho Hải quân Trung Quốc.

Giới bình luận quốc tế nói rằng tàu sân bay Liêu Ninh không chỉ là biểu tượng cho tham vọng của Bắc Kinh để thống lĩnh các vùng biển chung quanh Trung Quốc mà còn phục vụ cho chiến lược mở rộng sức mạnh quân sự ra xa hàng ngàn dặm khỏi các bờ biển của nước này.

Tuần báo Mỹ Newsweek (1-7-2014) cho biết: để chia phần thống lĩnh các đại dương, Bắc Kinh đã ồ ạt tăng cường sức mạnh cho hải quân của mình. Họ hạ thủy 3 tàu ngầm một năm, tới nay đã có 51 tàu ngầm, trong đó có 28 tàu ngầm hạt nhân. Vào năm 2000, Trung Quốc có 80 tàu chiến (so với 48 chiếc hồi thập niên 1990). Theo kế hoạch, tới năm 2020, Trung Quốc sẽ có 3 hạm đội tàu sân bay.

Cũng theo Newsweek, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bây giờ thường nhắc tới khái niệm “đất quốc gia màu xanh” (blue national soil), ý nói các đại dương được mở rộng ra khỏi đường duyên hải của nước này. Bắc Kinh đã tự phân vạch đường biên giới chủ quyền của mình trên Biển Đông bằng cái gọi là “đường 9 đoạn” sau đó thành “đường 10 đoạn” bao trùm 90% diện tích Biển Đông, lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế biển (từ bờ biển rộng ra 200 dặm) của các nước láng giềng theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Có nghĩa là, Bắc Kinh tự cho mình quyền sở hữu vượt qua khỏi giới hạn 200 dặm của công pháp quốc tế.

Hai nhà nghiên cứu Toshi Yoshihara và James Holmes thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nói rằng hành động này của Bắc Kinh không chỉ thôn tính và độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, đường hàng hải, hải sản,…) ở Biển Đông mà còn có ý đồ tạo một vùng đệm rộng hơn đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực này. Để làm được như vậy, ngoài hạm đội tàu ngầm có căn cứ ngay đảo Hải Nam ở Biển Đông là chủ lực, Trung Quốc còn sử dụng các tàu chiến tấn công nhanh được trang bị tên lửa chống tàu. Theo Christian Le Miere, nhà phân tích của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược tại Luân Đôn (Anh), cho tới nay Trung Quốc đã triển khai từ 65 tới 85 tàu chiến loại này trong khu vực.

Trong cuốn sách “Vạc dầu châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của một Thái Bình Dương ổn định”, tác giả Robert Kaplan nhấn mạnh rằng việc nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh phản ánh nhiều mục tiêu địa chính trị của Bắc Kinh. Nó sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng cái gọi là “vùng nội địa chiến lược” của mình ra xa tới hơn 1.000 dặm (gấp hơn 5 lần giới hạn của Liên Hiệp Quốc), vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – khu vực hoạt động lâu nay của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ.

Nằm ở bên cạnh Trung Quốc, Nga cũng có tham vọng củng cố lại sức mạnh hải quân lớn thứ 2 thế giới của Hải quân Liên Xô trước đây. Tổng thống Vladimir Putin đã hứa chi 700 tỷ USD để tăng cường sức mạnh quân sự của Nga trong 2 thập niên tới, trong đó phần lớn đổ vào lực lượng hải quân. Trong danh sách mua sắm thêm có nửa chục tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich, nhiều tàu sân bay, 8 tàu ngầm tấn công lớp Yasen, thế hệ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công hạt nhân tới Mỹ,… Hiện nay, Nga chỉ còn có một tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Một phần ba kho vũ khí hạt nhân gồm hơn 600 đầu nổ của Nga đang được trang bị cho các tàu ngầm. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 2-2014 đã kêu gọi thiết lập một hệ thống các căn cứ hải ngoại của Hải quân Nga ở Việt Nam, Cuba, Venezuela, Nicaragua, quần đảo Seychelles và Singapore. Tháng 3-2014, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Anatoly Antonov cho biết: “Về lẽ tự nhiên, Nga quan tâm tới việc có các căn cứ hậu cần và bảo dưỡng cho hải quân của mình ở nhiều nước.” Hiện nay, cảng Tartus hình thành từ năm 1971 ở Syria là căn cứ quân sự hải ngoại duy nhất của Nga. Đô đốc Andrei Korablev, Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc, cho biết Nga sẽ mở lại căn cứ hải quân trên quần đảo Novosibirsk vốn bỏ trống 20 năm nay để phục vụ cho sự có mặt của Nga ở Bắc Băng Dương.

Nga có lý do chính đáng để phát triển hải quân khi có bờ biển dài tổng cộng tới 68.000 dặm, dài thứ ba sau Canada và Mỹ. Hơn 80% nguồn cung cấp cho vùng Viễn Đông của Nga là bằng tàu biển, chủ yếu thông qua Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, cho tới nay Mỹ vẫn có sức mạnh hải quân lớn nhất thế giới. Hải quân Mỹ hiện nay chỉ còn 11 hạm đội chiến đấu với tàu sân bay, so với 15 hạm đội vào thời kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, khác với Nga và Trung Quốc hầu như một thân một mình, Mỹ còn có sự hậu thuẫn của lực lượng hải quân của nhiều cường quốc đồng minh trên thế giới, từ Nhật Bản, Úc tới châu Âu.

Trong 3 nước lớn nhất đang chạy đua tranh giành quyền kiểm soát trên đại dương, Nga và Trung Quốc có chung một đối thủ chiến lược là Mỹ. Hai nước này đang ngày càng tìm cách thắt chặt các mối quan hệ láng giềng với nhau. Nga cần tiền, cái mà Trung Quốc rủng rỉnh. Trung Quốc cần dầu khí, thứ mà Nga dư thừa. Nhưng không ai rõ hơn thực chất mối quan hệ Nga – Trung bằng Moscow và Bắc Kinh. Hai chúa sơn lâm – ít ra là họ tưởng như vậy – phải đâu lưng lại mà đối đầu với một sư tử bá chủ hoàn cầu – ít ra là được phong như thế. Tới chừng sư tử cảm thấy
“boring” mà bỏ đi thì còn lại một rừng chẳng thể có tới 2 chúa sơn lâm. Nói thì nói vậy chớ sư tử còn cả một đám bạn bè mà mình phải bảo vệ kia kìa, quay lưng coi sao được. Để rồi coi cái khôn của châu Âu đọ sức ra sao với cái thâm của châu Á?

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản rút gọn in trên báo CA.TPHCM 3-7-2014.

china-nvy-ship

Tàu khu trục Harbin (Trung Quốc) trong cuộc tập trận chung “Phối hợp Biển 2014” giữa Trung Quốc và Nga kéo dài một tuần trên biển Hoa Đông hồi hạ tuần tháng 5-2014.