Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Thế giới trước nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo

isil-iraq-01

 

Sự lộng hành dã man và bất chấp tất cả của lực lượng “thánh chiến Hồi giáo” gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) ở Iraq và Syria hiện nay chính là một minh chứng cho điều mà cả thế giới phải lo sợ. Đó là sự nổi dậy của chủ nghĩa cực đoan, quá khích ở các nước Hồi giáo, đặc biệt là ở thế giới Arập, trải dài từ Trung Đông tới Nam Á.

Mối quan ngại này đã được thể hiện rõ trong một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện với hơn 14.200 người ở 14 nước. Theo kết quả thăm dò vừa được công bố ngày 1-7-2014, trong vòng 12 tháng qua, người dân thế giới ngày càng thêm lo sợ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đặc biệt với 2 vụ việc nhãn tiền là cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt ở Syria và các vụ tấn công, bắt cóc con tin hàng loạt của phiến quân Boko Haram ở Nigeria. Tình trạng trở nên tồi tệ tới mức các nhóm cực đoan khét tiếng như Al-Qaeda, Hezbollah, Boko Haram,… đang mất đi sự ủng hộ của những người trước nay vẫn đứng về phía chúng. Ngay cả “sạch sẽ nhất” là lực lượng dân quân Hồi giáo Hamas từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 ở Palestine và từ năm 2007 tới nay nắm quyền kiểm soát Dải Gaza cũng khiến những người ủng hộ phải coi lại.

Hành động khiến cho các nhóm dân quân cực đoan Hồi giáo bị lên án và ghê sợ toàn cầu nhiều nhất là những vụ đánh bom liều chết bất chấp mục tiêu đó có đông dân thường hay không. Ban đầu, có những người có thể chấp nhận biện pháp tấn công kẻ địch một cách tàn nhẫn này, vì cả người thực hiện lẫn đối tượng cùng bị tan xác, khi mục tiêu là lực lượng đối nghịch. Ngoài ra, nó cũng dễ cảm thông đối với những lực lượng nổi dậy chống chính quyền hà khắc hay nhân danh sắc tộc bị đàn áp mà đòi ly khai. Nhưng trong thập niên qua, càng ngày những lực lượng dân quân Hồi giáo càng lạm dụng những “quả bom người”, tấn công vô tội vạ, cốt gây kinh hoàng tạo áp lực. Quá nhiều dân thường đã bị thương vong bởi những vụ đánh bom liều chết coi mạng người như cát sa mạc đó.

Cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Pew đã diễn ra từ ngày 10-4 tới 25-5-2014, nghĩa là trước khi lực lượng ISIL (vừa đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo IS), đánh chiếm thành phố Mosul ở miền bắc Iraq trong một mưu đồ chiếm lĩnh lãnh thổ.

Ở Lebanon, nước láng giềng với Syria, có tới 92% số người được hỏi nói rằng họ lo sợ về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Tỷ lệ này tăng 11% so với năm 2013 và phủ rộng khắp các cộng động người Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shiite và Thiên chúa giáo ở Lebanon.

Hai nước láng giềng khác của Syria là Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tỷ lệ lo ngại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo gia tăng. Đây là hai nước đang phải gồng mình gánh rất đông những người Syria tị nạn vượt biên giới để tránh cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Trong cuộc nội chiến này, những phần tử cực đoan Hồi giáo ngày càng thêm gây rối loạn. Có khoảng 62% số người Jordan được hỏi bày tỏ sự lo sợ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo (tăng 13% so với năm 2012). Tỷ lệ này là 50% ở Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 18% so với hai năm trước).

Ở châu Á, người dân các nước có đông người Hồi giáo cũng tỏ ra hết còn chịu nổi những phần tử Hồi giáo quá khích. Tỷ lệ số người lo ngại về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo chiếm 69% ở Bangladesh, 66% ở Pakistan, 63% ở Malaysia,… Điều gây ngạc nhiên cho các nhà phân tích là Indonesia, nước có đông người Hồi giáo nhất thế giới và xưa nay vốn được coi là Hồi giáo ôn hòa, lại chỉ có 4 phần 10 số người được hỏi lo lắng về chủ nghĩa cực đoan trong những người đồng đạo mình.

Nhưng nãy giờ vẫn chỉ nói chung chung về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Người dân những nước này giờ đây có thái độ ra sao với những lực lượng dân quân Hồi giáo của nước mình?

Có tới 79% số người Nigeria được hỏi chống lại nhóm Boko Haram vừa qua bắt cóc hơn 200 nữ sinh trung học làm nô lệ tình dục. Có 59% số người Pakistan nói mình không còn khoái các tay súng phong trào Taliban của nước này.

Còn ở Palestine, nơi những cuộc đấu tranh của người Hồi giáo cả ôn hòa lẫn cực đoan diễn ra lâu nhất và phức tạp nhất, lực lượng cực đoan đã mất điểm lớn. Có 53% số người Palestine được hỏi cho biết họ phản đối lực lượng Hamas. Hồi tuần qua, những tay súng Hamas đã bị Israel tố cáo thảm sát 3 thiếu niên Israel. Ngay tại Dải Gaza hiện do Hamas nắm quyền,có tới 63% số người được hỏi chống lại phong trào Hamas, còn cao hơn cả ở Bờ Tây do đảng Fatah đối đầu với Hamas kiểm soát.

Điều đáng chú ý là chỉ còn 46% người dân Palestine tin rằng các vụ đánh bom liều chết cũng có thể chấp nhận được cho dù có gây thương vong cho dân thường. Tỷ lệ này lên tới 70% hồi năm 2007. Giảm mạnh nhất là ở những người Hồi giáo Lebanon. Hiện chỉ còn 29% chấp nhận những vụ đánh bom liều chết của những phần tử cực đoan, so với 74% hồi năm 2007.

Các nước Hồi giáo chung quanh Iraq và Syria càng thêm lo sợ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo sau khi lực lượng ISIL vừa tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo” gọi là Caliphate (vương quốc Hồi giáo) ở những vùng mà chúng chiếm được. Thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của ISIL đã trở thành người đứng đầu của nhà nước tự phong này. Cái nhà nước này được cai quản bằng luật Hồi giáo Shariah khắc nghiệt mà ngay chính những người Hồi giáo cũng khiếp sợ. Vấn đề bất thường đã xuất hiện khi al-Baghdadi yêu cầu tất cả mọi người Hồi giáo phải cam kết tuân phục hắn ta. Người ta cho rằng nếu không ngăn chặn được ISIL, những kẻ cực đoan Hồi giáo này sẽ mở rộng dần lãnh thổ của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” ra cả khu vực. Bây giờ hình ảnh những tay súng dữ dằn như những tên cướp sa mạc trong quần áo màu đen, không bịt mặt thì cũng để râu xồm xoàm với những lá cờ màu đen đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng của mọi người trong khu vực.

Cho dù cũng thuộc loại cực đoan Hồi giáo, nhưng phong trào Taliban ở Afghanistan và Pakistan, thậm chí cả hệ thống khủng bố quốc tế al-Qaeda, vẫn phải chào thua lực lượng ISIL về tính dã man. Chúng tuyên bố phát động cuộc “thánh chiến Hồi giáo” Jihad theo cái nghĩa sắt máu nhất, ai không là tín đồ Hồi giáo đều là kẻ thù! Thậm chí với ISIL, ngay cả những người Hồi giáo nào không ủng hộ chúng cũng là kẻ thù của chúng. Trong khi al-Qaeda chỉ mở rộng mạng lưới khủng bố chống phương Tây ra khắp nơi, ISIL có tham vọng mở rộng “vương quốc Hồi giáo” của chúng ra cả thế giới, bắt đầu từ Iraq và Syria!

Chỉ tội nghiệp những người Hồi giáo chân chính, họ đâu có muốn tôn giáo của mình bị lợi dụng biến thành nỗi ám ảnh toàn cầu như vậy! Tôi thì nghĩ rằng các nhà nghiên cứu và học giả của Hồi giáo nên xem xét lại một cách toàn diện và thấu đáo nền tảng giáo lý của tôn giáo có gần 1,6 tỷ tín đồ (chiếm hơn 23% dân số thế giới), đông thứ nhì (chỉ sau Thiên chúa giáo có 2,2 tỷ giáo dân) này coi có điều gì bị diễn dịch sai hay không? Tôi không tin là Đức Allah hay nhà Tiên tri Mohammad lại truyền dạy như vậy đâu!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 + Có thể đọc bản rút gọn in trên báo Ấp Bắc ngày 4-7-2014.

 

isil-iraq-01

Những tay súng Hồi giáo cực đoan của ISIL tại vùng đất mà chúng tự lập “Vương quốc Hồi giáo” ở Iraq.

Mideast Iraq   XMA104

Những tay súng ISIL lùa hàng trăm người lính Iraq mà chúng bắt được tới chỗ xử bắn hàng loạt.

TOPSHOTS-IRAQ-UNREST-ARMY-EXECUTION

Những tay súng ISIL xử bắn hàng loạt hàng trăm người lính Iraq mà chúng bắt được.

IRAQ-UNREST  140317-isil-syria 140227-islamist-extremists-isil