Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Google trảm những game “giả nai”

game-purchase-in-game

 

Nhà Google là chủ một trong hai kho ứng dụng di động lớn nhất thế giới đã đồng ý không còn gọi là game miễn phí đối với bất cứ game nào mời chào người chơi mua hàng trong ứng dụng (in-app purchase). Sự thay đổi quy định này được các phụ huynh vỗ tay đập chân hoan nghênh nhiệt liệt vì họ sẽ tránh được tình trạng phải trả tiền “lãng nhách” khi con em mình táy máy tay chân đặt mua những món đồ bày ra trong quá trình chơi game.

Điều hơi bị buồn là không phải Google chủ động làm điều này, cho dù trước nay họ bị nhiều phụ huynh càm ràm. Họ chỉ động thủ sau khi có yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC). Ủy ban này đã mở cuộc điều tra về tình trạng ngày càng thêm phổ biến của việc mua hàng bên trong ứng dụng. Kết quả là cơ quan hữu trách này đã đưa ra một loạt hướng dẫn mà các nhà phát triển ứng dụng và các cửa hàng ứng dụng trong hệ thống Google phải thực thi với hạn chót là cuối tháng 9-2014. Các nhà sản xuất và phát hành game có tích hợp tính năng chào mời mua hàng trong ứng dụng sẽ phải chấm dứt quảng cáo và giới thiệu đó là game “free”, đồng thời cũng phải áp dụng quy trình xác thực thanh toán trước mỗi lần đặt mua hàng trong ứng dụng.

Không rõ rằng quy định mới rất tới này có được áp dụng toàn cầu không hay chỉ trong phạm vi châu Âu. Nếu Google vẫn không chịu tự giác thì nhà chức trách các nước và các châu lục khác phải làm như EC cho thiên hạ được nhờ.

Theo AppBrain Stats, vào tháng 7-2014, trong kho ứng dụng của Google Play có hơn 1,3 triệu ứng dụng, trong đó có hơn 1 triệu ứng dụng được dán nhãn là “miễn phí”.

Trong khi đó Apple với kho ứng dụng App Store có hơn 1,2 triệu ứng dụng, cũng đồng ý thực hiện các thay đổi trong quy định đối với game có tính năng mua hàng trong ứng dụng theo yêu cầu của EC. Tuy nhiên, cho tới nay họ chưa cho biết chi tiết cụ thể.

Ở Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vừa qua đã bắt đầu khởi kiện hãng Amazon để yêu cầu hệ thống bán lẻ trực tuyến cũng có cửa hàng ứng dụng riêng phải trả lại cho khách hàng nhiều triệu USD do khách hàng bị ai đó mua hàng trong ứng dụng mà mình không hay biết. Trước đó, Apple đã tự dàn xếp với FTC về vấn đề tương tự, chủ động đồng ý chi 32,5 triệu USD để trả lại cho người dùng các khoản mua hàng trong ứng dụng iOS mà họ không hay biết.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 21-7-2014 (http://m.tuoitre.vn/)