Việc mở khóa smartphone sắp trở thành hợp pháp ở Mỹ
Mấy năm nay, người tiêu dùng ở Mỹ bị luật pháp gián tiếp bắt buộc phải trung thành với một nhà cung cấp dịch vụ di động nào đó. Cùng một mẫu điện thoại, nhưng mua từ nhà mạng nào, bạn chỉ có thể xài cho nhà mạng đó; cho dù khi gửi về cho người khác ở nước ngoài, như Việt Nam chẳng hạn, nó có thể được mở khóa (unlocking) trong nháy mắt để xài bất cứ mạng di động nào.
Điều chơi ép nhau ở chỗ, ngay cả sau khi kết thúc hợp đồng thuê bao với nhà mạng gốc (thường là sau 2 năm), bạn cũng không thể tiếp tục xài cái điện thoại đó với nhà mạng khác.
Cái vòng kim cô này là do Giám đốc Thư viện Quốc hội Mỹ tung ra hồi năm 2012. Là người chịu trách nhiệm về luật bản quyền, vị này hồi đó đã phán rằng việc mở khóa một chiếc điện thoại mà không được sự đồng ý của nhà mạng cung cấp nó là hành vi vi phạm bản quyền.
Ngày nay thì gió lại đổi chiều. Hạ viện Mỹ chiều 25-7-2014 đã đồng lòng thông qua một dự thảo luật hợp pháp hóa việc mở khóa các điện thoại di động. Dự luật này hồi đầu mùa hè đã được Thượng viên thông qua. Bây giờ, nó đang chờ Tổng thống Barack Obama đặt bút ký là thành luật ngay. Mặc dù từ hơn một năm nay là người ủng hộ việc cho phép mở khóa điện thoại ở Mỹ, ông Obama cũng không giấu được sự ngạc nhiên trước việc cả hai viện Quốc hội cùng mau lẹ và đồng lòng thông qua dự luật này. Có lẽ họ hiểu thấu nỗi khổ bao lâu nay của các cử tri của mình và không chừng chính họ cũng là những nạn nhân của cái vụ “độc quyền” ăn theo bản quyền kia.
Trong môt tuyên bố, Tổng thống Mỹ nói rằng: “Dự luật mà Quốc hội vừa thông qua hôm nay là một bước nữa hướng tới việc cho những người Mỹ bình thường sự linh hoạt hơn và chọn lựa hơn, vì thế họ có thể tìm một nhà mạng di động đáp ứng các nhu cầu và ngân sách của họ.”
Dự luật có tên dài dòng: “Luật Mở khóa sự chọn lựa của người tiêu dùng và sự cạnh tranh không dây” cho phép người tiêu dùng và bên thứ ba được mở khóa một cách hợp pháp chiếc điện thoại được nhận thông qua một nhà mạng. Sau khi được Tổng thống Mỹ ban hành thành luật, luật này sẽ được Thư viện Quốc hội xem xét trở lại vào năm 2015 và sau đó mỗi 3 năm một lần để bảo đảm nó không xung đột gì với các luật lệ về bản quyền ở Mỹ.
Vậy là từ nay, các nhà mạng di động ở Mỹ sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn để thu hút khách hàng chọn mình. Chỉ có người tiêu dùng là hưởng lợi thật sự từ luật mới này.
Thiệt ra, trong thời gian gần đây, các nhà mạng ở Mỹ cũng đã nới tay hơn với các chính sách mở khóa của mình. Chẳng hạn như Verizon, nhà mạng này bán ra hầu hết điện thoại đã được mở khóa. Vấn đề chính nằm ở chỗ sự khác biệt kỹ thuật giữa các nhà mạng, mà nhà sản xuất điện thoại buộc phải tích hợp vào sản phẩm cung cấp cho từng nhà mạng, thường gây khó khăn cho việc chuyển thiết bị của nhà mạng này qua nhà mạng khác. Cho dù có làm được thì một số tính năng của điện thoại cũng không tương thích. Bởi vậy, giải pháp thiết thực nhất là làm sao để các nhà mạng có thể chấp nhận bất cứ mẫu điện thoại nào. Và đây cũng lại dính tới kỹ thuật hạ tầng cơ sở.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 27-7-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 26-7-2014 (http://m.tuoitre.vn/)