Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Nguy cơ dịch bệnh Ebola: không hoảng loạn, nhưng chớ chủ quan

Liberia Ebola

 

Một vị bác sĩ hàng đầu thứ ba đã chết vì bệnh Ebola. Một quan chức chính quyền Sierra Leone đã loan báo hôm 27-8-2014. Một quan chức y tế cao cấp Mỹ cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch bệnh đang càn quét miền tây châu Phi này sẽ ngày càng tệ hại hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính từ tháng 12-2013 tới nay, có hơn 3.000 người nhiễm virus Eblola ở 4 nước Tây Phi Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, và Senegal (nước thứ 5 vừa loan báo phát hiện trường hợp Ebola đầu tiên ngày 29-8-2014). Trong đó có gần 1.500 người chết. Tổ chức Các thầy thuốc không biên giới (DWB) cảnh báo rằng số người nhiễm virus Ebola quá đông ở Liberia đang làm quá tải các trung tâm điều trị của nước này.

Khi kết thúc chuyến thăm Liberia, bác sĩ Tom Frieden, Giám đốc Các trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDCP), đã mô tả tình hình là kinh khủng (dire). Ông nói: “Tôi ước gì mình không phải nói điều này, nhưng nó đang ngày càng tồi tệ hơn trước khi có thể tốt hơn.”

Liberia không phải là nơi bùng phát đợt dịch Ebola lần này. Đợt bùng phát dịch Ebola được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay chính thức bắt đầu từ tháng 3-2014 khi phát hiện ra virus Ebola tại vùng rừng nhiệt đới xa xôi hẻo lánh ở Guinea. Sau đó, virus Ebola lan sang 2 nước láng giềng Sierra Leone và Liberia trước khi tới Nigeria. Nhưng giờ đây Liberia là nước có số người nhiễm và chết vì virus Ebola cao nhất. Tổ chức DWB cho biết một trung tâm điều trị mới được mở tại thủ đô Monrovia với 120 giường bệnh đã đầy hầu như ngay lập tức. Với số người bệnh cần điều trị quá đông, các tổ chức y tế, kể cả từ thiện, không có đủ dịch truyền cho họ, trong khi đây là một liệu pháp cần kíp để giúp người bệnh bù đắp lượng dịch cơ thể bị mất đi và nhờ đó có thêm cơ may sống sót.

Lindis Hurum, điều phối viên khẩn cấp của tổ chức DWB tại Liberia, nói rằng: “Đây không chỉ là một đợt bùng phát dịch Ebola mà là một tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, và cần phải có một sự đáp ứng về nhân đạo với quy mô đầy đủ.”

Ở Sierra Leone, việc mất thêm một “tướng quân y tế” thứ ba đã gây thêm lo ngại về năng lực của nước này trong cuộc chiến chống Ebola. Bác sĩ Sahr Rogers đã bị nhiễm virus Ebola khi làm việc tại một bệnh viện ở thị trấn Kenema (miền đông Sierra Leone). Đất nước này vẫn đang còn trong giai đoạn phục hồi sau những năm dài nội chiến. Theo WHO, Sierra Leone hiện thiếu thầy thuốc khủng khiếp, chỉ có 2 bác sĩ cho mỗi 100.000 người dân (so với 245 bác sĩ cho 100.000 người dân ở Mỹ – tất nhiên chỉ để tham khảo cho biết chứ không thể so sánh được).

Các nhân viên y tế là đối tượng đặc biệt dễ bị lây nhiễm vì họ phải tiếp xúc gần gũi với những người bệnh. Mặc dù không lây qua không khí, virus Ebola có thể lây truyền qua bất cứ loại dịch cơ thể nào. WHO ước tính có ít nhất 240 nhân viên y tế đã bị nhiễm virus Ebola, nhiều hơn bất cứ đợt bùng phát dịch Ebola nào trước đây. Đã có những nhân viên y tế nước ngoài bị nhiễm virus Ebola và thậm chí có những người đã chết. Christy Feig, Giám đốc truyền thông của WHO, nói rằng: “Việc có thêm nhiều nhân viên y tế tới trợ giúp là cực kỳ quan trọng, nhưng nếu có nhiều nhân viên y tế bị nhiễm virus, nó sẽ làm hoảng sợ những nhân viên y tế nước ngoài đang có ý định tới Tây Phi trợ giúp. Hậu quả là chúng ta sẽ bị căng thẳng kinh khủng.” Hôm 26-8 có 2 chuyên gia đã tới Sierra Leone điều tra việc nhà dịch tễ học Senegal bị nhiễm virus Ebola (người này đã được đưa sang Đức điều trị). Trong khi đó, WHO đã cho rút đội của mình ra khỏi thị trấn Kailahun, nơi nhà dịch tễ học kia làm việc và bị nhiễm Ebola.

Cho tới nay Ebola vẫn là căn bệnh dịch chết người với tỷ lệ cao nhưng chưa có thuốc đặc trị. Các nhân viên y tế chỉ có thể cách ly những người bị nhiễm, tăng sức đề kháng cho họ và điều trị những chứng bệnh cơ hội. Chỉ có một số ít người bệnh được sử dụng huyết thanh thử nghiệm trị Ebola là ZMapp, một loại biệt dược do Mỹ sản xuất nhưng chưa được thử nghiệm lâm sàng. Những kết quả ban đầu là đáng mừng. Hai nhân viên y tế làm việc ở Liberia, gồm một bác sĩ Congo và một trợ lý bác sĩ Liberia đã được cho thử nghiệm ZMapp và được báo cáo là đã hồi phục. Cũng có những người dùng thuốc ZMapp nhưng vẫn không qua khỏi.

Dịch Ebola đã lan tới nước thứ 5 ở châu Phi. Ngày 26-8-2014, Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo đã báo cáo WHO việc bùng phát Ebola ở nước Trung Phi này. Một phụ nữ đã bị bệnh với những triệu chứng của Ebola sau khi làm thịt một con thú mà chồng mình mang về. Người bệnh chết ngày 11-8-2014. Sau đó, những nhân viên y tế, người thân và những người khác từng tiếp xúc với thân thể người phụ nữ này đều phát bệnh rồi chết. Tính từ ngày 28-7 tới 18-8, có tới 13 người trong tổng số 24 người nhiễm Ebola đã tử vong ở nước này. Khu vực sông Ebola của Congo (hồi đó có tên là Zaire) là nơi phát hiện đầu tiên virus Ebola vào năm 1976. Cho tới nay, nước này đã có 6 đợt bùng phát dịch Ebola với quy mô nhỏ hơn lần này.

140819-ebola-protect-02

Cả thế giới đang khẩn trương chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng phòng chống dịch Ebola lan rộng tới nước mình, chủ yếu bằng đường hàng không và những phương tiện giao thông quốc tế khác. Mặc dù WHO cho biết tỷ lệ lây lan Ebola qua đường hàng không là thấp, nhưng không phải là không có nguy cơ, nhất là từ những hành khách xuất phát hay đi qua khu vực đang có dịch này. Chỉ cần một người mang virus tới một nước nào đó là đủ để phát tán mầm bệnh dịch chết người. Đó là trường hợp của nước Nigeria với hành khách Patrick Sawyer từ Liberia tới hôm 20-7-2014 và 5 ngày sau đã chết vì Ebola sau khi gây nhiễm cho một số người do không phát hiệm sớm được bệnh do virus này gây ra. Do chưa có vắc-xin phòng ngừa hay thuốc đặc trị, bệnh do virus Ebola có tỷ lệ tử vong rất cao, có thể tới 90%. Nhưng giới chuyên môn nói rằng mọi người không nên hoảng loạn do virus Ebola chỉ lây lan trực tiếp qua các dịch cơ thể người bệnh. Điều cần nhất là phải luôn đề phòng để có những biện pháp phòng tránh hữu hiệu. Đặc biệt là phải tuân thủ những hướng dẫn của nhà chức trách.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 31-8-2014)

+ Ảnh: Người dân khu ổ chuột West Point của thủ đô Monrovia (Liberia) ngày 30-8-2014 vui mừng khi nhà chức trách dỡ bỏ lệnh phong tỏa khu vực này. Hàng ngàn người ở đây đã bị cách ly vì nhà chức trách sợ sẽ làm lây lân virus Ebola. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thông tin Lewis Brown khuyến cáo rằng việc dở bỏ cách ly không có nghĩa là không có virus Ebola tiềm ẩn ở khu này. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.) 

140830-ebola-leria-west-point-praised-experimantal-drugs-01 140830-ebola-leria-west-point-praised-experimantal-drugs-02 140830-ebola-leria-west-point-praised-experimantal-drugs-03 140830-ebola-leria-west-point-praised-experimantal-drugs-04 140830-ebola-leria-west-point-praised-experimantal-drugs-05